Ngân hàng khó khăn, lương thưởng sếp vẫn tăng

Ngân hàng khó khăn, lương thưởng sếp vẫn tăng
TP - Bức tranh toàn cảnh chung năm nay, nhiều ngân hàng không đạt thậm chí giảm mạnh chỉ tiêu lợi nhuận đề ra, trong khi nợ xấu tăng cao, lương thưởng nhân viên giảm. Nhưng chỉ tiêu thù lao cho các sếp theo thực lĩnh lại tăng ngược. Có hay không cần sự “tự nguyện” đề xuất giảm lương, thưởng qua đó thể hiện trách nhiệm của các sếp ngân hàng - điều mà nhiều doanh nhân trên thế giới từng làm?

> Nợ lương cắt thưởng, dân văn phòng than ‘trời’
> Lương, thưởng Tết ngân hàng năm nay rất khác!

Giảm mà tăng

Tại một ngân hàng cổ phần lớn niêm yết trên sàn, năm 2011, các thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát được nhận tổng mức thù lao, lương và phụ cấp chuyên trách là 1% lợi nhuận sau thuế; gồm 11 người, bình quân mỗi người nhận được gần 2,8 tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2012, với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 4.600 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2011, nên mức thù lao trên được đề nghị tăng thêm 0,5 điểm phần trăm, lên 1,5% lợi nhuận sau thuế.

Trên cơ sở kết quả 9 tháng đầu năm, một số tổ chức đầu tư dự tính ngân hàng này chỉ đạt khoảng 3.200 - 3.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm nay, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu.

Tuy nhiên, thù lao của các thành viên tạm lĩnh từ đầu năm tới nay vẫn “y nguyên” như dự kiến đầu năm. Riêng ở góc độ này, đã cho thấy một phần bất cập khi hàng loạt lương nhân viên ngân hàng sụt giảm trong khi các sếp vẫn “tịnh tiến“ đều.

Điểm lưu ý, xu hướng chung trong thời gian gần đây, hầu hết đều tăng cường nhân sự cho HĐQT và ban kiểm soát - hai cơ cấu quan trọng, mà thù lao đều phải đưa ra xin ý kiến đại hồi đồng cổ đông hàng năm.

Có nơi tăng thêm 3 - 4 người; có nơi thêm tới 5 - 7 người; có nơi đột ngột phải thay 3 - 4 người… Nguyên do, ngân hàng liên tục mở rộng quy mô, cơ cấu nhân sự cần bổ sung để đáp ứng yêu cầu quản trị, giám sát; hoặc phải thay đổi đi cùng với những vụ thâu tóm, sáp nhập; hoặc từ tình thế rủi ro pháp lý.

Theo suy luận, khi số lượng thành viên nhiều lên, tỷ lệ thù lao giữ nguyên thì vẻ như “miếng bánh” chia sẽ nhỏ đi. Song, thực tế không phải vậy.

Giả sử mức thù lao vẫn là 0,25% lợi nhuận sau thuế với 10 người trong hai cơ cấu trên, lợi nhuận sau thuế 2011 đạt 3.000 tỷ đồng thì bình quân được 750 triệu đồng/người/năm; nhưng năm 2012 với 13 người nhưng lợi nhuận sau thuế với tham vọng 4.000 tỷ đồng của một ngân hàng thì bình quân mỗi thành viên hưởng rơi vào khoảng 770 triệu đồng.

Thù lao tính ngược

Đến nay, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) là một trong số ít đơn vị xin giảm tỷ lệ mức thù lao cho HĐQT và ban kiểm soát, từ mức 0,53% lợi nhuận sau thuế năm 2011 xuống 0,3% năm 2012.

Chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2011 của Vietinbank chỉ là 5.100 tỷ đồng, còn năm 2012 với tham vọng lên tới 9.000 tỷ đồng. Như vậy, theo tính toán nếu đạt được thì dù tỷ lệ thù lao giảm đi nhưng con số tuyệt đối sẽ vẫn rất lớn.

Dự đoán chung của giới kinh doanh và đầu tư trên sàn, nhiều khả năng VietinBank sẽ không hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm nay, và có thể sẽ xin đại hội đồng cổ đông điều chỉnh. Đặt trong bối cảnh chung, xin giảm chỉ tiêu là thực tế tại nhiều ngân hàng. Nhưng việc điều chỉnh mức thù lao cho các “sếp” có hay không, hiện chưa thấy đề cập.

Về sự “im lặng” trên, theo giải thích của thành viên HĐQT một ngân hàng thương mại lớn, tỷ lệ thù lao đã xác định theo lợi nhuận, lợi nhuận không đạt hoặc giảm đi thì tự khắc phần nhận được cũng giảm đi.

Ông này cũng cho rằng như vậy là bình thường, thậm chí là công bằng dù trên thực tế năm nay các thành viên HĐQT tại nhiều ngân hàng phải làm việc nhiều hơn, chịu áp lực nhiều hơn khi môi trường kinh doanh xấu đi (!?).

Theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần, cách tính lương thưởng cho các thành viên HĐQT có công thức đơn giản: Một tỷ lệ thù lao tính trên lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đó. “Nếu mức lợi nhuận này đạt và vượt xa kế hoạch đề ra, có thể sẽ có thêm một khoản thường ngoài đáng kế.

Nhưng đó cũng chưa phải là tất cả, bởi với nhiều ngân hàng mà thành viên HĐQT nắm vai trò “ông chủ”, khoản thu đáng kể hơn cả chính là cổ tức”- Vị này cho biết.

Theo ông, có những thời điểm khoản thu cổ tức của các ông chủ ngân hàng lên đến cả trăm tỷ đồng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu thặng dư.

Do đó, lương thưởng không phải là vấn đề họ quá quan tâm. Chia sẻ với Tiền Phong, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt ông Nguyễn Đức Hưởng từng bật mí toàn bộ cổ tức của HĐQT Ngân hàng này được các thành viên sử dụng vào mục đích xây dựng quê hương của mỗi thành viên. Có vị “góp” về quê tới cả trăm tỷ đồng tiền cổ tức.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG