Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn Bloomberg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn Bloomberg
Trong cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho Bloomberg hôm 28-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố lạm phát năm tới sẽ xuống 6%, dòng vốn nước ngoài tăng mạnh trở lại, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp lành mạnh hơn sau tái cấu trúc.
Thủ tướng cam kết đưa lạm phát năm tới về 6%
Thủ tướng cam kết đưa lạm phát năm tới về 6%. Ảnh: Bloomberg

Buổi phỏng vấn của hãng tin Bloomberg với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra chỉ gần một tuần sau khi Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII bế mạc vào tuần trước. Trong kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định tăng lương tối thiểu từ 1-7-2013, nâng mức khởi điểm chịu thuế TNCN lên 9 triệu đồng, đặt mục tiêu tăng GDP 5,5%, lạm phát 8% và tăng cường xử lý tiêu cực ngân hàng.

Trong buổi phỏng vấn này, Thủ tướng đã trao đổi với Bloomberg về rất nhiều vấn đề. Trong đó nổi bật là kiềm chế lạm phát năm tới, tăng thu hút đầu tư nước ngoài, cải tổ doanh nghiệp nhà nước, thanh lọc hệ thống ngân hàng với chi phí thấp nhất, tránh để xảy ra đổ vỡ có hệ thống.

Thủ tướng cho biết: "Lạm phát 2012 sẽ vào khoảng 7% và năm tới, chúng tôi sẽ kiểm soát tốt hơn để đưa con số này về 6%". Giá tiêu dùng tăng chậm lại cũng sẽ giảm nguy cơ lao động Việt Nam đình công.

Theo Thủ tướng, đầu tư nước ngoài hai năm tới sẽ tăng mạnh khi Việt Nam cải tổ doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu ngân hàng. Những lo ngại tăng trưởng đã chạm trần sau một phần tư thế kỷ mở cửa nền kinh tế và các nhà hoạch định chính sách đang vật lộn với nợ xấu đã khiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm 21% trong năm nay.

Peter Ryder, Giám đốc quỹ đầu tư Indochina Capital tại Hà Nội cho biết việc kiềm chế lạm phát sẽ "giúp cải thiện đáng kể hình ảnh của Việt Nam". Ông nhận định: "Rõ ràng là việc lạm phát gần 20% tại hai trong số bốn năm qua đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về trình độ quản lý kinh tế của chính phủ".

Việt Nam có lạm phát cao nhất châu Á với 18% tháng 12-2011 so với cùng kỳ. Tuy nhiên, CPI tháng 11-2012 chỉ tăng 7,1%. Lần cuối cùng mức tăng này dưới 6% là vào năm 2003, theo dữ liệu của Bloomberg.

Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% năm tới, cao hơn mục tiêu 5,2% năm 2012, mức thấp nhất trong vòng 13 năm qua.

Việc Việt Nam thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát và nợ xấu tăng cao dã khiến tăng trưởng chậm lại từ mức trung bình 7% sau công cuộc "Đổi mới" năm 1986. Theo một báo cáo hồi tháng 1 của Trường Harvard Kennedy, các ngân hàng quốc doanh Việt Nam thường xuyên chịu áp lực cho vay các công ty nhà nước.

Ngày 13-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thông báo trước Quốc hội tỷ lệ nợ xấu tính đến 30/9 là 8,82%. Thống đốc dự định giảm tỷ lệ này xuống dưới 3% năm 2015 và bày tỏ quyết tâm chống lại lợi ích nhóm ngân hàng.

Jonathan Pincus - nhà kinh tế của Trường Harvard Kennedy tại TP HCM cho biết: "Nếu chính phủ thanh lọc hệ thống ngân hàng đúng cách và kiềm chế các doanh nghiệp nhà nước, chúng tôi cho rằng kiểm soát lạm phát là điều trong tầm tay, dù tăng trưởng có thể vẫn còn chậm".

Chứng khoán Việt Nam cũng ảm đạm trong năm vừa qua khi khủng hoảng ngân hàng ngày càng sâu rộng. VN-Index giảm 0,6% trong giai đoạn này, trong khi chỉ số MSCI Châu Á - Thái Bình Dương lại tăng 9,8%.

Chính phủ phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích trong nước về việc quản lý kinh tế. Thậm chí, một đại biểu Quốc hội còn cho rằng nên hướng tới "văn hóa từ chức".

Trong một văn bản trả lời cho Bloomberg sau buổi phỏng vấn, Thủ tướng cho biết: "Việt Nam kiên quyết tái cấu trúc ngân hàng với chi phí thấp nhất có thể, và sẽ không để xảy ra sụp đổ mang tính hệ thống".

Trên thực tế, kể cả khi tình hình tài chính gặp khó khăn, các ngân hàng nước ngoài vẫn tăng cường hiện diện tại đây. HSBC, Standard Chartered, Mizuho Financial và ANZ đều đã mua cổ phần tại các nhà băng Việt Nam hoặc mở chi nhánh tại nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.

Việt Nam coi tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước là một trong những trọng tâm từ nay cho đến năm 2015. Chính phủ cũng cam kết đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các công ty nhà nước như Công ty Thông tin Di động Việt Nam (thương hiệu MobiFone) và Vietnam Airlines.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: "Chúng tôi khuyến khích các công ty nhà nước cổ phần hóa và niêm yết cả trong nước lẫn quốc tế". Theo ông, ổn định nền kinh tế sẽ làm tăng đầu tư nước ngoài trong hai năm tới. Thủ tướng cũng tuyên bố: "Chúng tôi nhiệt liệt chào đón các công ty nước ngoài đầu tư và tham gia vào quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, kể cả ngân hàng".

Các nhà hoạch định chính sách đang cải cách hệ thống thuế và quy định mới về đất đai nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Trọng tâm là tìm ra những công ty có "các dự án giá trị gia tăng lớn và sử dụng công nghệ cao".

Intel, Samsung Electronics và Jabil Circuit là những công ty đã đặt nhà máy và đang mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Xuất khẩu điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác đã tăng 91% trong 10 tháng đầu năm lên 16 tỷ USD. Đây cũng là nguồn doanh thu xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Việc này cũng làm tăng dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Theo Thủ tướng, số ngoại tệ này sẽ tương đương 12 tuần nhập khẩu vào cuối năm nay, cao hơn mức dự báo 11 tuần hồi tháng 10 trước Quốc hội.

Thủ tướng cho biết: "Các công ty nước ngoài đang kinh doanh rất tốt tại Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của họ đã tăng 30% trong 11 tháng đầu năm, chiếm khoảng hai phần ba tổng kim ngạch".

Theo các nhà phân tích tại Daiwa Capital Markets Hong Kong, Việt Nam là sự lựa chọn chính đối với các công ty muốn chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Sun Mingchun, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Daiwa cho biết cùng với Campuchia, Việt Nam là "một trong những ứng cử viên hàng đầu thay thế Trung Quốc làm công xưởng cho các hãng dệt may và thời trang giá rẻ, do chi phí nhân công thấp".

Theo Thùy Linh
Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.