Làm rõ sở hữu chéo ngân hàng

Làm rõ sở hữu chéo ngân hàng
TP - Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình (ảnh) khẳng định cơ quan này đang làm rõ sở hữu chéo ngân hàng thông qua hoạt động thanh tra.

> Thanh tra sẽ làm rõ sở hữu chéo của các ngân hàng

Tại buổi họp báo “Ổn định Tài chính khu vực Đông Á” ngày 20-11, lý giải về sự khác nhau các con số nợ xấu mà dư luận đang băn khoăn, ông Bình nói:

Nợ xấu phụ thuộc nhiều yếu tố: năng lực trả nợ của khách hàng, biến động kinh tế, và phụ thuộc chính các TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu bằng các nguồn lực của mình. Như vậy, phải hiểu rằng nợ xấu là con số luôn biến động liên tục. Con số này phụ thuộc vào cách tính toán và đánh giá nợ xấu theo các chuẩn mực khác nhau. Đó là lý do tại sao các tổ chức quốc tế thậm chí ngay cả giữa các cơ quan trong nước cũng đưa ra con số nợ xấu khác nhau.

Nợ xấu được đánh giá khác nhau thì có thể sẽ dẫn đến hướng đề xuất giải quyết ở mức độ và cách thức khác nhau. Quan điểm của NHNN về cách thức xử lý sẽ thế nào, thưa ông?

Không phải do các số liệu từ các nguồn khác nhau mà cho rằng khó giải quyết nợ xấu. Nợ xấu của từng đơn vị thì được giải quyết ở từng đơn vị. Mỗi TCTD phải đánh giá số lượng, tính chất nợ xấu để đưa các giải pháp cụ thể xử lý.

Nếu ở quy mô nhỏ, từng ngân hàng đánh giá có biện pháp dung nguồn lực tài chính để xử lý. Đấy là biện pháp căn bản và quan trọng vì đó là liên quan đến quản trị DN. Nhưng nếu vấn đề nợ xấu liên quan đến an toàn hệ thống tài chính quốc gia tức là đến một ngưỡng nào đó mà chúng ta cho rằng với mức nợ xấu lớn như vậy thì Nhà nước phải có trách nhiệm can thiệp để hỗ trợ DN cũng như các TCTD giảm bớt nợ xấu.

Trong thời gian tới, NHNN có giải pháp gì giám sát sở hữu chéo hoạt động ngân hàng?

Có sở hữu chéo vì trước đây pháp luật không cấm một ngân hàng hoặc một cổ đông sở hữu cổ phần của nhiều ngân hàng khác. Do đó có hiện tượng cổ đông của các ngân hàng lập ra công ty con vay tiền của chính ngân hàng đó để đầu tư sang ngân hàng khác, tạo thành một chuỗi sở hữu nhằng nhịt, tạo ra mạng nhện sở hữu chéo giữa các ngân hàng, làm tăng nguy cơ rủi ro hệ thống. NHNN đã và đang tăng cường thanh tra, đánh giá thực trạng tài chính cũng như cổ đông của gần 30 ngân hàng làm rõ việc sở hữu chéo ngân hàng thông qua hoạt động thanh tra. Bước sang năm 2013, các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề sở hữu chéo sẽ được ban hành chắc chắn góp phần hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh, minh bạch hơn.

Cảm ơn ông !

Liên quan vấn đề minh bạch thông tin tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và thông tin ông Nguyễn Đức Kiên được tại ngoại, ông Bình khẳng định việc của ông Kiên không liên quan trực tiếp tới ACB. Câu chuyện của ông Kiên và ACB liên quan tới vấn đề sở hữu chéo và lợi ích cục bộ. NHNN hiện đang thanh tra, đánh giá tình hình cổ đông - cổ phần của ACB, thực trạng của ACB. Trên cơ sở đó, làm rõ nội dung liên quan tới một số công ty mà cổ đông lớn của ACB sở hữu. Trên cơ sở kết luận của thanh tra, NHNN sẽ xử lý nếu có biểu hiện vi phạm pháp luật.

Hội nghị quốc tế “Ổn định Tài chính khu vực Đông Á” ( Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính sẽ được tổ chức vào ngày 27 và 28-11 tới đây với sự tham dự của gần 400 đại biểu đến từ 14 nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Theo TS.Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tại Hội nghị lần này, Việt Nam sẽ gửi tới thông điệp quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế bằng một lộ trình thực hiện phù hợp với đặc trưng của khu vực, đảm bảo sự lành mạnh của từng định chế tài chính, làm cơ sở đảm bảo tính lành mạnh hệ thống tài chính ngân hàng.

 

Khánh Huyền
lược ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.