Niêm phong khuôn đúc vàng của 8 thương hiệu phi SJC

Niêm phong khuôn đúc vàng của 8 thương hiệu phi SJC
Tất cả 8 doanh nghiệp sản xuất vàng miếng không mang thương hiệu SJC đã niêm phong khuôn đúc và bàn giao cho Ngân hàng Nhà nước quản lý.
Phần máy còn dùng để sản xuất nữ trang nên được các doanh nghiệp vàng giữ lại, riêng khuôn đúc vàng miếng đã được niêm phong và giao Ngân hàng Nhà nước quản lý
Phần máy còn dùng để sản xuất nữ trang nên được các doanh nghiệp vàng giữ lại, riêng khuôn đúc vàng miếng đã được niêm phong và giao Ngân hàng Nhà nước quản lý.

Theo thông tin từ các doanh nghiệp vàng, đến chiều nay tất cả tám tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp phép sản xuất vàng miếng trước đây đều đã bàn giao khuôn đúc cho Ngân hàng Nhà nước niêm phong quản lý.

Trong đó, tại TP HCM có năm đơn vị gồm Trung tâm vàng thuộc Ngân hàng Á Châu (ACB), Công ty vàng Ngân hàng Phương Nam, Công ty vàng Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, Công ty vàng Ngân hàng Nông nghiệp, Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Ba thương hiệu còn lại gồm Công ty vàng Ngọc Thẩm ở Tiền Giang, Công ty vàng DOJI và Bảo Tín Minh Châu ở Hà Nội. Doanh nghiệp ở địa bàn nào thì Ngân hàng Nhà nước chi nhánh đó tiến hành niêm phong và quản lý khuôn đúc vàng miếng.

Theo một quan chức của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, thực ra việc bàn giao khuôn đúc này thực hiện theo đề xuất của chính các công ty vàng. Hiện nay họ không còn được sản xuất vàng miếng nữa, do vậy việc bàn giao khuôn đúc cũng là để minh bạch trong hoạt động sản xuất vàng.

Trước đó, ngay khi Ngân hàng Nhà nước cho phép chuyển đổi 13 tấn vàng (gần 350.000 lượng) gồm vàng phi SJC và vàng móp méo sang thương hiệu SJC, thị trường đã xuất hiện ý kiến nghi ngờ một số đơn vị “khai khống” để xin quota chuyển đổi lớn, sau đó mới gom vàng nguyên liệu ngoài thị trường về dập thành thương hiệu vàng của mình, rồi chuyển đổi sang vàng miếng SJC để hưởng chênh lệch.

Dù vấn đề này đã được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước giải thích rõ rằng thẩm quyền cấp phép chuyển đổi vàng miếng thuộc Ngân hàng trung ương, được căn cứ trên đề nghị của đơn vị và kế hoạch gia công của Công ty SJC. Trên cơ sở đã được cấp phép, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh sẽ đi kiểm tra tồn quỹ đột xuất tại các đơn vị.

"Đến giờ phút này tôi khẳng định chưa xảy ra việc doanh nghiệp hay ngân hàng nào trên địa bàn TP HCM kê khống số lượng vàng trong kho để xin quota chuyển đổi. Chúng tôi đã đi kiểm tra và thấy rằng tồn quỹ của đơn vị so với số vàng cấp phép là đảm bảo", ông nói.

Tuy nhiên, để minh bạch hóa trong sản xuất vàng miếng, các ngân hàng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép sản xuất vàng miếng trước đây vẫn muốn được niêm phong máy móc, khuôn đúc và giao cho Ngân hàng Nhà nước quản lý.

Bà Cao Ngọc Dung, Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận chia sẻ tất cả số vàng miếng PNJ thu vào và tồn kho đều được công ty báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước. Bản thân đon vị mua vào bao nhiêu thì khai báo đúng với số lượng bấy nhiêu không có chuyện "khai khống".

Theo bà Dung, việc khai khống và hợp thức hóa là rất khó vì Ngân hàng Nhà nước thường xuyên xuống kiểm kê kho, kiểm tra chứng từ đầu vào, kiểm tra sổ sách xem có trùng khớp với số lượng báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước hay không, sau đó kiểm tra khu vực sản xuất...

Dù thực tế là như vậy, nhưng để minh bạch trong sản xuất vàng miếng, đơn vị bà vẫn xin được niêm phong toàn bộ khuôn đúc vàng miếng và nhờ Ngân hàng Nhà nước quản lý. "Riêng về máy móc sản xuất vàng miếng do nó còn có chức năng sản xuất nữ trang nên được giữ lại để sử dụng", bà nói.

Đồng quan điểm, một lãnh đạo của Công ty vàng Sacombank cho rằng, khi SJC đã trở thành thương hiệu quốc gia, công ty chỉ mua vào chứ không thể bán ra vàng SBJ, nên đang bị tồn kho khá nhiều, trong khi giá thu mua vẫn bằng với giá của SJC. "Chúng tôi chẳng dại gì phải đi dập thêm vàng lậu mang nhãn hiệu SBJ để rồi xin chuyển đổi. Thứ 5 tuần trước, SBJ đã niêm phong khuôn đúc và chuyển giao cho Ngân hàng Nhà nước quản lý để tạo tính minh bạch", ông nói.

Theo Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG