> Lợi, hại độc quyền vàng miếng
Đồng thời ông Bình đánh giá, Nghị định 24 về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng sau 5 tháng hoạt động đã có những kết quả ban đầu hết sức cơ bản, như: Từ tháng 5-2012 trở lại đây, mặc dù giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh nhau lớn nhưng không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng.
Mặc dù giá vàng biến động lớn nhưng tỷ giá hoàn toàn ổn định và thậm chí tỷ giá vẫn tiếp tục hạ. Người dân không đổ xô đi mua vàng nữa, có nghĩa là việc vàng hóa nền kinh tế đã được chặn.
Thực tế, chưa hẳn như vậy. Bởi việc ổn định được tỷ giá, nguyên nhân chính là năm 2012 nhập siêu của Việt Nam rất thấp. Các số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 10 tháng đầu năm Việt Nam chỉ nhập siêu khoảng 350 triệu USD (xuất khẩu 93,45tỷ USD, nhập khẩu 93,8 tỷ USD).
Trong khi đó, tỷ lệ nhập siêu 3 năm trở lại đây đều từ gần 10 tỷ USD trở lên. Cụ thể, năm 2009 nhập siêu 12 tỷ USD, năm 2010 là 12,4 tỷ USD (đây cũng là năm NHNN phải điều chỉnh tỷ giá trên 3%) và năm 2011 là 9,8 tỷ USD.
Nhập siêu thấp, trong khi dự trữ ngoại hối tăng (hiện theo công bố khoảng 11 tuần nhập khẩu), không mất cân đối cung cầu ngoại tệ, nên việc ổn định tỷ giá là đương nhiên, đâu cần phải có sự hỗ trợ của chính sách "độc quyền vàng miếng".
Còn chuyện người dân không đổ xô đi mua vàng, dù giá thế giới biến động, không biết Thống đốc căn cứ vào đâu để khẳng định do tác dụng của Nghị định 24?
Ở đây chỉ có thể lý giải hai nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên, hoặc do người dân đã cạn tiền (khó vay ngân hàng, tiền đã nằm chôn trong bất động sản, làm ăn khó khăn không có tiền tích lũy) hoặc lo ngại hiệu ứng từ chính sách độc quyền vàng, dễ bị doanh nghiệp móc túi...
Theo một doanh nghiệp kinh doanh vàng, tác dụng rõ nét nhất của chính sách độc quyền vàng miếng, là quyền lực của cơ quan quản lý với doanh nghiệp được "củng cố" vững chắc hơn: Từ việc xin quota chuyển đổi vàng thương hiệu khác sang SJC cho đến việc huy động và mua bán vàng của các ngân hàng.