> Không tăng lương, 22 triệu người bị ảnh hưởng
Bộ trưởng Vương Đình Huệ. |
Bộ trưởng Tài chính nói: “Do chưa cân đối được nguồn để cải cách tiền lương năm tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu xem xét tình hình thực tế cuối năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, báo cáo vấn đề này tại Kỳ họp Quốc hội thứ 5” (tháng 5-2013).
Theo ông Huệ, nếu tăng lương theo lộ trình từ ngày 1-5-2013 với mức tăng từ 1.050 nghìn đồng lên 1.300 nghìn đồng, ngân sách dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 60 nghìn tỷ đồng.
Bộ trưởng Huệ thừa nhận nhiều khó khăn trong thu ngân sách năm qua và đưa ra các giải pháp khắc phục, trong đó nhấn mạnh việc thắt chặt chi tiêu công.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, Chính phủ cần rà soát lại toàn bộ hệ thống chính sách thu; quán triệt tinh thần không tạo gánh nặng về thuế, phí đối với người dân, doanh nghiệp.
Mạnh tay xử lý tội phạm ngân hàng
Báo cáo trước Quốc hội hôm qua, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết: Từ nay đến năm 2013, Chính phủ tập trung giải quyết hiệu quả các bức xúc trong vi phạm pháp luật ở lĩnh vực ngân hàng.
Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, thời gian qua tội phạm ngân hàng có biểu hiện đáng lưu ý là lập hồ sơ giả, móc nối với cán bộ ngân hàng để vay rồi chiếm đoạt tài sản khá tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho công tác điều tra.
Chính phủ sẽ chủ động khắc phục những thiếu sót trong quản lý nhà nước, những kẽ hở để phát sinh tội phạm, đồng thời kiên quyết xử lý hiệu quả các vi phạm, tội phạm ngân hàng, chiếm dụng vốn, tạo chuyển biến, làm lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng.
Năm 2012, tội phạm có tổ chức, đòi nợ thuê, giết người, tham nhũng chức vụ, tội phạm có yếu tố nước ngoài có dấu hiệu tăng. Số vụ chống người thi hành công vụ cũng tăng 17,9% so với năm 2011.
Chính phủ kiến nghị với Quốc hội cần sửa Bộ luật hình sự, cho phép bắt tạm giam tội phạm chưa đủ tuổi vị thành niên phạm tội nghiêm trọng để răn đe.
Trao đổi với Tiền Phong tại hành lang Quốc hội, TS Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, năm 2013 cần duy trì lộ trình tăng lương.
“Tôi cho rằng các khoản chi thường xuyên ngoài chi lương và bảo hiểm xã hội còn “vô tội vạ”. Nếu cắt giảm như vậy, vẫn bảo đảm được lộ trình tăng lương” - ông Lịch nói.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi VN Cù Thị Hậu (Hưng Yên) cho biết: “Bây giờ ra chợ mới thấy sức mua rất hạn chế. Người dân phải tính toán từng ly từng tý.
Ngay cơ quan tôi, cơ quan nấu ăn 20.000 đồng/bữa nhưng có cô chỉ ăn 1 bữa rồi không dám ăn nữa mà tự đem cơm đi để tiết kiệm hơn.
Như vậy để thấy những người lương thấp và về hưu hết sức khó khăn. Nếu người cán bộ không đủ sống thì dẫn đến tham nhũng và các vấn đề xã hội”.