> Vi phạm tiền tệ - ngân hàng: Ngăn ngừa trước, xử phạt sau
Hội nghị đối thoại chính sách: Doanh nghiệp và thách thức phát triển bền vững. |
Thanh tra sân sau của NH
Hội nghị đối thoại tập trung vào 3 lĩnh vực chính là: Thuế; Tín dụng, ngân hàng; Thanh tra, kiểm tra (phòng, chống tham nhũng) nhằm giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp gặp phải trong quá trình thực hiện các quy định, chính sách liên quan; nhận diện các lỗ hổng có nguy cơ làm gia tăng hối lộ, gây tác động tới tính liêm chính và minh bạch trong hoạt động kinh doanh; những hạn chế trong khả năng tiếp cận thông tin trong các lĩnh vực thuế, tín dụng - ngân hàng, thanh tra, kiểm tra, chống gian lận và phòng, chống tham nhũng.
Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng đề án công khai minh bạch thông tin để trình Chính phủ đối với hệ thống ngân hàng. Vụ Thanh tra Tổ chức tín dụng trong nước là đơn vị được giao thực hiện đề án này. Dự thảo đã được trình Thống đốc để báo cáo lên Thủ tướng. Hy vọng đề án sẽ được phê duyệt vào cuối năm 2012 hoặc đầu năm 2013 - ông Trương Ngọc Anh |
Chánh Văn phòng Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Trương Ngọc Anh, cho biết, hiện NHNN vẫn chưa phát hiện có hoạt động “sân sau” của các NH.
Tuy nhiên, qua hoạt động thanh, kiểm tra cho thấy có biểu hiện tập trung vốn thông qua nhiều người để “rót” cho một doanh nghiệp (DN) nào đó.
NHNN đang cho thanh kiểm tra kỹ lưỡng, thỏa đáng, chứ chưa thể vội vàng đưa ra kết luận.
Theo ông Ngọc Anh, sau thanh kiểm tra, sẽ công khai các sai phạm, nhưng sẽ làm (công khai) theo từng phần.
“Vì có những kết luận thanh tra khi công khai ra sẽ làm sập đổ cả hệ thống. Đó là những vấn đề hết sức nhạy cảm, phải xem xét và làm thận trọng”- ông Ngọc Anh nói.
Hiện, NHNN đang xây dựng đề án về công khai minh bạch trình Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2012, hoặc đầu 2013.
Về việc có thông tin một số NH huy động vốn 13% trở lên, ông Ngọc Anh cho rằng, theo quy định, NH chỉ được huy động với mức 9% với kỳ hạn dưới 12 tháng, còn với kỳ hạn trên 12 tháng thì tùy theo nhu cầu về vốn và khả năng tài chính của NH có thể huy động cao hơn, nhưng không quá 12%. Đối với những tổ chức huy động vốn cao hơn, NHNN có biết, nhưng không hết.
Thông tin thường qua kênh giám sát hàng ngày, hoặc qua phản ánh từ các tổ chức tín dụng với nhau trên cùng địa bàn. Nếu chi nhánh nào vi phạm, chúng tôi có thể đề nghị phạt vi phạm hành chính, lãnh đạo, cán bộ có thể cách chức, buộc thôi việc" - ông Ngọc Anh nhấn mạnh.
Xác định giá thuê đất vùng giáp ranh
Liên quan tới vấn đề đất đai, Phó Vụ trưởng Pháp chế (Tổng cục Quản lý Đất đai-Bộ TN&MT) Bùi Sĩ Dũng, cho biết Luật Đất đai sửa đổi sắp tới, sẽ quy định các phương pháp xác định giá đất. Trong đó nhà nước sẽ đưa ra khung giá có tính ổn định trong vòng 5 năm (hiện công bố giá đất hàng năm).
Trước đây, giá đất phân theo vùng, nhưng sau này sẽ chi tiết hóa đến nhiều tỉnh, thành. Sẽ có một giá đất chuẩn ở những vùng giáp ranh, nhất là của Hà Nội và TPHCM với các vùng lân cận.
“Theo khảo sát, giá đất chênh lệch của vùng giáp ranh của Hà Nội với tỉnh khác chênh nhau từ 5-15 lần, trong khi mảnh đất đó chỉ cách nhau một thửa ruộng”-ông Dũng nói.
Về phương pháp xác định giá đất, ông Dũng nói: “Giá đất phù hợp với thị trường trong điều kiện bình thường. Tương lai, có thêm sự quản lý của nhà nước”.
Trong Luật Đất đai sửa đổi sắp tới sẽ hình thành hệ thống định giá đất ở các khía cạnh như giao đất, cho thuê đất, cổ phần hóa DN, hoặc giải phóng mặt bằng.
Ngoài giá nhà nước đưa ra trong bảng giá (5 năm), tại thời điểm đó, nếu giá đất chênh lệch 20%, sẽ có tổ chức tư vấn giá độc lập tham gia. Sau khi tổ chức tư vấn giá độc lập rồi, nhưng vẫn chưa thống nhất, sẽ viện tới tòa.
Được biết, Hội nghị đối thoại chính sách: Doanh nghiệp và thách thức phát triển bền vững khu vực phía Nam sẽ được tổ chức vào ngày 18/10 tới tại TP. Hồ Chí Minh.