Cần bảo vệ người lao động tốt hơn

Người lao động sẽ có mã số lao động theo Dự thảo Luật việc làm
Người lao động sẽ có mã số lao động theo Dự thảo Luật việc làm
TP - Chiều qua (5-10), UBTVQH cho ý kiến về Dự án Luật việc làm. Nét mới của Dự luật là quy định chính sách bảo hiểm việc làm (BHVL) thay cho chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hiện hành.

> Luật Việc làm cần sớm được ban hành

Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi và cho rằng, dù quy định thế nào, điều quan trọng là cần hướng đến bảo vệ tốt hơn đối với người lao động.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Các vấn đề Xã hội cho biết: Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là bảo hiểm ngắn hạn, được thực hiện từ ngày 1-1-2009.

Quá trình thực hiện chính sách này còn một số hạn chế: Đối tượng tham gia thấp, chưa đáp ứng mục tiêu an sinh đối với nhóm lao động yếu thế; việc chi trả cho người lao động chủ yếu là chi trợ cấp thất nghiệp, chi cho việc hỗ trợ học nghề chiếm tỷ lệ thấp, hiệu quả hạn chế...

Quy định tại Dự luật đã mở rộng chính sách hỗ trợ không chỉ đối với người lao động bị thất nghiệp mà còn đối với người lao động đang làm việc và các DN để duy trì sự ổn định, phát triển DN và duy trì việc làm cho người lao động, nhằm đảm bảo tốt hơn chính sách an sinh xã hội; phòng ngừa rủi ro cho người lao động.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, còn một số ý kiến băn khoăn cho rằng: Cần cân nhắc nếu chỉ là việc đổi tên BHTN thành BHVL, vì tính chất của BHVL vẫn chủ yếu là giải quyết chính sách thất nghiệp.

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 80 quốc gia đang thực hiện chính sách BHTN, rất ít quốc gia thực hiện chính sách BHVL.

Theo kinh nghiệm Hàn Quốc, BHVL chỉ nên áp dụng ở những nước có điều kiện kinh tế phát triển. Để chính sách này mang tính khả thi, cần phải có tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức cao và hệ thống đào tạo nghề, dịch vụ việc làm đã phát triển.

"Nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt tổ chức BHTN nên giữ như quy định của Luật bảo hiểm xã hội hiện hành và sửa đổi, bổ sung theo hướng xã hội hóa, tạo cơ hội để người lao động được tiếp cận với dịch vụ này một cách thuận lợi hơn” - Chủ nhiệm UBCVĐXH Trương Thị Mai cho biết.

Đồng thời, Luật việc làm cần hướng tới bảo đảm cho mọi người lao động, đặc biệt là lao động khu vực phi chính thức có được cơ hội và điều kiện tham gia, tiếp cận một cách công bằng các chính sách lao động - việc làm, được pháp luật bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, quy định tại Dự thảo luật còn chung chung, trong khi đó lại đẻ thêm quá nhiều quỹ. "Đã có quỹ BHTN bây giờ lại thêm quỹ BHVL.

Quy định BHVL chẳng có gì khác so với BHTN hiện hành, có thể trùng lắp với quy định tại các văn bản Luật khác, do chính Quốc hội vừa thông qua. Như vậy rất thiếu thống nhất” - ông Lý phân tích.

Về phía cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của UBTVQH và cơ quan thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện dự luật.

Theo báo cáo, sau 4 năm thực hiện quỹ BHTN kết dư là 14.000 tỷ đồng, trong khi số chi trả trợ cấp thất nghiệp không nhiều (năm 2010: 460 tỷ; năm 2011: 1.096 tỷ), thấp hơn nhiều so với 1% ngân sách nhà nước hỗ trợ hiện nay.

Ủy ban Các vấn đề xã hội kiến nghị không nên quy định hỗ trợ 1% từ ngân sách nhà nước vào Quỹ bảo hiểm việc làm. Các ý kiến cho rằng, cần đề cao trách nhiệm của các DN và người lao động đối với quỹ BHVL.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bảo đảm tính thống nhất của luật.

Cần nhấn mạnh chính sách BHVL là nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho người lao động trong việc bảo đảm việc làm, chứ không chỉ là giải quyết chế độ chính sách.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG