Ngổn ngang dự án điện vì đói vốn

Ngổn ngang dự án điện vì đói vốn
TP - Hàng loạt dự án điện dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2012 và các năm tới đang bị chậm tiến độ. Nhiều đơn vị lớn như EVN, Tập đoàn Sông Đà, PVN không thể thu xếp được vốn để đầu tư các dự án điện. Nếu tình trạng này kéo dài, việc thiếu điện trong các năm tới sẽ có thể diễn ra.

> Thiếu vốn, EVN vay thêm gần 22.500 tỷ đồng

Hàng loạt dự án chậm tiến độ

Theo Ban Chỉ đạo nhà nước về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, so với tiến độ kế hoạch của Quy hoạch điện VII, trong 15 dự án dự kiến đưa vào vận hành năm 2012, chỉ có dự án thủy điện Sơn La và dự án nhiệt điện Mạo Khê 1 đạt tiến độ yêu cầu, còn lại đều bị chậm khoảng 3 tháng.

Đặc biệt có một số dự án chậm đến 9 tháng như dự án nhiệt điện Vũng Áng 1 và các dự án thủy điện Khe Bố, Nậm Chiến.

Trong 8 dự án dự kiến đưa vào vận hành năm 2013, có các dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 và An Khánh 2 bị lùi tiến độ phát điện sang năm 2014. Chậm tiến độ chủ yếu do khó khăn về vốn như các dự án thủy điện Bản Chát, Đồng Nai 4, Khe Bố.

Năng lực của nhà thầu hạn chế hoặc lực lượng của nhà thầu bố trí chưa đáp ứng yêu cầu (dự án nhiệt điện Vũng Áng 1, dự án thủy điện Bản Chát). Dự án thủy điện Nậm Chiến bị chậm tiến độ do thiết bị cung cấp không đạt yêu cầu, mất thời gian xử lý.

Trong 6 dự án dự kiến khởi công năm 2012, dự án nhiệt điện Thăng Long dự kiến lùi tiến độ khởi công sang quý I-2013. Trong 8 dự án dự kiến khởi công năm 2013 có 3 dự án bị lùi tiến độ bao gồm dự án nhiệt điện Vân Phong I, Duyên Hải II, Nghi Sơn II. Ngay tiến độ hầu hết các dự án nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành sau năm 2013 đều bị chậm so với kế hoạch.

Cụ thể, dự án nhiệt điện Vĩnh Tân II, các dự án thủy điện Huội Quảng, Thượng Kon Tum... Đặc biệt các dự án nhiệt điện ở miền Nam như Duyên Hải I, Duyên Hải III, Long Phú I, Ô Môn 2, Ô Môn III hầu hết đã bị chậm khoảng 1 năm so với tiến độ quy định trong quy hoạch điện VII và vẫn còn rủi ro tiếp tục bị chậm.

Theo Ban Chỉ đạo nhà nước về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, hiện chưa ký được hợp đồng vay vốn cho các dự án nhiệt điện Long Phú I, Sông Hậu I, Duyên Hải III, chưa thu xếp được nguồn vốn đối ứng cho dự án nhiệt điện Duyên Hải III.

Ngoài ra, việc chưa xác định chính thức nguồn nhập khẩu than cho các dự án nhiệt điện Long Phú I, Sông Hậu I cũng ảnh hưởng rất lớn đến dự án.

Bài toán khó

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi cho biết, bản thân Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nợ rất nhiều, vay trong nước không ai cho vay, còn vay nợ nước ngoài chủ yếu là ADB, Nhật Bản… và hiện đang nợ PVN, Vinacomin lên tới hơn chục nghìn tỷ đồng.

Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu như thế này thì rất khó, trong khi mỗi dự án nhà máy nhiệt điện hai tổ máy 600 MW… hiện cần tới 1,6 - 1,7 tỷ USD còn các dự án tổ hợp lớn như Long Phú, Duyên Hải cần tới cả chục tỷ USD.

Chỉ cần nhìn hai trong số các dự án nhiệt điện quan trọng cũng có thể thấy việc tìm ngân hàng, cho vay đầu tư trong lĩnh vực điện hiện rất khó.

Như dự án Ô Môn 1 thì vừa khởi công còn dự án BT Ô Môn 2 Chính phủ Nhật Bản đến nay chưa có ý kiến trong khi Ô Môn 3, 4 việc thu xếp vốn không có tiến triển do vốn trong nước không thu xếp được.

Ngay như nhà đầu tư có tiềm lực rất mạnh là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng không thể thu xếp được vốn cho các dự án điện.

 Bản thân Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nợ rất nhiều, vay trong nước không ai cho vay, còn vaay nợ nước ngoài chủ yếu là ADB, Nhật Bản… và hiện đang nợ PVN, Vinacomin lên tới hơn chục nghìn tỷ đồng

“Giờ chỉ còn cách kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài nhưng các nhà đầu tư Trung Quốc thường đòi hỏi phải làm tổng thầu và chỉ cần họ đưa thiết bị xấu vào thì rất gay. Trong khi hàng loạt các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc làm thời gian qua cho thấy họ triển khai rất chậm. Còn các nhà thầu châu Âu mấy năm qua không có nhà thầu nào vào đầu tư cả. Vấn đề do giá điện của chúng ta quá thấp, mới chỉ hơn 5 cent/kWh trong khi họ yêu cầu phải trên 8 cent/kWh mới đầu tư”- ông Ngãi nói.

EVN cho biết, theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển đến 2015, nhu cầu vốn phục vụ phát triển hệ thống điện rất lớn, lên tới trên 5 triệu tỷ đồng và đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Đến nay EVN mới thu xếp được gần 22.500 tỷ đồng nguồn vốn tín dụng cho các dự án điện cấp bách. Nếu các dự án điện trên không hoạt động theo đúng tiến độ, thì khả năng thiếu điện những năm tới là khó tránh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG