Chính phủ đã có quy định những điều công chức được làm hay không được làm, kể cả sau khi về hưu. Có nhiều việc quan chức nghỉ hưu không thể làm ngay được vì còn liên quan đến điều hành bộ máy và ngay cả cơ chế chính sách vị cán bộ ấy vừa ban hành xong, liên quan đến thông tin của nhà nước.
Không phải cứ nghỉ hưu rồi muốn làm gì thì làm. Nếu tham gia các hoạt động của tổ chức phi chính phủ thì được, còn liên quan đến kinh doanh thì phải có điều kiện ràng buộc.
Một chuyên gia pháp lý nguyên là lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho rằng: Quan chức sau khi nghỉ hưu chỉ nên tham gia vào các hoạt động, tổ chức xã hội.
Còn nếu làm quản lý, điều hành kinh doanh liên quan đến các mối quan hệ, thông tin sâu với cơ quan nhà nước thì không nên. Lý do là người đó có thể sử dụng những ảnh hưởng từ vị trí của mình khi còn công tác trong cơ quan nhà nước để tạo ra thuận lợi cho doanh nghiệp.
“Làm ăn ở Việt Nam phụ thuộc nhiều vào quan hệ và dù là quan chức đã nghỉ hưu vẫn có tác dụng”, vị chuyên gia pháp lý này nói.
Theo Nghị định 102/2007/NĐ-CP ngày 14-6-2007 quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với người là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi chức vụ. Các lĩnh vực có quy định thời hạn không được kinh doanh quy định tại Điều 4 gồm 4 nhóm.
Trong đó, nhóm 1 gồm các lĩnh vực thuộc các Bộ, ngành: Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước VN. Với những người thuộc nhóm 1 nêu trên, thời hạn không được kinh doanh từ 12 đến 24 tháng sau khi thôi giữ chức vụ.
Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có trách nhiệm từ chối cấp phép cho người thôi giữ chức vụ vi phạm các quy định về lĩnh vực và thời hạn không được kinh doanh theo quy định tại Điều 4 và 5 của Nghị định 102...
“Quan chức sau khi nghỉ hưu rồi không phải ai cũng được tham gia kinh doanh, điều hành doanh nghiệp. Nội dung này liên quan đến nhiều quy định, thậm chí có những điều cấm không được tham gia”, đại diện lãnh đạo Vụ Công chức viên chức, Bộ Nội vụ khẳng định.