Giá xăng dầu tăng liên tục, trong khi thuế nhập khẩu xăng dầu không hề giảm. Phải chăng ngân sách nhà nước chưa muốn chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, thưa ông?
Nói thế là chưa đúng, bởi từ giữa năm 2010 đến hết năm 2011, thuế nhập khẩu xăng dầu ở mức 0%. Cho đến tận ngày 24-5-2012, BTC mới khôi phục thuế nhập khẩu xăng dầu lên mức 3%, 4% và 5%, tuỳ loại và sau nhiều lần giảm giá bán lẻ, cho đến ngày 22-6-2012, thuế nhập khẩu xăng dầu mới được nâng lên 8% và 10%. Còn mức thuế nhập khẩu hiện tại (xăng 12%, diesel 10% và mazut 12%) mới được áp dụng từ ngày 3-7-2012.
Việc không thu thuế nhập khẩu và để mức thuế nhập khẩu xăng dầu thấp cho thấy, ngân sách nhà nước đã và đang chia sẻ trách nhiệm với người tiêu dùng.
Nhưng qua 4 lần tăng giá bán lẻ vừa qua, BTC hoàn toàn có thể giảm thuế nhập khẩu để chia sẻ phần khó khăn với người tiêu dùng, thưa ông?
Việc áp thuế nhập khẩu xăng dầu hiện nay được thực hiện theo Công văn 837/BTC-CST ngày 19-1-2010 của BTC về các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng, dầu tương ứng với giá mặt hàng xăng, dầu trên thị trường thế giới.
Cụ thể, nếu giá Platt’s dầu thô WTI trên thị trường thế giới từ 45 USD/thùng đến dưới 60 USD/thùng, thì áp thuế nhập khẩu xăng, dầu hỏa, nhiên liệu bay 30%; từ 60 USD/thùng đến dưới 75 USD/thùng áp thuế nhập khẩu 25% và từ 75 USD/thùng đến 95 USD/thùng áp thuế nhập khẩu 20%. Như vậy, nếu thực hiện theo đúng công văn này, thì mặt hàng xăng phải áp thuế nhập khẩu 20%, diesel và mazut phải là 15%.
Nhưng thang tính thuế do BTC xây dựng, thì Bộ hoàn toàn có quyền sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế?
BTC có toàn quyền điều chỉnh thang tính thuế này, nhưng việc tăng/giảm thuế nhập khẩu, tăng/giảm bao nhiêu, tăng/giảm mặt hàng nào phải căn cứ vào nhiều yếu tố, như bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, bảo đảm cân đối ngân sách…
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp gia hạn, miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ sản xuất và đời sống người dân, nên thu ngân sách khá căng thẳng, vì vậy, việc giảm thuế nhập khẩu phải cân nhắc, tính toán hết sức cẩn trọng.
Không giảm thuế nhập khẩu xăng dầu khiến đầu vào của doanh nghiệp tăng, thu nhập của doanh nghiệp giảm, kéo theo ngân sách giảm thu?
Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này và nhận được chỉ đạo, tới đây, nếu giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, sẽ sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp để bình ổn giá xăng dầu trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm giữa ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Câu hỏi đặt ra là, BTC có giảm thuế nhập khẩu xăng dầu không, nếu xăng dầu tiếp tục tăng giá?
Chúng tôi chưa thể khẳng định trước, nhưng nếu giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho hoạt động sản xuất và người tiêu dùng, thì sẽ áp dụng các biện pháp tổng hợp để xử lý và không loại trừ việc giảm thuế, còn giảm bao nhiêu, giảm đối với mặt hàng nào, thì cần tiếp tục theo dõi, cân nhắc, tính toán trên cơ sở bảo đảm cân đối vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tránh gây sốc cho nền kinh tế.
Trong khi BTC cân nhắc, tính toán trước khi giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, thì lại có đề xuất đưa thuế nhập khẩu nhiên liệu bay từ 12% xuống 0% nhằm hỗ trợ ngành hàng không. Ông giải thích vấn đề này thế nào?
BTC chỉ mới nghiên cứu đề xuất của Jetstar Pacific Airlines và Vietnam Airlines về việc giảm thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu bay. Việc áp mức thuế nhập khẩu với nhiên liêu bay bao nhiêu phải có tính toán, nghiên cứu khoa học để đúng với bản chất mặt hàng nhập khẩu, sử dụng thực tế, thuận tiện trong thực hiện.
Theo Mạnh Bôn
Báo Đầu tư