Nợ xấu chưa đến mức nguy kịch

Nợ xấu chưa đến mức nguy kịch
TP - “Tỷ lệ nợ xấu cao có nguyên nhân của NHNN về cơ chế chính sách, công tác thanh tra kém hiệu quả. Tôi xin nhận trách nhiệm của NHNN và với tư cách là thống đốc hiện nay, tôi cũng xin nhận trách nhiệm việc này”.

> Có trách nhiệm của ngân hàng nhà nước

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nói như vậy khi trả lời chất vấn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 21-8.

Chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, ĐBQH đã tập trung vào những vấn đề “nóng”: Có việc thâu tóm ngân hàng hay không, thực trạng nợ xấu và giải pháp xử lý nợ xấu ra sao? Việc bắt bầu Kiên có ảnh hưởng gì tới Ngân hàng ACB hay không…

ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có biểu hiện thao túng thị trường, vi phạm pháp luật với một số hành vi cố ý làm trái pháp luật, kinh doanh trái phép...

“Việc ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt và ông ta là cổ đông của nhiều ngân hàng thương mại lớn như ACB, Eximbank, Kiên Long bank gây ra hậu quả rất xấu ra sao?”.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN chỉ nhận được công văn của Bộ Công an cho biết việc bắt ông Kiên là do ông Kiên “thành lập ra 3 công ty con và các công ty này đã kinh doanh trái phép”.

Ông Kiên là nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB - do ngân hàng này tự thành lập. Tuy nhiên, theo Luật các Tổ chức tín dụng Việt Nam, trong cơ cấu tổ chức NHTMCP không có tổ chức này (Luật chỉ cho phép thành lập Hội đồng quản trị, Ban điều hành).

Nhưng nay ông Kiên không tham gia vào Hội đồng quản trị, Ban điều hành của Ngân hàng ACB nên việc bắt ông Kiên không ảnh hưởng gì tới hoạt động của ngân hàng này.

Thống đốc cũng cho biết, NHNN đã có biện pháp sẵn sàng hỗ trợ, đảm bảo thanh khoản của ACB và các tổ chức tín dụng khác.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Thống đốc đã nói việc ông Kiên bị bắt không liên quan đến ngân hàng ACB, vì vậy người gửi tiền tại ACB yên tâm.

“Tuy nhiên, Thống đốc nói việc thành lập Hội đồng sáng lập ACB không phù hợp quy định hiện hành, vậy mà lại để cho nó tồn tại quá lâu dù Ngân hàng Nhà nước biết và không có xử phạt, chấn chỉnh thì đó là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước” – bà Ngân khẳng định.

Làm rõ tiền “thâu tóm” ngân hàng

Chủ nhiệm UB Tài chính, ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển và ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) chất vấn “có hiện tượng thông qua sáp nhập để thâu tóm các ngân hàng hay không?”; việc hỗ trợ vốn cho các ngân hàng yếu kém thực hiện theo tiêu chí nào? “Những vụ việc như SHB mua lại Habubank hay Ngân hàng Phương Nam thâu tóm Sacombank, Thống đốc có biết họ lấy nguồn tiền ở đâu ra không?” - ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đặt câu hỏi.

Thống đốc Bình cho biết, các nhà đầu tư thâu tóm Sacombank thế nào, chưa bao giờ họ báo cáo NHNN.

Tuy nhiên, thâu tóm hay mua bán, sáp nhập là hoạt động bình thường trên thị trường chứng khoán, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông có thể thay đổi hàng giờ.

NHNN chỉ có thể nắm được cơ cấu tại Đại hội cổ đông hoặc khi “chốt sổ”, từ đó xem xét tính hợp pháp của việc thâu tóm. Về nguồn tiền để thâu tóm thì NHNN đã tổ chức thanh tra Sacombank từ tháng 7 và 8. Kết quả thanh tra sẽ công khai cuối tháng 8 này.

Trước đó, Thống đốc Bình cho biết việc hợp nhất các ngân hàng (3 ngân hàng phía Nam) vừa qua là bước đi đầu tiên thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Việc sáp nhập là do các NH tự tìm đối tác và cho đến nay NHNN cũng chưa phải can thiệp, cưỡng chế sáp nhập bất cứ một trường hợp nào.

Về việc hỗ trợ thanh khoản, cuối năm 2011 có 12 tổ chức tín dụng bên bờ vực phá sản, nhiều tổ chức được coi là mạnh cũng bấp bênh. NHNN đã hỗ trợ cho 6 tổ chức theo đúng quy định, giúp các tổ chức này không bị đổ vỡ, có sự giám sát chặt chẽ. Đến nay các tổ chức này cũng đã trả đầy đủ cho NHNN.

“Có ngân hàng mất hết cả vốn tự có và vốn điều lệ”

Vấn đề nợ xấu được nhiều ĐB xới lên và đặt câu hỏi về con số nợ thực chất hiện nay bao nhiêu? Số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng là hơn 117.700 tỷ (chiếm 4,47% dư nợ).

Tuy nhiên, con số của Thanh tra NHNN lại cao gấp hai lần, lên tới 202.000 tỷ đồng (bằng 8,6% dư nợ tín dụng).

Chất vấn về nợ xấu, ĐB cho rằng, con số thực tế có thể cao hơn và theo các tổ chức tín dụng quốc tế có thể tới 13%.

Thống đốc Bình lý giải, nguyên nhân số liệu khác nhau về nợ xấu là do các tổ chức tín dụng, vì lợi nhuận thường báo cáo thấp hơn thực tế, để không phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro…

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận thanh tra, giám sát của NHNN trong một thời gian dài còn hạn chế.

 Chúng ta thừa ngân hàng yếu kém nhưng lại thiếu dịch vụ ngân hàng tốt. Phải nhanh chóng tái cấu trúc, để ổn định đời sống, việc làm cho người dân

“Theo báo cáo của bản thân các tổ chức tín dụng, nợ xấu không quá 2,5% và đều có lãi. Nhưng khi NHNN thanh tra, phát hiện có tổ chức tín dụng nợ xấu lên 30%, thậm chí tới 60%, có ngân hàng mất hết cả vốn tự có và vốn điều lệ” – Ông Bình cho biết.

Trả lời ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về trách nhiệm của NHNN cũng như Thống đốc đối với nợ xấu, ông Bình thừa nhận: “Tỷ lệ nợ xấu cao có nguyên nhân của NHNN về cơ chế chính sách, công tác thanh tra kém hiệu quả.

Tôi xin nhận trách nhiệm của NHNN và với tư cách là thống đốc hiện nay, tôi cũng xin nhận trách nhiệm việc này”. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng nợ xấu của Việt Nam chưa đến mức “hốt hoảng”, “quá nguy kịch”.

Bởi đến nay, các tổ chức tín dụng đã trích lập được hơn 70.000 tỷ đồng vào quỹ dự phòng rủi ro, hơn nữa, hầu hết khoản nợ đều có tài sản đảm bảo bằng 135% giá trị khoản nợ.

“Tái cơ cấu ngân hàng, tái cơ cấu nợ và tình hình nợ xấu thì ai cũng biết rồi. Với quyết tâm chính trị của mình, Thống đốc cho biết từ nay đến cuối năm, sang 2013 nợ xấu có giảm không, giảm xuống cỡ bao nhiêu?”- Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, ông Bình cho biết việc đưa nợ xấu xuống phụ thuộc nhiều yếu tố. Tuy nhiên, ông tin nợ xấu sẽ cải thiện được trong thời gian tới, nếu nỗ lực thì trong nhiệm kỳ này sẽ đưa nợ xấu về mức an toàn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG