> DN bị vùi dập trong ‘bão’ giá mới
Lo sợ giá cả leo thang
Cô Thu Xuân (Nguyễn Hoàng Tôn, Tây Hồ) nửa tháng nay đi chợ thấy sốt ruột vì giá cả từ mớ rau, lạng thịt thứ gì cũng tăng. Cô Xuân cho biết, trước giá rau muống 4.000 đồng/mớ thì nay lên 5.000 đồng.
Thịt lợn vai từ 90.000 đồng/cân lên 100.000 đồng/cân, xương ống: 40.000 đồng/cân lên 45.000 đồng/cân. Bí xanh từ 8.000 đồng/cân lên 10.000 đồng/cân.
Duy nhất gạo đang vào mùa nên không tăng và giảm nhẹ. “Dù các mặt hàng lương thực chỉ tăng từ 1.000 đồng - 2.000 đồng sau đợt tăng giá xăng từ 1-8 nhưng lần này xăng tăng nhiều hơn, chắc chắn giá cả đắt đỏ hơn”, cô Xuân nói.
Tại chợ Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) nhiều tiểu thương lâu nay ế ẩm vì vắng khách nay lại càng thêm lo khi giá xăng dầu tiếp tục tăng. Chị Bích Nguyệt bán thịt lợn tại chợ chia sẻ: “Giá trung bình thịt lợn 100.000 đồng/cân (tăng 10.000 đồng/cân so với đầu tháng) nhưng khách hàng đi chợ hiếm người nào mua đến 1 cân thịt, mà chỉ tầm 3 - 5 lạng thịt cho cả gia đình. Tính ra khách hàng cũng chỉ mất thêm vài nghìn nhưng cũng khiến họ mua ít đi. Nay giá xăng tăng, chi phí vận chuyển tăng chúng tôi buộc phải tăng giá thịt lợn lên thì không biết bán cho ai. Trước đây trung bình một ngày tôi bán được 2 con lợn móc hàm nay bán cả ngày không hết nửa con. Có những khách hàng quen ngày nào cũng mua thịt thì nay một tuần chỉ mua thịt 3 lần và mỗi lần cũng chỉ có vài lạng thay vì cả cân như trước”.
Tại hệ thống các siêu thị như: Fivimar, Coopmart... chưa có đợt điều chỉnh tăng từ 1 - 8, tuy nhiên sức mua tại siêu thị giảm từ 10 - 20% so với đầu năm.
Bà Vũ Thị Hậu - Phó Giám đốc hệ thống siêu thị Fivimar cho biết: “Từ đầu năm chưa nhận được thông tin tăng giá từ nhà cung cấp nên hệ thống siêu thị chưa tăng giá mặt hàng nào. Để kích cầu tiêu dùng tại siêu thị, chúng tôi cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn nhưng sức mua vẫn không tăng. Đợt tăng giá xăng lần này tác động trực tiếp đến chi phí đầu vào các mặt hàng. Nếu nhà cung cấp tăng giá, chúng tôi sẽ tăng theo, điều này sẽ càng làm sức mua suy giảm”.
Giảm sức mua, khó giải quyết hàng tồn kho
Ông Đỗ Vĩnh Phú – Chủ tịch Hiệp Hội siêu thị Hà Nội phân tích: Xăng là mặt hàng thiết yếu đầu vào cho các ngành. Dưới sự cộng hưởng của nhiều yếu tố và tác động dây chuyền, một làn sóng tăng giá mới sẽ đến.
Hậu quả là, mọi người dân sẽ cắt giảm chi tiêu. Điều này trái ngược với nỗ lực của Chính phủ đang ra sức giải phóng hàng tồn kho, kích cầu tiêu dùng. Hiện nay hàng tồn kho của các doanh nghiệp còn nhiều. Nên việc tăng giá xăng dồn dập sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ thiểu phát.
Còn TS.Nguyễn Minh Phong, cho rằng: “Mỗi khi xăng tăng giá mạnh, lại xuất hiện một vòng xoáy tăng giá mới. Thời điểm này, nếu xảy ra vòng xoáy đó sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế, vì sản xuất đang tăng rất chậm, chỉ số hàng tồn kho cao, chỉ số tiêu thụ thì gần như không tăng, thậm chí có xu hướng giảm. Điều này làm mất cân đối cung - cầu trong hàng hoá. Điều này sẽ càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Nó sẽ cản trở việc thực hiện những biện pháp giải cứu doanh nghiệp mà Chính phủ đã và đang thực hiện”.