> Thép Trung Quốc 'lách' thuế vào Việt Nam
Nhà máy luyện gang lỏng của Cty CP Thép Vạn Lợi ở Hải Phòng đã dừng sản xuất hơn năm nay. |
Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoà Phát cho biết, tình hình tiêu thụ thép trong nước và thế giới năm nay, năm 2013 vẫn chưa có cửa sáng. Mối lo ngại tới đây là thép Trung Quốc sẽ đổ dồn vào Việt Nam.
Hiện Trung Quốc có sản lượng khoảng 700 triệu tấn thép/năm, chiếm hơn 50% sản lượng thép của thế giới. Trong 30 năm qua, tốc độ tăng trưởng ngành thép của nước này rất lớn, khoảng 10%. Tuy nhiên, hiện thị trường bất động sản của họ đang có vấn đề, tiêu thụ thép chững lại, nên khả năng dư thừa thép rất lớn.
“Chỉ cần 5% thép của họ (gần 40 triệu tấn) đẩy đi, thì không những Việt Nam, mà các nước trong khu vực đều phải chịu sức ép trước lượng thép khổng lồ này, do vậy cần phải có biện pháp phòng vệ từ xa”- ông Dương
cảnh báo.
Theo lãnh đạo tập đoàn Hòa Phát “Hiện thép cuộn của Trung Quốc đã vào Việt Nam khoảng 300 nghìn tấn. Được cho rằng vì có hàm lượng nguyên tố Bo trên 0,0008% nên hưởng thuế suất nhập khẩu 0%. Thực tế, tỷ lệ trên chỉ là vi lượng, không làm thay đổi tính chất vật lý của thép, mác của thép. Một số Cty thương mại, nhập thép hợp kim này về, nhưng về bán với giá thép xây dựng, đây là hình thức cạnh tranh không lành mạnh, cơ quan chức năng cần phải can thiệp, nếu không thị trường thép sẽ lọt vào tay Trung Quốc”, lãnh đạo tập đoàn Hòa Phát kiến nghị.
Ông Huỳnh Trung Quang, Tổng giám đốc Cty thép Tây Đô lo ngại: “Chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng sản phẩm thép của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực phía Nam. Riêng thép xây dựng của Trung Quốc vào Việt Nam bán với giá thấp hơn nhiều so với thép trong nước, khoảng 400-500 nghìn đồng/tấn. Tính cả VAT khoảng 14.500 triệu đồng/tấn thép cuộn. Tương lai không xa, kể cả thép thanh, vằn, chắc chắn họ sẽ ập vào thị trường nước ta”.
Theo ông Quang, thép Trung Quốc rẻ hơn, có thể do họ áp dụng công nghệ cải tiến để có giá cạnh tranh, nhưng cũng không loại trừ họ bán phá giá.
Ông Nguyễn Trọng Khôi, Phó tổng giám đốc Tổng Cty Thép Việt Nam (VNSteel) cho biết, nguy cơ bong bóng thị trường bất động sản ở Trung Quốc, đã khiến nhiều nhà máy thép ở nước này đóng cửa.
Một lượng thép dư thừa lớn có nguy cơ đổ dồn về Việt Nam và các nước Đông Nam Á, việc này sẽ bóp nghẹt thêm ngành thép trong nước đang rất khó khăn.
Tồn kho tăng, doanh nghiệp chết lâm sàng
Theo VSA, sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng 6 tháng đầu năm nay tăng chậm và giảm dần, hàng tồn kho tăng so với các tháng đầu năm.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho biết, lượng thép xây dựng tiêu thụ 6 tháng đầu năm gần 2,62 triệu tấn, giảm khoảng 17% so cùng kỳ năm ngoái. Thép tiêu thụ chậm do nền kinh tế đang khó khăn, các công trình xây dựng thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng.
Theo ông Cường, tồn kho của ngành thép đang tăng dần theo từng tháng. Bình thường, thép tồn kho mỗi tháng khoảng 250-300 nghìn tấn/tháng, đây chỉ là lượng “gối đầu” cho tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, trong tháng 6, thép tồn kho lên 350 nghìn tấn, tháng 7 đã lên 370 nghìn tấn. “Lo ngại hơn chính là việc các DN đang co sản xuất lại, cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động”, ông Cường nói.
Theo VSA, hiện các DN đã giảm công suất, làm từ 3 còn 2 ca, nhiều DN dừng sản xuất. “Điều này, báo hiệu không bình thường so với năm trước đây. Trong số 70 DN sản xuất thép trong nước, dù chưa có giấy tờ khẳng định phá sản, nhưng có 5-6 DN gần như chết hẳn, không sản xuất gì mấy tháng nay, khoảng 15 DN giảm lương (chỉ trả 70%), cắt giảm lao động” - lãnh đạo VSA cho biết.
Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp ngành thép, số DN thép chết lâm sàng hiện nay có thể gấp đôi con số của VSA thông báo, lên khoảng 10-12 DN.
Lãnh đạo VSA cảnh báo, hiện công suất sản xuất thép của các nhà máy là hơn 11 triệu tấn, trong khi khả năng tiêu thụ trong năm nay khoảng hơn 5-5,5 triệu tấn, chưa kể thép nhập khẩu.
Công suất dư thừa này trong khi tốc độ tiêu thụ chậm càng gây thêm trầm trọng cho ngành thép. Chưa kể, nhiều địa phương vẫn tiếp tục cấp phép đầu tư mới dự án thép, hoặc kiến nghị Bộ Công Thương cho phép tiếp tục đầu tư, khiến tình trạng dư thừa công suất so với nhu cầu thực tế thêm đáng lo ngại.
Trong khi đó, với các dự án thép “khủng” đã được cấp phép như nhà máy thép liên hợp Formosa ở khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh (cấp phép đầu tư từ 2008), vừa rồi đã quyết định tăng quy mô dự án lên 22,77 triệu tấn/năm, thay vì 15 triệu tấn như đăng ký ban đầu.
Còn khu liên hợp của Tycoon và E. United ISM tại khu công nghiệp Dung Quất (Quảng Ngãi), cấp phép từ năm 2006, nhưng từ đó chỉ rất ít hoạt động, do nhà đầu tư thiếu khả năng tài chính.
Gần đây, E.United đã hợp tác với tập đoàn thép JFE (Nhật Bản), cuối năm nay sẽ lập nhà máy thép liên hợp công suất 3,5 triệu tấn/năm tại Dung Quất.