Xử nghiêm ngân hàng báo cáo sai

Xử nghiêm ngân hàng báo cáo sai
TP - Hiện nay, một số chuyên gia đề xuất khá nhiều phương án xử lý nợ xấu ngân hàng: Lập công ty mua bán nợ xấu; các ngân hàng phải tự xử lý nợ xấu của ngân hàng mình; quốc hữu hóa ngân hàng.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội.

Tôi cho rằng, chúng ta đang định hướng theo kinh tế thị trường, vậy ai gây ra nợ xấu thì người đó phải chịu trách nhiệm. Do đó, trước hết, phải lấy tài sản của ngân hàng ra để xử lý nợ xấu. Khi dùng hết tài sản của ngân hàng, Nhà nước mới nhảy vào mua phần nợ xấu còn lại.

Điều quan trọng nhất trong phương án xử lý nợ xấu là phải gắn trách nhiệm của các ngân hàng và hạn chế tối đa lấy tài sản của nhà nước để cho ngân hàng xử lý nợ xấu.

Nhưng muốn để các NHTM tự xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần mạnh tay mới xử lý được, vì không ai đủ can đảm tự cầm dao cắt tay mình cả. Nếu NHTM không làm thì các cơ quan quản lý sẽ xử lý nợ xấu và hạ chuẩn ngân hàng, đồng thời, công bố công khai thông tin.

Khi đó, NHTM sẽ không huy động được tiền gửi, mất thanh khoản và bị đưa vào chế độ giám sát đặc biệt. Nếu không giám sát đặc biệt thì để ngân hàng đó phá sản, sau đó Nhà nước đứng ra mua nợ.

Về quản lý nhà nước, hiện có hai hệ thống giám sát hoạt động của các NHTM là Bảo hiểm tiền gửi và Thanh tra giám sát ngân hàng. Ngoài ra, chúng ta còn có các công cụ kiểm tra khác. Khi họ công bố thông tin, vào kiểm tra mà không đúng thì phải xử phạt, thậm chí xử lý hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế.

Nguyễn Đức Kiên
Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội
Quỳnh Nga lược ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG