Nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp thường tăng cao trong những tháng cuối năm, nhằm phục vụ cho mùa vụ kinh doanh và trả nợ vay bằng ngoại tệ, khiến tỷ giá có xu hướng tăng. Về diễn biến cuối năm nay, nhiều chuyên gia kinh tế – tài chính nhận định, tỷ giá sẽ tăng, nhưng trong tầm kiểm soát, khó vượt 2,5 - 3%.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lâu nay vẫn chọn vay ngoại tệ, bởi vay ngoại tệ sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu về lãi suất. Các ngân hàng cũng chỉ cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp ở lĩnh vực này, do họ có nguồn thu bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, theo ông Tùng, gần đây, thị trường xuất khẩu gặp khó, nên nhu cầu vốn của các doanh nghiệp cũng có phần sụt giảm. Nhà băng cũng phải cạnh tranh về lãi suất ngoại tệ để tìm kiếm khách hàng tốt cho vay. Lãi suất cho vay ngoại tệ hiện chỉ dao động từ 4,5 - 5%/năm, tại OCB là 5%/năm.
Phó tổng giám đốc phụ trách Khối khách hàng doanh nghiệp HDBank, ông Phạm Thiện Long cho hay, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ hiện chỉ trên dưới 5%/năm. Tuy nhiên, theo ông Long, tín dụng ngoại tệ luôn có sự chọn lọc và chỉ dành cho lĩnh vực xuất khẩu. Vì thế, dư nợ tín dụng ngoại tệ tại HDBank hiện chỉ chiếm khoảng 20 - 25% tổng dư nợ của Ngân hàng.
Theo ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, thực trạng của tỷ giá gắn liền với nguồn cung ứng ngoại hối và trong thời gian vừa qua, nguồn ngoại tệ đã dồi dào hơn. Ông Phước cho rằng, diễn biến của tỷ giá từ nay đến cuối năm còn tùy vào nhu cầu tiền tệ của nền kinh tế. Đồng thời, cầu về ngoại hối do tác động chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và ngoại tệ sẽ giúp cho tỷ giá có chiều hướng đi lên.
Song mức độ đi lên của tỷ giá không nhiều, có thể chừng 2 - 2,5%. Nhu cầu vốn ngoại tệ thời gian qua không tập trung vào một thời gian nhất định, nên cũng không quá lo ngại áp lực mua USD của doanh nghiệp để trả nợ vay sẽ tác động lên tỷ giá cuối năm.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM, khi tỷ giá tăng, doanh nghiệp có ngoại tệ không muốn bán ra, còn người mua không mua được. Tuy nhiên, các quy định của NHNN gần đây đã thu hẹp đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ, nếu không tái tạo được nguồn thu bằng USD trả nợ vay cho ngân hàng.
Do vậy, áp lực cầu đã giảm một phần. Đồng thời, với thông điệp của NHNN, tỷ giá chỉ biến động trong biên độ 2 - 3% năm nay, các doanh nghiệp cũng tính toán kỹ phương án sử dụng vốn vay ngoại tệ. Ngoài ra, thời gian qua, NHNN đã mua vào một lượng ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối, nên cơ quan này đã có thêm lực để sẵn sàng can thiệp vào thị trường ngoại tệ nếu cầu tăng bất thường.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, các doanh nghiệp không nên chỉ sử dụng đồng USD mà cần có sự đa dạng, dùng thêm EUR, CAD…
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, từ nay đến cuối năm, thị trường ngoại hối tương đối ổn định và có thể điều chỉnh trong biên độ 2 - 3% (lên 21.500 đồng/USD), phù hợp với chiến lược kiểm soát lạm phát năm nay.
Áp lực lên tỷ giá trong những tháng cuối năm 2012 được TS. Lịch dự báo sẽ không lớn. Vì chỉ trong quý II/2012, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư 5 tỷ USD, điều chưa từng có trong vòng 10 năm qua. Nhập siêu có thể sẽ tăng trở lại trong những tháng cuối năm, đồng thời nguồn kiều hối dự báo sẽ sụt giảm so với năm trước do tình hình kiều bào ở các nước gặp khó khăn. Song theo TS Lịch, điều đó tác động không quá lớn đến tỷ giá.
Thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu và cả nhập khẩu cũng tranh thủ vay ngoại tệ để tránh lãi suất tiền đồng. Tuy nhiên, sử dụng vốn ngoại tệ bao giờ cũng có rủi ro, dù tỷ giá năm nay được dự báo khó biến động mạnh, nên cần phải có tính toán khi vay USD. Mặt khác, với lãi suất cho vay tiền đồng đang được điều chỉnh giảm dần, nếu cân đối với biến động tỷ giá có thể tăng 3%, vay tiền đồng vẫn an toàn.
NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, tại khu vực TP. HCM, 6 tháng đầu năm, thị trường ngoại tệ tự do tương đối ổn định do NHNN tiếp tục phối hợp với các cơ quan ban ngành tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát thị trường ngoại tệ tự do, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính một số trường hợp vi phạm quy định niêm yết giá hàng hóa.
Theo Thùy Vinh
ĐTCK