Tù mù căn cứ tăng giá điện

Tù mù căn cứ tăng giá điện
TP - Trong thông báo ngày 29-6, Bộ Công Thương cho biết, việc tăng giá điện 5% nhằm bù đắp một phần việc tăng giá than cho điện và các chi phí còn treo của các năm trước.

> Thị trường phát điện cạnh tranh: Cần công khai giá thành

Thực tế giá than cho điện tính từ đầu năm tới ngày 1-7 chưa tăng, trong khi sản lượng điện chủ yếu đầu năm nay từ các nhà máy thủy điện. Thực tế các doanh nghiệp ngành điện đang lãi lớn.

Giá điện luôn là mối bận tâm của người tiêu dùng Ảnh: Phạm Yên
Giá điện luôn là mối bận tâm của người tiêu dùng Ảnh: Phạm Yên.

Nhà máy điện lãi lớn

Theo thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), luỹ kế 6 tháng đầu năm, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 58,032 tỷ kWh, chỉ tăng hơn 10,8% so với cùng kỳ năm 2011.

Trong đó điện do EVN sản xuất đạt 24,777 tỷ kWh, chiếm 43,9%. EVN cũng khẳng định, trong 6 tháng đầu năm, hệ thống điện có công suất dự phòng và được vận hành an toàn, hợp lý và tập đoàn đã khai thác tốt yếu tố thuận lợi về thủy văn.

Các số liệu trên cho thấy việc huy động tối đa khai thác các nhà máy thủy điện, do nước dồi dào, đã được EVN triệt để tận dụng để vận hành các nhà máy thủy điện thuộc hệ thống.

Điển hình như trong tháng 5, nguồn điện cấp từ thủy điện chiếm tới 46,2%, trong khi nhiệt điện than chiếm hơn 16% và nhiệt điện khí hơn 34%. Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN trong tháng này đạt 5,163 tỷ kWh, chiếm 50% tổng lượng điện tiêu thụ của cả nước.

Các tháng 3 và 4 lượng điện huy động từ thủy điện của EVN cũng đạt ở mức rất cao, thường xuyên trên mức 30% tổng công suất toàn hệ thống trong khi nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng trên 20.

Việc phải tăng giá điện để bù đắp chi phí còn treo của các năm trước và bù đắp việc tăng giá của ngành điện theo lý giải của Bộ Công Thương hoàn toàn không hợp lý.

Có thể thấy rõ các doanh nghiệp ngành điện đang có mức lãi khá lớn. Điển hình, theo báo cáo tài chính của Cty Thủy điện Thác Bà, trong quý I công ty đã có mức lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trên 21,1 tỷ đồng trong khi lợi nhuận của quý I cùng kỳ năm trước chỉ đạt hơn 6,8 tỷ đồng.

Theo Phó Tổng Giám đốc Cty Thủy điện Thác Bà, ông Nguyễn Quang Thắng, lợi nhuận của công ty tăng vọt do sản lượng huy động của bên mua là EVN tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Riêng sản lượng điện thương phẩm trong quý I là hơn 81,3 triệu kWh trong khi cùng kỳ năm 2011 sản lượng điện của công ty chỉ đạt hơn 39,6 triệu kWh.

Đặc biệt, giá điện tạm tính của công ty trong năm 2012 được điều chỉnh tăng đáng kể lên mức 522,4 đồng/ kWh, cao hơn mức giá năm 2011, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty tăng vọt.

Là đơn vị sản xuất điện bằng than nhưng Cty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại cũng cho biết, lợi nhuận thuần từ kinh doanh của đơn vị trong quý một cũng đạt tới 168,1 tỷ đồng.

Sau khi trừ các khoản chi phí, nghĩa vụ thuế, công ty có mức lợi nhuận sau thuế đạt 133,3 tỷ đồng, trong đó riêng phần lợi nhuận sau thuế của cổ đông chi phối là EVN đạt 132,7 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Tổng Giám đốc EVN Dương Quang Thành cho rằng, giá của nhiều nhà máy thủy điện hiện nay không còn rẻ nữa do tỉ suất đầu tư đã tăng rất cao, tính trung bình chi phí cho xây dựng một nhà máy lên tới 2,5 triệu USD/MW, vì vậy giá bán điện của các nhà máy thủy điện cho EVN không hề rẻ như trước đây.

Dù lãnh đạo EVN nói vậy, nhưng theo các chuyên gia, tỷ suất đầu tư cao thì sẽ được khấu hao dần trong quá trình vận hành của nhà máy, không thể đưa hết một lúc suất đầu tư vào giá thành.

Trong khi một loạt nhà máy thủy điện lớn do EVN nắm đã hết khấu hao như Thác Bà, Trị An, Ialy, Thác Mơ, Hòa Bình...? Chi phí sản xuất của các nhà máy này chỉ khoảng 200 đồng, còn lại là "ăn không". "Lấy lý do giá thành đầu vào tăng để tăng giá điện là phi lý.

Những người trong ngành điện mà có trọng lẽ công bằng thì người ta phản đối vô cùng, không ai đồng tình việc tăng giá như thế. Như thế là tăng giá tù mù. EVN và Bộ Công Thương cần công bố công khai chi phí đầu vào để dân biết"- Một chuyên gia nói.

Sai luật

Nhiều nhà máy thủy điện đang lãi lớn nhờ 6 tháng đầu năm nguồn nước dồi dào, sản lượng điện bán cho EVN tăng (trong ảnh: thủy điện Hòa Bình) Ảnh: P.Tuyên
Nhiều nhà máy thủy điện đang lãi lớn nhờ 6 tháng đầu năm nguồn nước dồi dào, sản lượng điện bán cho EVN tăng (trong ảnh: thủy điện Hòa Bình).  Ảnh: P.Tuyên.
 

Trao đổi với PV Tiền Phong, một cựu lãnh đạo EVN cho biết, cần xem kỹ lại lý do tăng giá điện của Bộ Công Thương và EVN. Theo hợp đồng đã ký giữa EVN và Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) giá than bán cho EVN là 640.000 đồng/tấn, bằng 50% giá bán than xuất khẩu của ngành than.

Mức giá này trong thực tế bán cho ngành điện là thấp và không được điều chỉnh từ đầu năm đến nay. Cùng với đó, giá khí các doanh nghiệp bán cho EVN cũng chưa được điều chỉnh.

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Vinacomin, xác nhận từ ngày 1-3-2011 đến 1-7-2012 giá than bán cho điện không tăng. Chỉ sau ngày 1-7-2012, giá than bán cho điện mới được tăng 10%-11%.

Tính đến hết năm 2012, việc tăng giá than này chỉ làm chi phí của EVN tăng thêm 300 tỷ đồng, không thấm vào đâu so với số tiền tăng thu tới 3.700 tỷ đồng của EVN nhờ việc tăng giá điện 5%.

Theo Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ về thị trường điện, khi các thông số đầu vào cơ bản thay đổi như giá than, xăng, tỷ giá, cơ cấu nguồn phát thay đổi như do hạn hán... thì được điều chỉnh giá điện.

Nếu điều chỉnh ở mức 5% thì EVN có quyền đề xuất và tăng hoặc giảm theo biến động, còn trên 5% thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Từ đầu năm tới ngày 1-7, tỷ giá hầu như không đổi, giá than chưa tăng, trong khi nguồn nước thủy điện dồi dào

  Nhiều nhà máy điện bán cho EVN chỉ với giá bình quân 700 - 800 đồng/kWh, trong khi EVN bán ra cho dân và doanh nghiệp cao gần gấp đôi, tới gần 1.400 đồng/kWh, và tương đương với giá trong khu vực (trên 7 cent/kWh) nhưng vẫn kêu lỗ là vô lý

Như vậy, việc EVN và Bộ Công Thương tăng giá bán điện là không đúng với quy định của pháp luật. "Tăng trưởng sử dụng điện thấp, cơ cấu điện sản xuất từ thủy điện đạt mức cao nên có thể nói là thừa điện mà lại tăng giá là không đúng"- Cựu quan chức EVN nói.

Một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thủy điện, phân tích: “Trong 6 tháng qua, thủy điện được khai thác hết công suất trong khi giá bán cho EVN chỉ bằng một nửa, thậm chí chỉ khoảng vài trăm đồng/kWh, so với giá bán của các doanh nghiệp ngoài ngành khác. Cùng với đó, tỉ suất khấu hao của ngành điện không hề biến đổi, thậm chí còn tụt đi. Chỉ tính riêng việc nhà máy thủy điện Sơn La đưa vào thêm được 2.400 MW từ cuối năm ngoái đến nay đã là con số rất lớn. Thủy điện năm nay nước tràn trề trong khi EVN không huy động hết công suất của điện khí, điện than thì không thể có chuyện chi phí tăng lên được".

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành điện luôn kêu lỗ nhưng lỗ bao nhiêu do kinh doanh, bao nhiêu do quản lý yếu kém, bao nhiêu do trả lương không tương xứng với công việc được giao, bao nhiêu do thất thoát tài sản nhà nước thông qua đầu tư ngoài ngành tràn lan thì không ai kiểm chứng được.

Để làm rõ lỗ lãi của các đơn vị thuộc EVN cần phải xuống từng đơn vị kiểm tra lỗ lãi, giá thành của họ, tại sao mua giá thấp bán giá cao vẫn kêu lỗ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG