> Nguy cơ quốc nạn 'nốc ao' quốc sách
Công ty ô tô Hòa Bình. |
Kinh tế chuyển biến tích cực, đúng hướng
Theo Bộ KH&ĐT, tình hình kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2012 đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
Hệ thống ngân hàng thương mại chưa khơi thông tốt dòng vốn trong nền kinh tế. Tình trạng nợ xấu chưa được giải quyết.
Tại cuộc họp báo chiều 3-7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý.
Tuy nhiên, cần quyết tâm lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đảm bảo lạm phát tăng một con số, ở mức 7-8%. GDP đạt khoảng 6%.
“Chính phủ nhìn thẳng vào những khó khăn trước mắt, không hài lòng với kết quả đã đạt được. Lãi suất tuy đã giảm song vẫn ở mức cao. DN vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn vay. DN sản xuất khó khăn hơn, số DN giải thể nhiều hơn.”- ông Đam nói.
Về giải pháp 6 tháng cuối năm, ông Đam cho biết, cần tìm mọi giải pháp hỗ trợ cho sản xuất, DN, trong đó có tăng tín dụng, giải ngân hết số vốn đã bố trí.
Trong đó có 180 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách cả năm 45 nghìn tỷ vốn trái phiếu Chính phủ. Lượng tiền đưa ra đều trong mức dự liệu từ đầu năm nên không lo ngại gây lạm phát trở lại.
Tăng giá điện phải công khai minh bạch
Trả lời câu hỏi về việc điều chỉnh giá điện, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, định hướng điều hành lâu dài là đưa giá điện theo giá thị trường. Hiện điện bán dưới giá thành, gây ra nhiều hệ lụy, nhiều ngành sản xuất tiêu tốn điện được lợi như cán thép, gây ô nhiễm môi trường.
Ông Đam khẳng định, việc điều chỉnh giá điện phải công khai, minh bạch về giá thành, lỗ, lãi, lý do tăng. Nếu điều chỉnh tăng giá thì không làm ảnh hưởng đến người nghèo, trường hợp có ảnh hưởng thì cần giải pháp hỗ trợ để bù lại. Dựa trên những nguyên tắc này, vừa qua ngành điện tăng giá.
“Chính phủ rất chia sẻ với khó khăn của DN và một bộ phận người dân, nhất là trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Chính phủ kêu gọi DN, người dân cùng nhau nỗ lực”- ông Đam nói.
Tuy nhiên, Chính phủ đã có ý kiến yêu cầu Bộ Công Thương và ngành điện phải rút kinh nghiệm. Khi tăng giá một sản phẩm ảnh hưởng đến rất nhiều đối tượng trong xã hội thì ngoài việc công khai, minh bạch giá cả, lý do tăng thì cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để nhân dân và DN hiểu và có sự chuẩn bị sẵn sàng.
Người của Bộ Tài chính sẽ nằm tại DN để giám sát
Chính phủ đã có ý kiến yêu cầu Bộ Công thương và ngành điện phải rút kinh nghiệm. Khi tăng giá một sản phẩm ảnh hưởng đến rất nhiều đối tượng trong xã hội thì phải công khai, minh bạch giá cả. |
Trả lời việc Bộ KH&ĐT kiến nghị sửa đổi Nghị định 132/2005/NĐ-CP Hướng dẫn về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ông Đam cho biết, việc sửa đổi Nghị định 132 là cần thiết trong tái cơ cấu DNNN.
Lần này quy định rõ hơn trách nhiệm chủ sở hữu nhà nước về bảo toàn, phát triển vốn của HĐQT DN, Bộ Tài chính và các bộ quản lý chuyên ngành.
Đặc biệt, sẽ quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý của bộ chuyên ngành trong định hướng chiến lược sản xuất kinh doanh của DNNN, cũng như tham gia các khâu theo quy định về bổ nhiệm cán bộ.
Quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của bộ quản lý chuyên ngành, vì đây là cơ quan theo sát nhất hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Về việc thành lập cơ quan ngang bộ chuyên quản lý DNNN, ông Đam cho biết, khi bàn về Đề án tái cơ cấu DNNN, Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia, đại biểu QH.
Thủ tướng đã giao Bộ KH&ĐT chỉ đạo các viện nghiên cứu làm đầu mối, lấy ý kiến các nhà khoa học để xem xét mô hình này. Báo cáo sơ bộ của Bộ KH&ĐT cho thấy, một số nước có thành lập cơ quan ngang bộ chuyên quản lý DNNN nhưng cũng bộc lộ một số điểm bất cập.
DN hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng không, viễn thông… thì cơ quan mới này khó nắm hết các lĩnh vực, trong khi Bộ GTVT, Thông tin - truyền thông am hiểu hơn. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&ĐT nghiên cứu kỹ để trình một phương án.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đang xây dựng phương án có một cơ quan thuộc bộ này quản lý vốn trong DNNN. “Hướng là, người của Bộ Tài chính phải nắm sát được tình hình DNNN. Người này nằm tại DN nhưng ăn lương của Bộ Tài chính để theo dõi, giám sát DNNN”- ông Đam cho biết.
Về giải quyết nợ xấu, ông Đam nhận định, đây là điểm nghẽn khiến DN không tiếp cận được vốn. Vốn không ra được sản xuất kinh doanh thì không giúp phát triển kinh tế.
Một trong những giải pháp là có thể nghiên cứu thành lập công ty mua bán nợ. Nhưng không có nghĩa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đợi lập DN này xong mới tiến hành xử lý nợ xấu.
NHNN phải chỉ đạo ngay các NH thương mại làm việc cụ thể với DN để xử lý từng khoản nợ xấu.
Đang xem xét xử lý kỷ luật ông Đào Văn Hưng
Trả lời câu hỏi về việc xem xét kỷ luật ông Đào Văn Hưng (nguyên Chủ tịch Tập đoàn Điện lực VN- EVN) và một số lãnh đạo tập đoàn này khi để xảy ra thua lỗ tại EVN Telecom trước đây, ông Đam cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã làm các bước cần thiết để làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể EVN và đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ban cán sự Đảng Chính phủ đã họp và nhận thấy, tập thể EVN và cá nhân một số lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục cần thiết về xử lý kỷ luật cán bộ với tinh thần nghiêm minh, trách nhiệm lớn thì kỷ luật nặng.
Hiện các cơ quan liên quan, trong đó có Bộ Nội vụ, Công thương đang triển khai thực hiện quyết định này. Khi thực hiện xong sẽ trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ có ý kiến kết luận, sau đó công khai với báo giới.
Về kiến nghị của Thanh tra Chính phủ không công nhận 2.000 bằng cử nhân, thạc sỹ do liên kết đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Đam cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo các cơ quan rà soát kỹ để có kết luận xác đáng.
Tinh thần là người học bỏ công sức ra học thì cần được ghi nhận nhưng sự ghi nhân phải đúng pháp luật.
Về đề xuất hạn chế nhập cư của Đà Nẵng, ông Đam cho biết, tinh thần là, việc gì các cấp chính quyền quy định trái pháp luật, Hiến pháp, nếu được nhân dân, báo giới, các cơ quan chức năng kiến nghị thì Chính phủ đều yêu cầu hủy bỏ.
Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, tất cả phải thượng tôn pháp luật. Thủ tướng đã giao Bộ Tư pháp rà soát các phương án và có báo cáo Thủ tướng. Khi Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng sẽ có ý kiến chỉ đạo chính thức.