Sự thật của trần lãi suất cho vay

Sự thật của trần lãi suất cho vay
Một nửa của mong đợi đã có ở cơ chế, phần lớn của nửa còn lại đang là một sự thật có trong “ẩn ý” của Thông tư 14.

Sự thật của trần lãi suất cho vay

Một nửa của mong đợi đã có ở cơ chế, phần lớn của nửa còn lại đang là một sự thật có trong “ẩn ý” của Thông tư 14.

Chuyên viên tín dụng giải thích: vốn huy động lãi suất thấp chưa chảy về, doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi suất vay rất cao
Chuyên viên tín dụng giải thích: vốn huy động lãi suất thấp chưa chảy về, doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi suất vay rất cao.
 

Trần lãi suất cho vay như một ốc đảo tươi mát vừa mọc lên giữa hoang mạc. Với những khách bộ hành cạn sức, đến được đã là gian nan, vào được lại là chuyện khác…

Vốn giá thấp chưa chảy về

Tuần rồi, người viết nhận được cuộc gọi từ số lạ. Người gọi giới thiệu là tổng giám đốc một công ty sản xuất phân bón ở khu vực phía Nam. Ông đề nghị được giải thích cơ chế trần lãi suất cho vay được thực hiện như thế nào, gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng của Chính phủ ra sao và điều kiện đặt ra?

Ông kể: Mới rồi công ty đến làm việc với ngân hàng. Thấy trần lãi suất huy động liên tiếp giảm, lãi suất cho vay cũng có nhiều thông tin là hạ nhiệt nhanh chóng, hy vọng được thắp lên. Nhưng kỳ thực khoản vay vẫn là 20,5%/năm, tại một ngân hàng cổ phần lớn. Chuyên viên tín dụng giải thích ngắn gọn, dòng vốn có lãi suất huy động thấp chưa kịp chảy về.

Một phần là vậy. Việc cân đối nguồn vốn của các nhà băng thường có độ trễ. Biến động của lãi suất đầu vào với đầu ra không dễ theo bình thông đáy như lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vẫn thường ước tính khi thông tin qua mỗi lần điều chỉnh lãi suất. Và đến thời điểm này vẫn còn những mức cao như vậy.

Cao hay thấp tùy thuộc vào thực tế của đối tượng vay vốn, ứng với mức độ rủi ro khác nhau. Còn thông tin của doanh nghiệp trên là đáng tham khảo, bởi vốn vay phục vụ cho sản xuất, thuộc ngành hàng hỗ trợ nông nghiệp - nông thôn, thuộc nhóm khuyến khích tín dụng (chứ không hẳn là ưu đãi tín dụng, bởi mức 20,5%/năm có thể gọi là "ngược đãi" chứ không phải là ưu đãi).

Chính vì hoạt động trong lĩnh vực đó nên vị tổng giám đốc nọ băn khoăn rằng doanh nghiệp mình có thuộc diện được hưởng trần lãi suất cho vay không. “Tôi không rõ thực tế của trần lãi suất cho vay đó như thế nào. Hiện lãi suất vay vốn của chúng tôi là vậy. Tìm hiểu ở một ngân hàng quốc doanh thì được chào mức 16,5%/năm, chứ chưa được 15%/năm”, ông cho biết.

Sự thật… quá lớn

Cũng tuần rồi, người viết nhận được một e-mail lạ. Nếu theo địa chỉ người gửi có thể đoán là một cán bộ của ngân hàng nọ… Nội dung lá thư này góp phần lý giải cho thắc mắc của vị lãnh đạo doanh nghiệp nói trên.

“Tôi xin chia sẻ với anh bất cập của Thông tư 14 (văn bản quy định trần lãi suất cho vay - PV) là tiếp tục bảo vệ lợi ích của các ngân hàng thương mại. Ngay khi có thông tin về Thông tư 14 này bọn tôi trong ngành ngân hàng đã nói với nhau chẳng qua chỉ là xoa dịu dư luận mà thôi, doanh nghiệp vẫn “chết”, e-mail đặt vấn đề.

Tác giả lá thư phân tích rằng, đọc qua Thông tư mọi người quá chú ý vào 4 đối tượng được áp trần lãi suất cho vay, và nếu không có kiến thức về kinh tế sẽ rất phân vân 4 đối tượng mà lại còn dẫn chiếu theo các văn bản pháp luật khác...

“Thực ra 4 đối tượng này đã chiếm gần hết (>90%) lượng khách hàng. Thông tư dài là vậy nhưng chỉ 1 câu mà doanh nghiệp vẫn phải “chết” mà giới ngân hàng bọn tôi quan tâm nhất và cũng biết là chỉ “hình thức” thôi ở điều 4”.

Cụ thể, điều 4 của Thông tư 14 quy định: lãi suất cho vay áp dụng đối với các hợp đồng tín dụng được ký kết trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng tín dụng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.

Một sự thật rất lớn của trần lãi suất cho vay nằm ở chỗ đó. Trong quy định trên không có từ “lãi suất”, nhưng có ẩn ý. Tác giả của lá thư cũng nhấn mạnh rằng: “Xin thưa với anh là 100% dư nợ của cả nền kinh tế hiện nay thì đã phải được ký rồi!”. Điều đó đồng nghĩa lãi suất cho vay của khoảng 2,5 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng đã được ấn định trước đó và đang được thực hiện theo hợp đồng cũ.

“Người trong cuộc” nói trên phân tích thêm: đối tượng áp dụng là cho vay ngắn hạn, thông thường các hợp đồng vay vốn lưu động (ngắn hạn) của các ngân hàng hiện là 1 năm và có thể được gia hạn hợp đồng hạn mức 1 năm nữa là 2 năm. Vậy để được hưởng lãi suất 15%/năm, các đối tượng còn phải chờ hết hợp đồng cũ, cỡ sau khoảng dăm tháng đến cả một năm đèo bòng lãi suất cao rồi mới có thể được ký lại hợp đồng mới.

Vậy nên, nếu xem việc áp trần lãi suất cho vay là một sự hỗ trợ cho doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ nền kinh tế chống đỡ khó khăn cần kíp lúc này thì cũng không nhiều; giá trị của nó có lẽ nằm ở tương lai. Nước xa khó cứu lửa gần. Ốc đảo tươi mát đó phải đợi một thời gian để có thể mở rộng trên hoang mạc.

Thực tế, cũng có những khách hàng may mắn khi vô tình hợp đồng hết hạn và ký lại thời điểm này, hoặc có những khoản vay mới (tín dụng tăng trưởng âm kéo dài cũng là một thực tế để tham khảo). Nhưng để được lãi suất 15%/năm lại là một vấn đề khác, tùy thuộc vào thể lệ tín dụng của ngân hàng và thước đo cho những tính từ “minh bạch”, “lành mạnh” quy định trong Thông tư 14.

Theo Minh Đức
Vneconomy

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.