Giá gas tăng đột biến khiến người tiêu dùng choáng váng. Ảnh: Đại Dương. |
Gas đội giá do không biết quản?
Với lý do giá gas thế giới tăng 180 USD/tấn so với tháng trước, lên mức 1.205 USD/tấn, nhiều hãng gas trong nước thông báo tăng 4.333 đồng/kg từ ngày 1-3.
Theo ông Đỗ Trung Thành, Phó trưởng Phòng Kinh doanh của Saigon Petro, giá gas bán lẻ của đơn vị này tăng thêm 52.000 đồng/bình 12 kg so với đầu tháng 2, lên mức 477.000 đồng/ bình 12 kg. Một số hãng khác cho biết, giá bán lẻ một bình gas 12kg đến tay người tiêu dùng kể từ ngày 1-3 sẽ dao động gần 500.000 đồng tùy thương hiệu.
Các doanh nghiệp và Hiệp hội Gas VN cũng đã kiến nghị giảm thuế nhập khẩu từ 5% hiện nay xuống 2% để giúp giảm giá gas, hỗ trợ người tiêu dùng, nhưng cho đến nay vẫn chưa được Bộ Tài chính chấp thuận.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, nếu cộng dồn cả 2 tháng đầu năm, lượng khí đốt hóa lỏng nhập khẩu đã lên tới 142.000 tấn, trị giá 142 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Xăng dầu cũng đòi tăng 800 - 1.000 đồng/lít Theo thông tin từ các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, giá thế giới lên cao khiến mỗi lít xăng bán ra doanh nghiệp bị lỗ 1.000 đồng và lỗ từ 800-900 đồng/lít dầu bán ra. Một số doanh nghiệp xăng dầu muốn được điều chỉnh giá bán để đảm bảo đủ hòa vốn. Tuy nhiên, hiện nay, nhà nước đang quản lý giá. |
Theo một chuyên gia về giá, tại thời điểm giá gas thế giới thấp, chỉ ở mức hơn 800-900 USD/tấn vào cuối năm 2011, các doanh nghiệp gas trong nước chỉ nhập về 35.000 tấn. Khi giá gas thế giới tăng vọt, các doanh nghiệp lại nhập về gấp đôi.
“Không loại trừ khả năng các doanh nghiệp kinh doanh gas đã đón đầu, đẩy giá lên cao. Về nguyên tắc, doanh nghiệp bao giờ cũng có hàng dự trữ, hàng bán tháng 2 là lượng gas đã nhập khẩu từ tháng 1, thậm chí là những tháng cuối năm 2011, chứ không phải gas nhập về là bán hết ngay trong ngày”- Chuyên gia này phân tích.
Cũng vị chuyên gia cho biết, đang có lỗ hổng trong quản lý thị trường gas. Các doanh nghiệp đầu mối đăng ký giá với Cục Quản lý giá; đại lý, tổng đại lý đăng ký với Sở Tài chính Hà Nội và giá bán được áp dụng cho toàn bộ hệ thống bán lẻ với mức chênh lệch giá của các hãng chỉ từ 5.000 đồng-7.000 đồng.
Tuy nhiên, giá đăng ký chỉ áp dụng được tại các đại lý trực thuộc hệ thống của doanh nghiệp, còn các đại lý tư nhân thì không thể kiểm soát được (do luật cho phép được lấy hàng từ ba doanh nghiệp khác nhau). Chính vì vậy có tình trạng, cùng một hãng gas, nhưng có đại lý bán 460.000 đồng/bình 12kg nhưng có đại lý khác bán rẻ hơn từ 20.000 đến 40.000 đồng/bình.
Trước nghi vấn, gas bị đầu cơ, làm giá, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: “Về mặt quản lý nhà nước, giá do Bộ Tài chính quản, doanh nghiệp khi muốn tăng giá gas phải đăng ký. Nếu tăng giá quá mức, quản lý thị trường và thanh tra giá có thể xử lý theo hành vi vi phạm về đầu cơ, tăng giá.
Hàng tiêu dùng tăng giá
Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Tổng GĐ Big C Thăng Long Nguyễn Thái Dũng cho biết, siêu thị có nhận được đề nghị tăng giá của một số mặt hàng hoá mỹ phẩm từ một số nhà cung cấp với mức tăng từ 5-10%. Nhóm ngành hàng đề nghị tăng nhiều nhất là xà bông cục, nước rửa tay, chăm sóc cơ thể, tẩy rửa, băng vệ sinh…
Lý do tăng là nguyên liệu đầu vào tăng hoặc thay đổi bao bì, mẫu mã mới. Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng GĐ Công ty cổ phần Nhất Nam, đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart cũng cho biết, ngoài sữa được các doanh nghiệp, nhà cung cấp tăng giá trong thời gian qua, chỉ có một số mặt hàng thuộc ngành hàng thực phầm có sự điều chỉnh về giá.
Một số cửa hàng tạp hóa tại phố Hàng Buồm, Tây Sơn, Lò Đúc (Hà Nội), nhiều doanh nghiệp cung cấp hàng tiêu dùng đã thông báo điều chỉnh giá bán trong những ngày vừa qua.
Cụ thể, giá giấy ướt trẻ em Bobby gói 100 miếng của Diana Việt Nam đã tăng từ 31.500 đồng lên 35.000 đồng, giá bỉm trẻ em Pamper loại 66 miếng cũng tăng từ 180.000 đồng/túi lên 210.000 đồng/túi. Nhiều loại đồ dùng trẻ em như áo trẻ sơ sinh 1- 2 tháng tuổi cũng tăng giá từ 5.000 - 10.000 đồng/chiếc tùy loại.
Trước tình hình bất ổn của giá gas, Sở Công thương TPHCM đang tìm giải pháp bình ổn cho mặt hàng này. Theo dự thảo kế hoạch bình ổn giá gas của Sở Công thương mới đây, việc bình ổn mặt hàng gas sẽ kéo dài trong một năm (từ đầu tháng 4-2012 đến hết tháng 3-2013). Giá bán được các DN tham gia chương trình xây dựng và đăng ký với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ cơ cấu giá thành theo các yếu tố hình thành giá, đảm bảo tính hợp lý, ổn định (từ 3 – 6 tháng) và dẫn dắt thị trường. Nếu giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng từ 5 – 10% so với đăng ký ban đầu, các đơn vị chủ động thực hiện lại việc đăng ký giá bán và được điều chỉnh giá sau khi Sở Tài chính thẩm định và chấp thuận. Theo đại diện Sở Công thương, tham gia chương trình này DN có thể huề vốn nhưng được hưởng những ưu đãi khác như quảng bá thương hiệu, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư hạ tầng, kho bãi và giới thiệu những mặt bằng tốt tại các khu dân cư để mở cửa hàng… Tuy nhiên, các DN kinh doanh gas tỏ ra không mấy mặn mà với kế hoạch này. Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó chủ tịch Hiệp hội gas cho biết: “Chi phí nguyên liệu hiện chiếm đến 90% giá thành sản phẩm gas bán ra thị trường. Trong khi đó, lượng gas sản xuất trong nước từ 2 nhà máy Dinh Cố và Dung Quất không đủ, nên phần lớn các doanh nghiệp phải nhập khẩu. Giá gas tại thị trường trong nước luôn phải lên xuống phụ thuộc thị trường thế giới”. |