Khó giảm lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc

Trong kỳ kiểm tra tiếng Hàn vừa qua có hơn 60.000 người đăng ký nhưng chỉ 15.000 người trúng tuyển. Ảnh: Phong Cầm
Trong kỳ kiểm tra tiếng Hàn vừa qua có hơn 60.000 người đăng ký nhưng chỉ 15.000 người trúng tuyển. Ảnh: Phong Cầm
TP - “Hiện chỉ có thể dựa vào biện pháp giáo dục, tuyên truyền, để gia đình vận động con em về nước”, ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), nói về giải pháp giảm lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc.

> Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc

Trong kỳ kiểm tra tiếng Hàn vừa qua có hơn 60.000 người đăng ký nhưng chỉ 15.000 người trúng tuyển. Ảnh: Phong Cầm
Trong kỳ kiểm tra tiếng Hàn vừa qua có hơn 60.000 người đăng ký nhưng chỉ 15.000 người trúng tuyển. Ảnh: Phong Cầm.
 

Ông Hải cho biết, hiện nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc rất lớn, bởi đây là thị trường có công việc ổn định, thu nhập cao. Tuy nhiên, cũng vì thế mà số lượng lao động bỏ trốn rất cao, hiện đã tăng lên 50%.

Tiêu cực từ cò mồi

Ông bình luận gì khi có nhiều lao động cho biết, sở dĩ phải bỏ trốn vì trước khi đi họ mất quá nhiều tiền cho "cò mồi"?

Tôi đã tiếp nhận được nhiều thông tin liên quan đến việc lao động phải nộp tiền cho cò mồi khi tham gia thi tiếng Hàn. Thực tế, trong kỳ kiểm tra tiếng Hàn (ngày 17 và 18-12- 2011) vừa qua, có 67 nghìn người thi nhưng chỉ có 15 nghìn người đạt yêu cầu. Như vậy, có khoảng 52 nghìn người bị trượt, gây lãng phí tiền của cho các gia đình. Trong số 52 nghìn lao động không đạt yêu cầu, đa phần là lao động không học gì mà vẫn cố tình đi thi vì đã lỡ nộp tiền cho cò mồi.

Vậy họ nộp tiền cho "cò mồi" có nhiều không, thưa ông?

Trong kỳ kiểm tra nói trên, tôi làm trưởng đoàn của Bộ LĐ-TB&XH phụ trách tại điểm thi Đà Nẵng và đã phát hiện nhiều thí sinh gian lận. Chỉ mới kiểm tra ở cửa từ, đã phát hiện 300 người cố tình mang điện thoại vào phòng thi. Khi hỏi, lao động nói thật là không học tiếng và đã nộp 30 triệu đồng chỉ để nhờ người ở ngoài nhắn tin vào.

Với những trường hợp lao động mất tiền cho cò kiểu đó, nếu chỉ tính hơn 20 nghìn người thôi thì số tiền lãng phí quả là không hề nhỏ. Rõ ràng, lao động ta hiện quá tin vào cò mồi mà không chịu nghiên cứu kỹ thông tin trước khi tham gia kỳ thi.

Có phải vì trước khi xuất cảnh sang Hàn Quốc, lao động đã phải chi tiền cho cò mồi nên mới phải bỏ trốn ra ngoài kiếm tiền trả nợ sau khi hết thời gian theo hợp đồng?

Lao động bỏ trốn có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân kiếm tiền gửi về quê trả nợ. Trong hai chuyến công tác tại Nam Định và Thái Bình mới đây, nhiều lao động và người nhà phản ánh thực tế này. Họ còn cho biết phải đóng cho cò mồi từ 100 đến 200 triệu đồng, nhưng khi tôi hỏi đóng cho ai, đóng để làm gì thì lại không trả lời. Chính người nhà lao động không hợp tác với cơ quan nhà nước nên mới có cửa để cho cò mồi hoạt động.

Ông Đào Công Hải
Ông Đào Công Hải.
 

Không chỉ mất thị trường

Nếu chỉ dựa vào tuyên truyền thôi thì rõ ràng việc ngăn chặn lao động bỏ trốn sau khi hết hợp đồng làm việc tại Hàn Quốc là rất khó, thưa ông?

Phía bạn yêu cầu là từ nay đến hết ngày 31-12, chúng ta phải giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn xuống 27% (hiện đang ở mức cao là 50%). Điều này sẽ rất khó khăn nếu chính quyền địa phương và gia đình lao động không đứng ra vận động con em về nước đúng hạn. Vì thế, hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang cùng với các đơn vị liên quan liên tiếp tổ chức các hội nghị tuyên truyền về vấn đề này.

Vậy tại sao chúng ta không đề xuất biện pháp mạnh, chẳng hạn như nếu lao động làm việc tại Hàn Quốc bỏ trốn, khi trở về Việt Nam sẽ bị các cơ quan chức năng Hàn Quốc phạt một khoản tiền lớn?

Cái khó là doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Trong khi đó, lao động Việt Nam khi sang Hàn Quốc lại chủ yếu làm việc cho doanh nghiệp này. Thực tế họ có nhu cầu lao động rất lớn và lại rất thích lao động Việt Nam. Do đó, nếu Chính phủ làm mạnh sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của họ.

Nếu lao động ta tiếp tục bỏ trốn, liệu Hàn Quốc có ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam hay không, thưa ông?

Năm 2012, chính sách nhân lực của Hàn Quốc có sự thay đổi. Họ chỉ tiếp nhận tối đa hạn ngạch do Chính phủ phân bổ cho chúng ta là 15 nghìn người trong năm 2012. Nếu lao động ta hết hạn không về thì lao động trong nước sẽ rất khó đi. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới quyền lợi của hàng nghìn lao động.

Hiện, họ đã thi đỗ tiếng Hàn, nhưng vẫn chưa được xuất cảnh. Đồng thời, nếu lao động ta tiếp tục bỏ trốn, sẽ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Cảm ơn ông

Phong Cầm (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.