Thành phố đáng sống

Thành phố đáng sống
TP - Đà Nẵng đang trên đà định hình, phát triển vươn tới thành phố “đáng sống” của Việt Nam và khu vực.

Đô thị hiện đại, không gian xanh

“Đà Nẵng giờ đẹp quá, đường rộng, biển sạch quá! Đi trên thành phố đẹp nhất nước, tôi cứ bỡ ngỡ có phải Đà Nẵng đây không?”, Huyền Lam (Việt kiều gốc Huế) chia sẻ trên trang blog cá nhân về một “Đà Nẵng thành phố đẹp và lạ”: “Thành phố cho tôi cảm giác như đang đi một nơi chưa bao giờ biết đến. Đà Nẵng được thiên nhiên ban tặng một vùng đất có biển chạy dài, có sông lớn chảy ngang, có núi Sơn Trà án ngữ, có dãy Trường Sơn cận kề… một thành phố đẹp, hiện đại, sạch và an ninh”

Tra dòng chữ “Đà Nẵng thành phố đáng sống” trên Google trong vòng chưa đầy 0,22 giây đã có trên 22 triệu kết quả. Tại một diễn đàn trao đổi từ google, những tranh luận “Đâu là thành phố đáng sống nhất Việt Nam?” phần lớn câu trả lời đều dẫn về Đà Nẵng. Trần Hòa (37 tuổi), một doanh nhân Hà Nội, chia sẻ: Tôi đã đi gần hết các tỉnh, thành Việt Nam, theo tôi, Đà Nẵng đáng sống nhất. Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình: Thành phố Hồ Chí Minh thỏa mãn công việc, nhiều dịch vụ nhưng ồn ào, khói bụi và áp lực, mệt mỏi; Đà Lạt trong lành, dễ chịu nhưng sống miết ở đó thấy… buồn; Đà Nẵng: Sống tốt!

Các ý kiến này đều cho rằng Đà Nẵng đáng sống vì có môi trường xanh, ít ô nhiễm, hạn chế kẹt xe nhưng vẫn khá nhộn nhịp, đa dạng các tiện ích phục vụ con người, thu nhập tốt, mức sống dễ chịu, nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân… Mạng tin phân tích và tư vấn kinh tế (Economic Intelligence Unit) - tổ chức thực hiện xếp hạng về các thành phố đáng sống nhất thế giới hằng năm dựa trên 5 tiêu chí: Sự ổn định, y tế, giáo dục, văn hóa và môi trường, cơ sở hạ tầng. Thực tế, ít có thành phố nào trong nước, người dân, du khách thảnh thơi tản bộ, du lịch mà không bị sự chèo kéo của đội “cò mồi”, ăn xin, hạn chế tình trạng cướp giật đường phố, hay tệ nạn đua xe, các băng nhóm lộng hành. Các chuyên gia nhận định: Chương trình 5 không - 3 có mà Đà Nẵng kiên trì theo đuổi dần tạo hiệu ứng về một thành phố “đáng sống” với hình hài cụ thể.

Trao đổi về vấn đề này, một vị lãnh đạo Đà Nẵng bộc bạch: Chưa có một công bố chính thức nào về cụm từ “đáng sống” của Đà Nẵng, nhưng đây là mục tiêu mà thành phố đang hướng đến. Đến năm 2020, Đà Nẵng trở thành thành phố có môi trường đô thị văn minh và giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành và đời sống văn hóa cao, làm giàu bằng kinh tế tri thức; một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống.

Ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở TN&MT nhấn mạnh: Giải thưởng Thành phố bền vững về môi trường vừa được ASEAN trao cho Đà Nẵng trong năm 2011 là kết quả đáng ghi nhận. Theo các tiêu chí đánh giá xếp hạng này, môi trường đất Đà Nẵng về cơ bản đã được giải quyết khá tốt; không khí trong lành, được Trạm quan trắc không khí tự động thông qua; và môi trường nước ổn định, hầu hết người dân Đà Nẵng đã được dùng nước sạch. Ông Điểu đánh giá: 3 năm triển khai thành phố môi trường bước đầu đã tạo nền tảng xây dựng một thành phố xanh, bền vững...

Dưới góc nhìn quy hoạch, ông Thái Ngọc Trung - Viện phó Viện Quy hoạch xây dựng TP Đà Nẵng, cho hay: Đề án quy hoạch thành phố đến năm 2025 đang được hoàn thiện để hướng đến một cái nhìn lâu dài và tạo bản sắc riêng cho Đà Nẵng. Một đô thị hiện đại, hài hòa thiên nhiên, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại… Tại hội thảo Tầm nhìn quy hoạch phát triển Đà Nẵng hướng đến đô thị hiện đại có bản sắc mới đây, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhận định: Hệ thống hạ tầng, kiến trúc Đà Nẵng cùng các dự án được đầu tư xây dựng, đang hứa hẹn một hình ảnh thành phố phát triển, hiện đại. Các kiến trúc sư, chuyên gia đầu ngành quy hoạch, xây dựng đánh giá tiềm năng lớn của Đà Nẵng với những ưu đãi từ các yếu tố địa lý, thiên nhiên để tổ chức không gian đô thị, có cả núi, sông, bờ biển…

Theo Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng Đà Nẵng Nguyễn Văn Chương: Đà Nẵng không chỉ có tư duy “lấy đất đổi đất” mà sẽ còn là “lấy nước đổi đất”, một hướng đi mới trong quy hoạch cần tính đến. Đây sẽ là hình ảnh các khu đô thị sinh thái, giàu tính tự nhiên, phối hợp hài hòa giữa nước và đất. Các chuyên gia cũng nhận định: Theo hướng đi này, kiến trúc thành phố giảm đi áp lực bê-tông hóa, tăng cường nước và cây xanh, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu sông nước tương lai và tạo diện mạo khác hẳn, một tầm vóc kiến trúc quy hoạch khác hẳn.

Cáp treo Bà Nà
Cáp treo Bà Nà.

Những điểm nhấn

Không phải ngẫu nhiên, tạp chí Financial Times tháng 2 - 2011 có bài viết “Lưu ý các nhà đầu tư nên chú ý tới Đà Nẵng mới là địa chỉ có môi trường đầu tư tốt nhất Việt Nam”. Lý do, Đà Nẵng được coi như nơi để làm ăn, kinh doanh tốt nhất tại Việt Nam, có cơ sở hạ tầng tốt hơn bất kỳ khu vực đô thị lớn nào tại Việt Nam, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người cao hơn nhiều khu vực khác ở Việt Nam.

Với trên 230 triệu đô-la đầu tư vào Bà Nà, đã đưa tuyến cáp treo Bà Nà - Suối Mơ (hoàn thành năm 2009) đạt 2 kỷ lục Guines thế giới “Cáp treo một dây dài nhất thế giới (5.042,62m) và cáp treo có chênh lệch độ cao lớn nhất thế giới (1.291,81m).

Một tuyến cáp treo mới ngoạn mục hơn sẽ phá vỡ 2 kỷ lục trên, hiện đang xây dựng, dự kiến hoàn thành giữa năm 2013. Tuyến cáp treo mới chạy song song với tuyến cáp cũ nối từ đất lên đỉnh, có chiều dài cáp theo phương ngang 5.768,93m.

Một loạt hạng mục cũng đang gấp rút hoàn thành tại Bà Nà nhằm biến nơi này thành một Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp thế giới theo hướng hài hòa với thiên nhiên, phát triển du lịch bền vững.

Khu đô thị mới Đa Phước ven vịnh Đà Nẵng (phối cảnh)
Khu đô thị mới Đa Phước ven vịnh Đà Nẵng (phối cảnh).

Dự án Cầu Rồng - cây cầu thứ 6 bắc qua sông Hàn với tổng kinh phí gần 1.500 tỷ đồng, nhiều khả năng sẽ thành biểu tượng mới cho Đà Nẵng. Tòa Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng cao 34 tầng với tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng đang xây dựng, Đà Nẵng sẽ là thành phố đầu tiên cả nước thiết lập khu hành chính tập trung hiện đại.

Theo Sở KH&ĐT Đà Nẵng: Đến nay, thành phố có hơn 14.500 doanh nghiệp dân doanh (tăng 23,9%), gần 500 dự án đầu tư trong nước và hơn 200 dự án FDI. Hiện hơn 100 doanh nghiệp FDI đã đi vào hoạt động, vốn thực hiện ước đạt 1,57 tỷ USD, doanh thu năm 2011 ước đạt 380 triệu USD (tăng gần 9% so với năm 2010).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG