Tràn ngập hàng ngoại trang trí tết

Tràn ngập hàng ngoại trang trí tết
Các mặt hàng trang trí tết bắt đầu được bày bán tràn ngập trên đường phố với đa dạng chủng loại, mẫu mã. Tuy nhiên, hàng nhập vẫn đang chiếm lĩnh thị trường.

Tràn ngập hàng ngoại trang trí tết

Các mặt hàng trang trí tết bắt đầu được bày bán tràn ngập trên đường phố với đa dạng chủng loại, mẫu mã. Tuy nhiên, hàng nhập vẫn đang chiếm lĩnh thị trường.

Hoa kiểng giả được khách chọn mua nhiều. Trong ảnh: khách hàng mua hoa trên đường Pasteur, TP.HCM
Hoa kiểng giả được khách chọn mua nhiều. Trong ảnh: khách hàng mua hoa trên
đường Pasteur, TP.HCM. Ảnh: Lê Sơn (Tuổi Trẻ)

Các doanh nghiệp Việt bắt đầu nhen nhóm thâm nhập thị trường với những sản phẩm đậm văn hóa Việt để thu hút khách hàng.

Hàng ngoại chiếm lĩnh

"Hầu hết sản phẩm trang trí dịp tết được nhập từ nước ngoài nên dấu ấn văn hóa Việt khá mờ nhạt. Điều đó thể hiện rõ ở hoa văn, lời chúc phúc trên các câu đối, tranh treo tường đến cả những phong bao lì xì... " - Ông Trần Việt Tiến (giám đốc Công ty CP mỹ thuật Gia Long)

Tại TP.HCM, các khu vực đường Hậu Giang, Hải Thượng Lãn Ông, chợ Bình Tây (Q.6), Hai Bà Trưng... thời điểm này ngập tràn sắc đỏ, vàng của các loại phong bao lì xì, câu đối, tranh 12 con giáp, các loại đồ trang trí tết.

Các sản phẩm này được in ấn sắc nét và kỹ lưỡng hơn so với mọi năm. Đặc biệt, năm nay hình tượng con rồng xuất hiện từ phong bao đến câu đối, giấy dán... với nhiều hình thức như in nổi, giấy xếp nhiều tầng ấn tượng.

Bà Hòa, chủ một sạp đồ trang trí trên đường Hậu Giang, cho biết hầu hết sản phẩm này đều được nhập từ Trung Quốc, giá bán không biến động nhiều, chỉ tăng 10-15% so với năm trước.

Chẳng hạn, bao lì xì loại đẹp có giá 15.000 đồng/6 cái, loại nhỏ 30.000 đồng/bao 60 cái... Quả châu, ông Địa, thần Tài loại nhỏ để treo có giá 5.000-70.000 đồng, câu đối chúc tết 65.000-90.000 đồng/cặp.

Tương tự, thị trường năm nay xuất hiện nhiều loại hoa, cây cảnh giả với chất liệu, màu sắc, thế cây mới, chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản... Bên cạnh các loại hoa giả, nhiều loại kiểng giả như mai bonsai, chuối, đu đủ, quýt, hồng giả... xuất hiện khá nhiều, trong đó hàng nhập vẫn chiếm lĩnh.

Theo bà Minh - chủ cửa hàng kinh doanh hoa giả trên đường Pasteur (Q.3), thị trường hoa giả năm nay đa dạng hơn, tập trung nhiều vào dòng hoa cao cấp. Trong đó nguyên liệu vải, giấy lụa cho sản phẩm có kiểu dáng, màu sắc giống như thật được sử dụng thay thế các loại hoa nhựa.

“Những sản phẩm giả này được làm rất tinh xảo và phù hợp với không gian hiện đại của phòng. Đặc biệt, có những chậu hoa như hồng, tulip... được bán kèm các loại tinh dầu thơm nên cảm giác giống như thật. Khách tới chơi nhà đều tỏ vẻ ngạc nhiên, thích thú vì chúng giống thật quá!” - chị Bích Liên (Phước Kiểng, Nhà Bè) nói.

Hàng Việt nghèo mẫu mã

Trong khi hàng ngoại chiếm lĩnh thị trường, các sản phẩm trang trí tết của doanh nghiệp trong nước lại chưa được biết đến nhiều. Một số doanh nghiệp cho biết rất khó cạnh tranh với sản phẩm trang trí ngoại nhập, đặc biệt các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, về chủng loại, mẫu mã và giá cả...

Tuy nhiên, ông Trần Việt Tiến (giám đốc Công ty CP mỹ thuật Gia Long) cho biết một số doanh nghiệp VN bắt đầu chen chân vào thị trường đầy tiềm năng này. Để tránh phải cạnh tranh trực tiếp với hàng nhập, doanh nghiệp trong nước thường chọn những dòng sản phẩm có thế mạnh như tranh treo tường, khay đựng bánh kẹo hoặc các phong bao lì xì được thiết kế thuần Việt...

Chẳng hạn, từ ba năm trở lại đây, Công ty CP mỹ thuật Gia Long bắt đầu đẩy mạnh triển khai các dòng sản phẩm trang trí như tranh treo tường, tranh lịch cũng như các loại hộp đựng quà tặng, bánh kẹo bằng chất liệu composite... Các sản phẩm tranh trang trí theo nhiều chủ đề như ông đồ, múa lân, tết sum vầy... mang đậm văn hóa Việt để thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Ông Ngô Quốc Dũng, trưởng nhóm phát triển lì xì Việt (lixi.vn), cho biết đơn vị bắt đầu những thử nghiệm của mình vào năm 2011 khi tung ra thị trường khoảng 400.000 bao lì xì. Năm nay đơn vị tiếp tục đưa ra thị trường hàng loạt mẫu mã mới với gần 3 triệu bao lì xì. Trong đó có khoảng 2 triệu bao lì xì được các doanh nghiệp trong nước đặt hàng với số lượng lớn.

“Với mẫu mã thuần Việt, sản phẩm tạo nên điểm nhấn mà hầu như những mẫu thiết kế bao lì xì trước đó chưa có. Chúng tôi hi vọng các sản phẩm này sẽ tạo được sự quan tâm của người tiêu dùng...”. Theo ông Dũng, trong mùa tết năm tới doanh nghiệp tiếp tục phát triển một số mẫu mã mới, đồng thời tăng số lượng để cung ứng cho thị trường.

Tại các hệ thống siêu thị Maximark, Lottemart, chợ An Đông... bên cạnh hàng nhập, nhiều sản phẩm trang trí tết mang đậm phong cách Việt được trang trí họa tiết hình rồng thời nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê, trống đồng, ngũ quả... được trưng bày nhiều.

Giám đốc một đơn vị sản xuất sản phẩm trang trí tết cho rằng ngoài giá cả, một trong những hạn chế lớn nhất của sản phẩm Việt là còn nghèo nàn về mẫu mã. Do đó muốn cạnh tranh và từng bước chiếm lĩnh thị trường rất tiềm năng này, các doanh nghiệp trong nước còn phải nỗ lực nhiều, không ngừng giới thiệu mẫu mã mới bên cạnh việc khai thác các nét văn hóa độc đáo của VN.

Theo Lê Sơn – Dũng Tuấn
Tuổi Trẻ

Hàng trang trí tết tiếp tục được nhập nhiều

Ngoài thực phẩm được nhập khẩu tăng cao trong dịp tết thì nhiều nhà cung cấp, nhà kinh doanh đã nhập thêm các mặt hàng gia dụng, trang trí nội thất, hoa cho mùa làm ăn cuối năm.

Bà Thùy Trang, giám đốc điều hành hệ thống siêu thị Daiso (Nhật Bản), cho biết vừa nhập 90.000 sản phẩm mới từ Nhật Bản về trong tháng 1-2012. Các sản phẩm khá đa dạng từ đồ gia dụng, tiện lợi để sử dụng trong gian bếp, phòng ăn đến các mặt hàng nhỏ nhắn, dễ thương dùng trang trí phòng ngủ, bàn làm việc cũng như làm quà tặng người thân, bạn bè.

Tại các siêu thị xuất hiện nhiều bình hoa giả, khăn trải bàn, khay mứt nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia... Theo bà Nguyễn Phương Thảo - giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa, Q.Tân Bình, các món hàng này thuộc nhóm hàng cao cấp nên khá kén khách.

Theo N.BÌNH
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG