10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2011

EVN lỗ lớn, lương nhân viên công ty mẹ vẫn khủng. Ảnh: Hồng Vĩnh
EVN lỗ lớn, lương nhân viên công ty mẹ vẫn khủng. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Một năm thực sự vất vả với những người cầm cân nảy mực, quyết định chính sách kinh tế vĩ mô. Cuối cùng, tăng trưởng GDP 5,9%, lạm phát vẫn đang được kiềm chế và có xu hướng giảm, ở mức hơn 18%. Ban kinh tế Tiền Phong bình chọn 10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2011.

> 10 sự kiện chứng khoán tiêu biểu năm 2011

EVN lỗ lớn, lương nhân viên công ty mẹ vẫn khủng. Ảnh: Hồng Vĩnh
EVN lỗ lớn, lương nhân viên công ty mẹ vẫn khủng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

1. Nghị quyết 11 và kiềm chế lạm phát

Ngày 24-2-2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11, về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, Chính phủ khống chế tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15 - 16%; Cắt giảm đầu tư công và chi tiêu hành chính công 10%.

Lạm phát được kiềm giữ, đặc biệt là các tháng cuối năm, dù cả năm chỉ số này là 18,12%. An sinh xã hội được bảo đảm.

2. Tái cơ cấu kinh tế và loại bỏ lợi ích nhóm

Sau 5 ngày họp, ngày 10-10, Hội Nghị BCH T.Ư Đảng lần 3, đã phát đi thông điệp: Thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, thị trường tài chính-tiền tệ và tái cơ cấu DNNN. Ngoài ra, lần đầu tiên, T.Ư Đảng đã đưa ra khái niệm lợi ích nhóm.

Theo đánh giá của T.Ư, muốn tái cơ cấu nền kinh tế thành công phải loại bỏ được lợi ích nhóm, tính cục bộ và tư duy theo nhiệm kỳ. Thông điệp trên đã được các chuyên gia kinh tế và dư luận đánh giá cao. Đây cũng là các nội dung Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2012.

3. Bảo vệ 3,8 triệu ha đất lúa

Sau những quan ngại về việc các tỉnh ồ ạt lấy đất “bờ xôi ruộng mật” làm sân golf và khu công nghiệp, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 2011- 2015 cấp quốc gia, trong đó yêu cầu phải bảo vệ đất trồng lúa đến năm 2020 là 3,812 triệu ha, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời yêu cầu Chính phủ, chính quyền các địa phương phải xác định ranh giới, công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt.

4. Thị trường chứng khoán, bất động sản suy kiệt

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11, các ngân hàng thương mại đóng van tín dụng cho chứng khoán, bất động sản, do bị hạn chế tín dụng phi sản xuất tối đa 16% vào 31-12. Lập tức hai thị trường chứng khoán và bất động sản suy kiệt.

Thị trường chứng khoán chốt phiên cuối tuần trước VN-INDEX chỉ còn 356.21 điểm, HNX-INDEX chỉ còn 58.03 điểm. Hơn 90% Cty chứng khoán thua lỗ. Giá trị vốn hóa thị trường chỉ còn hơn 20% GDP. Nhiều DN xin huỷ niêm yết. Còn thị trường bất động sản đóng băng, giá chung cư giảm từ 20-50% vẫn khó bán. Nhiều doanh nghiệp bất động sản bên bờ vực phá sản.

5. Nỗi lo nợ xấu và ngân hàng mất thanh khoản

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, đến nay hệ thống nhân hàng cho vay khoảng 2,5 triệu tỷ đồng, trong đó nợ xấu chiếm 3,39% so với mức 2,19% năm ngoái. Lần đầu tiên NHNN thừa nhận con số nợ xấu công bố chưa phản ánh đúng thực chất chất lượng tín dụng hoạt động của các ngân hàng.

Do nợ xấu tăng mạnh, nên sau khi NHNN khống chế trần lãi suất huy động không quá 14%, ngày càng lộ ra nhiều ngân hàng mất thanh khoản ngắn hạn, do không huy động được vốn. Trong khi đó, nhiều ngân hàng lại lấy vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Hậu quả, tháng 12, đã có 3 ngân hàng Tín Nghĩa, Đệ Nhất, Sài Gòn phải hợp nhất.

6. Vỡ nợ tín dụng đen lan rộng

Số tiền của các đường dây tín dụng đen vỡ nợ chưa được thống kê, nhưng lên tới nhiều ngàn tỷ đồng. Ở hầu hết các địa phương, từ Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, đến Quảng Trị, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh đều nổ ra các vụ vỡ nợ.

Riêng vụ trùm lừa đảo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên cán bộ ngân hàng Vietinbank) và Võ Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc VietinBank Nhà Bè) tại TP Hồ Chí Minh đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Tại Hà Nội, ít nhất đã có 20 vụ vỡ nợ được thống kê, số tiền lên tới hàng ngàn tỷ. Đáng lưu ý, không ít người đã vay ngân hàng, sau đó cho các đường dây tín dụng đen vay lại để hưởng lãi suất chênh lệch cao nhất tới 170%/năm.

7. Lộ chuyện lãi thật, lỗ giả của DN xăng dầu

Từ cuộc hội thảo về “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay” do Bộ Tài chính chủ trì cuối tháng 9-2011, dẫn tới tranh cãi gay gắt giữa lãnh đạo Bộ Tài chính và Công Thương, khi Bộ Công Thương khẳng định thời điểm giảm giá xăng 500 đồng/lít ngày 26-8, DN lỗ, còn Bộ Tài chính khẳng định có lãi.

Cuối cùng, Bộ Tài chính kiểm tra kết luận, các DN đều có lãi, còn việc DN lỗ do tính chi phí định mức vượt trần quy định 600 đồng/lít, vì các DN này đã tính hoa hồng cho các đại lý cao bất thường. Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ được báo chí ủng hộ khi ông tuyên bố: “Việc quản lý và kinh doanh xăng dầu không phải vì lợi ích của 11 doanh nghiệp đầu mối mà phải vì lợi ích của quốc gia, của hơn 80 triệu dân Việt Nam”.

8. Lỗ dài vẫn nhận lương khủng

Chuyện lương thưởng ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sốt sình sịch, khi cuối tháng 11-2011, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh chia sẻ “rất đau lòng” khi lương nhân viên bình quân của toàn ngành năm 2009 là 7,3 triệu đồng/tháng. Kết quả kiểm toán công bố sau đó cho thấy, mức thu nhập bình quân toàn Cty mẹ của EVN là 13,7 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, thu nhập bình quân cơ quan văn phòng tập đoàn xấp xỉ 30 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, năm 2010 EVN lỗ 10.541 tỷ đồng, lỗ luỹ kế đến tháng 9-2011 là 16.879 tỷ đồng. Việc doanh nghiệp lỗ nhưng vẫn chi lương khủng (nhất là đội ngũ cán bộ quản lý) cho thấy, lỗ hổng cơ chế chi trả lương tại các DNNN, khi giao quyền quyết định chia lương cho DN nhưng lại không được giám sát.

9. Nhập siêu thấp nhất 5 năm trở lại đây

Năm 2011, mức nhập siêu cả năm khoảng 10 tỷ USD, tương đương 10,2%-10,4 % tổng kim ngạch xuất khẩu (năm 2008 nhập siêu 18 tỷ USD, tương đương 26,5%); 2009 nhập siêu 12,9 tỷ USD, tương đương 22,5%; 2010 nhập siêu 12,7 tỷ USD, tương đương 17,5%). Đây là năm có mức nhập siêu thấp nhất kể từ năm 2007, khi Việt Nam gia nhập WTO.

Đáng chú ý, tỷ lệ nhập siêu giảm khá mạnh ở những thị trường mà Việt Nam nhập nhiều hàng trong nhiều năm qua. Tỷ lệ nhập siêu từ khu vực ASEAN giảm còn 59%, Trung Quốc còn 126,6%, Hàn Quốc 167,5%, Đài Loan giảm còn 371,0%.

10. Bộ trưởng “trảm tướng”, các dự án lớn đua tiến độ

Sau gần 100 ngày nhậm chức, ngày 4-10, khi kiểm tra tiến độ rùa bò công trình Nhà ga sân bay Quốc tế Đà Nẵng, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tuyên bố thay trưởng ban quản lý dự án ngay tại công trường. Sau đó, ông yêu cầu xử lý hàng loạt nhà thầu ở những công trình giao thông khác; Cách chức giám đốc điều hành dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương...

Sau hành động trên của ông Thăng, hàng loạt dự án chậm tiến độ đã chuyển động nhanh hơn: Nhà ga sân bay Đà Nẵng đã khánh thành ngày 25-12; Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột khánh thành ngày 24-12; Còn Dự án khôi phục cải tạo QL 20 nối Đồng Nai tới Lâm Đồng, cải tạo sửa chữa đường ĐT 725 (Lâm Đồng); Nhà ga T2 Sân bay Nội Bài... đua nhau vượt tiến độ để khởi công.

Người dân kỳ vọng, từ hành động quyết liệt trên, sẽ khắc phục được tình trạng hơn 90% công trình xây dựng ở Việt Nam chậm tiến độ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cấp chứng chỉ rừng bền vững ở Yên Bái hiện ra sao?
Cấp chứng chỉ rừng bền vững ở Yên Bái hiện ra sao?
TPO - Yên Bái có diện tích rừng trồng khá lớn tạo nên nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ rừng trồng. Đặc biệt, tỉnh đang đẩy mạnh việc cấp Chứng chỉ rừng bền vững (FSC), góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ được môi trường sinh thái, tạo sự phát triển bền vững về lâm nghiệp.