Ồ ạt thu mua lá vải thiều

Ồ ạt thu mua lá vải thiều
TP - Lá vải thiều khô đang được thu mua ồ ạt, trong khi cây chuẩn bị ra hoa.

Lo bị ép giá, quỵt tiền
> Thương nhân Trung Quốc đổ xô về Lục Ngạn mua vải thiều

Để xuất khẩu?

Gần một tháng nay, nhà ông Nguyễn Đăng Đạo (thôn Áp, xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) tấp nập người đến bán lá vải thiều khô. Ông Đạo cho biết: Đã cân và đóng bao được gần 100 tấn lá, chủ yếu là lá vải thiều khô. Giá mua vào là 1.000 đồng/kg nên khá nhiều người đến bán. Ngoài người trong xã, có cả người dân các xã lân cận, thậm chí ở huyện Lục Nam, đến bán. Nhiều người cho rằng, lá vải thiều khô chẳng có tác dụng, để lại chỉ làm hỏng vườn, chát đất, nên họ gom đem bán.

Theo ông Đạo, đơn vị thu mua là một doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội tên là Cty TNHH Lâm Sơn, do ông Sơn, trước đây làm việc tại Sở NN&PTNT Bắc Giang làm giám đốc; ông Sơn đang ở Hàn Quốc nên không liên lạc được. Yêu cầu thu gom là lá vải thiều khô, tương đối lành lặn, sạch sẽ (lẫn một chút lá nhãn khô cũng được). Đơn vị đã ứng trước cho ông 100 triệu đồng để thuê nhà kho và thu mua của người dân. Cty này cũng cung cấp cho ông bao bì và dây khâu để ông đóng gói. Theo ông, sau khi đóng bao tại nhà, lá khô được chuyển về một cơ sở tại Hà Nội để ép và sau đó xuất khẩu sang Nhật Bản. Cty đang lắp đặt dây chuyền nên chưa đưa lá vải thiều về Hà Nội được. “Sau khoảng nửa tháng nữa, dây chuyền hoàn thành thì chúng tôi sẽ thu mua nhiều hơn. Họ cũng khẳng định là số lượng thu mua không hạn chế, có bao nhiêu họ cũng mua hết. Nhưng tôi cũng băn khoăn không biết họ thu mua lá vải thiều khô để làm gì”, ông Đạo nói.

Một điểm thu mua khác ở nhà ông Nguyễn Bá Duy (thôn Trung Nghĩa, xã Nghĩa Hồ, huyện Lục Ngạn) trưng biển thu mua lá vải thiều cách đây vài ngày. Giá thu mua là 800 - 1.000 đồng/kg, nhưng do mới triển khai nên ông chỉ thu mua được vài tạ. Ông Duy nói mình thu mua giúp bà Đỗ Thị Thuý (Lâm trường Lục Ngạn) và hưởng hoa hồng 20 đồng/kg. Ngoài cơ sở của ông, bà Thuý còn đặt điểm thu mua tại nhiều nơi như ở xã Phượng Sơn, Hồng Giang, Kiên Thành, Tân Mộc… Tuy nhiên, khi phóng viên xin số điện thoại của bà Thủy, ông cung cấp một số điện thoại không tồn tại.

Kho của nhà ông Đạo đầy những bao tải lá vải thiều khô
Kho của nhà ông Đạo đầy những bao tải lá vải thiều khô .

Vải sẽ không ra hoa nếu…

Ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn, cho biết: Hiện không phải là thời điểm tỉa cành, tạo tán chính trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây vải thiều; nếu tỉa cành để lấy lá với số lượng lớn thì sẽ làm cho cây chuyển sang ra lộc, thay vì ra hoa, ảnh hưởng lớn năng suất, sản lượng của cả vụ.

Lục Ngạn là huyện có sản lượng vải thiều lớn nhất nước, đồng thời là địa phương chính cung cấp vải thiều tươi sang thị trường Trung Quốc. Vụ vải thiều năm 2011, tỉnh Bắc Giang xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 69 nghìn tấn, bằng hơn 70% sản lượng vải thiều của huyện Lục Ngạn. Năm 2011, có hơn 100 thương nhân Trung Quốc sang tận Lục Ngạn đặt điểm cân. Việc thu mua lá vải thiều diễn ra vào giai đoạn nhạy cảm (không phải là lúc thu hoạch quả xong) nên một số người lo ngại đây có thể là chiêu tương tự thu mua ốc bươu vàng, mèo, đỉa… thời gian qua.

Mục đích mù mờ

Theo ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn, cách đây vài tháng có một doanh nghiệp gửi văn bản đến thông báo về việc thu mua lá vải thiều và đề nghị Hội thông báo cho các hội viên được biết. Thấy giá thu mua thấp nên Hội không triển khai. Sau đó, doanh nghiệp này tự tìm đến chi hội nông dân các xã để triển khai. Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Quang nói rằng, cơ sở trên chỉ báo cáo bằng miệng với Hội và sau đó làm việc trực tiếp với chi hội trưởng các thôn; ông Nguyễn Đăng Đạo là Chi hội trưởng nông dân thôn Áp. Cty không nói mục đích thu mua lá vải thiều khô.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng Lục Ngạn, nói: “Lá vải chỉ là sản phẩm phụ của cây, mùa này thì nhà nào chả phải quét dọn cho sạch. Việc thu mua lá vải thiều cũng không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên chúng tôi chưa kiểm tra. Tôi thấy việc thu mua này là bình thường”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
TPO - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh yêu cầu giám đốc các ban quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ và chất lượng các dự án. Bộ GTVT sẽ xem xét và xử lý trách nhiệm các chủ thể tham gia dự án nếu có không hoàn thành nhiệm vụ.