> Vì dân
> Nên công bố các gian lận trong ngành xăng dầu
> Hai bộ nặng lời, lộ ra nhiều chuyện
Tranh minh họa: Khều. |
Việc Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ quyết đoán, thẳng thắn nêu rõ quan điểm trong việc đứng ra chịu trách nhiệm cá nhân trong quyết định giảm giá xăng dầu (dù quyết định đó là quyết định của tập thể) để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, đòi hỏi sự công khai minh bạch trong hạch toán giá xăng dầu là việc được người dân rất hoan nghênh và đánh giá cao.
Quan điểm điều hành của Bộ Tài chính sẽ không thể vì 11 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân cũng được người dân ủng hộ. Đây là một tiến bộ, cho chúng ta hy vọng về một giai đoạn mới của chính sách điều hành thị trường xăng dầu của Việt Nam trong thời gian tới. Tôi thực sự hy vọng nỗ lực này của Bộ trưởng Tài chính sẽ được ủng hộ rộng rãi của các bộ ngành liên quan và đông đảo quần chúng.
Cách Bộ Công Thương phản ứng cũng như có một số lời bình luận về quan điểm trong điều hành giá xăng dầu là không thích hợp. Đứng trên quan điểm của Nghị quyết 11 của Chính phủ là phải đặt ưu tiên số một là kiềm chế lạm phát thì quan điểm của Bộ trưởng Tài chính là phù hợp. Còn thái độ của Bộ Công Thương không thể hiện được điều này. Cá nhân tôi ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Tài chính về công khai minh bạch và khắc phục lợi ích nhóm.
TS Lê Đăng Doanh. |
Với thị trường xăng dầu hiện nay có những dấu hiệu rõ ràng về lợi ích nhóm. Thử hỏi rằng, tại sao Petrolimex công bố lỗ nhưng sau đó khi IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) lại nói lãi một cục to? Tại sao những việc đó từ trước đến nay không ai nêu ra. Chỉ đến khi Bộ trưởng Tài chính, với kinh nghiệm kiểm toán của mình, nói trắng ra thì mọi việc mới vỡ lở.
Rất hy vọng sẽ có sự thay đổi về cách điều hành và cơ chế đối với thị trường xăng dầu của đất nước ta trong thời gian tới. Đây là điều rất quan trọng. Thị trường xăng dầu hiện nay yếu tố độc quyền rất lớn.
Petrolimex vẫn chiếm tỉ lệ nhập tới 60%. Trong điều kiện này nói cơ chế thị trường là không phù hợp trong cạnh tranh. Làm sao có chuyện doanh nghiệp bé hơn nhiều cạnh tranh bình đẳng với ông to hơn nhiều như thế được. Sao có chuyện giá lên là lên đồng loạt, giảm thì xuống đồng loạt. Nếu cạnh tranh sòng phẳng phải khác.
Xăng vẫn là câu chuyện tù mù. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Cơ chế thị trường hiện nay phải có điều hành của nhà nước, thanh lọc các yếu tố lợi ích nhóm. Đây là điều hết sức cần thiết. Nên ủng hộ vai trò rất trong sáng trong việc minh bạch. Ngay với Quỹ bình ổn giá cũng cần tách ra, giao cho cơ quan liên bộ và có thêm sự tham gia của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, không để cách làm mù mờ như hiện nay.
Việc hai Bộ có quan điểm vênh nhau cũng là bình thường. Nhưng khi có ý kiến khác nhau thì nên trao đổi một cách khoa học và cầu thị, không nên có thành kiến hay chứng minh tôi giỏi hơn anh. Việc không rõ ràng khiến người dân liên tục đặt vấn đề về câu chuyện lợi ích nhóm ở đây. Không thể để tình trạng doanh nghiệp muốn nói thế nào thì nói.
Doanh nghiệp “dọa” Nhà nước cũng là việc không thể xảy ra nếu mọi việc được minh bạch trong tất cả các khoản, từ việc điều hành chính sách đến việc kinh doanh của doanh nghiệp. Làm được điều này thì sẽ khó có thể xuất hiện tình trạng lợi ích nhóm cũng như việc Bộ này bênh doanh nghiệp trong khi Bộ kia có ý kiến trái chiều.
"Giảm giá là quyết định của tập thể nhưng cá nhân tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp nào kêu về việc giảm giá cứ làm đơn khiếu nại gửi thẳng đến tôi, muốn bỏ thị trường thì cho nghỉ ngay. Nếu anh Bảo nói bỏ thị trường, tôi lập ngay tổng công ty mới, không thể doanh nghiệp muốn nói thế nào thì nói. Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước. Hơn mười năm làm ở Kiểm toán Nhà nước, tôi đã biết rất rõ các doanh nghiệp xăng dầu. Vì vậy quan điểm điều hành của Bộ Tài chính sẽ không thể vì 11 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, nói tại Hội thảo ngày 20-9. |
Phạm Tuyên ghi
Thiếu minh bạch TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, cho rằng những người ngồi nghe trực tiếp tại cuộc hội thảo nếu nghe kỹ thì ý kiến của các bộ ngành không khác nhau nhiều trong mục tiêu quản lý, đều muốn trở lại với tinh thần của Nghị định 84. Có thể cách thể hiện hơi căng thẳng và chưa hết ý chứ không có mâu thuẫn. Cần phải xem xét cụ thể thông tin trái chiều về chuyện lỗ lãi. Đúng là doanh nghiệp sẽ lỗ thật nếu không được bù. Còn được bù thì lại thành lãi. Tóm lại trong cơ chế hiện nay có những cái thiếu minh bạch, cả trong cơ chế và trong việc giải trình. Sự thiếu minh bạch này tạo ra những điều khó hiểu cho những người không ở trong cuộc. Bất ổn giữa chính sách và thực tế PGS. TS Ngô Trí Long, cho biết: Khoảng từ cuối năm 2008 trở lại đây, thị trường xăng dầu thường xuyên bất ổn về giá mà nguyên nhân là sự bất ổn về chính sách quản lý thị trường xăng dầu. Khái niệm đưa kinh doanh xăng dầu vận hành theo thị trường vẫn chỉ trên văn bản do nhiều yếu tố chưa thực hiện được. Nghị định 84 cho phép doanh nghiệp được phép tự ban hành, công bố và áp dụng giá bán mà không cần đăng ký, xin phép, bỏ qua khâu kiểm tra, phê duyệt phương án được đề ra nhưng việc điều hành thực tế lại gặp khó khăn, không như mục tiêu đề ra. Cách hoạt động của Quỹ bình ổn hiện nay khiến doanh nghiệp là người được hưởng lợi, được sử dụng tạo nguồn vốn lưu động mà không phải đi vay, trả lãi. |