Hai bộ nặng lời, lộ ra nhiều chuyện

Hai bộ nặng lời, lộ ra nhiều chuyện
Cuộc tranh luận với nhiều lời lẽ hiếm khi thấy đã hé lộ nhiều thông tin mà hàng triệu người dân chưa được biết, như lời một chuyên gia: “Xăng dầu Việt Nam tù mù cả trong giải trình”. Tuy nhiên, những người tham gia hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay” (tổ chức ngày 20-9 tại Hà Nội) lại cho rằng đang mở ra thời kỳ mới trong điều hành giá xăng dầu.

Hai bộ nặng lời, lộ ra nhiều chuyện

> Điều hành kinh doanh xăng dầu: Rối chuyện tách bạch lỗ, lãi 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ (trái) và Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú tại hội thảo ngày 20-9
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ (trái) và Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn
Cẩm Tú tại hội thảo ngày 20-9 . Ảnh: Tuổi Trẻ

Sau sự kiện Bộ Tài chính bác yêu cầu tăng giá mấy ngày qua, lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu và lãnh đạo Bộ Công thương liên tục chỉ trích cơ chế điều hành giá của Bộ Tài chính, trong khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ liên tục đưa ra câu hỏi khiến nhiều doanh nghiệp khó trả lời, từ đó tự hé lộ những điều người dân vẫn ít được biết đến.

Điều hành kiểu “bịt mắt bắt dê"

"Hơn mười năm làm ở Kiểm toán Nhà nước, tôi đã biết rất rõ các doanh nghiệp xăng dầu. Vì vậy quan điểm điều hành của Bộ Tài chính sẽ không thể vì 11 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân" - Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ

Mở đầu, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, cách điều hành thời gian qua nặng về bao cấp cho dân và tổng kết: điều hành thời gian qua như kiểu “bịt mắt bắt dê”, tức cứ làm mà không biết mục tiêu là gì cả. Phương pháp là cứ giữ giá còn hệ thống phân phối thế nào, doanh nghiệp lỗ lãi ra sao mặc kệ. Lúc cần tăng thì không dám tăng, lúc giảm thì không dám giảm, rồi tự nhiên điều chỉnh giảm mà không rõ lý do tại sao...

“Phải giải quyết cái gốc là doanh nghiệp đang lỗ rất lớn. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì đừng hòng giải quyết được các vấn đề khác. Tôi đề nghị phải dùng đầu nhiều hơn dùng tay chân, nghĩa là bớt đi biện pháp hành chính, từng bước tăng giá, như thế bớt phải hội thảo” - ông Tú nói.

Chỉ định chủ tịch HĐQT Petrolimex Bùi Ngọc Bảo phát biểu, ông Vương Đình Huệ đề nghị lãnh đạo Petrolimex giải thích rõ tại sao kêu lỗ, nhưng khi IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng - PV) lại nói lãi.

Ông Bùi Ngọc Bảo cho biết, đây là cuộc hội thảo “thứ mấy chục” về xăng dầu và đánh giá “ta chỉ không đủ dũng mãnh để điều hành”.

Ông Bảo cho rằng, với chính sách tài chính hiện hành, các doanh nghiệp xăng dầu nộp ngân sách rất lớn. Năm 2008 lỗ đỉnh điểm 10.000 tỉ đồng nhưng vẫn nộp ngân sách tới 16.000 tỉ đồng. Năm 2009 vận hành theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp có lợi nhuận. Năm 2010 kinh doanh xăng dầu lại lỗ 172 tỉ đồng...

Khi ông Bảo nhắc nhiều đến lỗ, ông Huệ ngắt lời, yêu cầu nêu rõ năm 2011 lỗ bao nhiêu, từng mặt hàng lỗ lãi thế nào. Ông Bảo khẳng định, riêng xăng dầu từ đầu năm đến nay Petrolimex lỗ 1.800 tỉ đồng, nếu cứ giữ giá như hiện nay, riêng tháng chín sẽ lỗ tiếp khoảng 200 tỉ đồng.

Là người am hiểu ngành tài chính, ông Vương Đình Huệ đặt câu hỏi trực diện về lý do lỗ: Petrolimex đã thực hiện chiết khấu cho đại lý đúng quy định chưa? Ông Bảo chưa kịp trả lời, ông Nguyễn Cẩm Tú đã chen ngang, cho rằng “các định mức cho chi phí kinh doanh xăng dầu đã quá cũ”.

Giữa tiếng ồn ào của những lời phát biểu chen ngang, ông Huệ truy vấn: “Thực chất từng mặt hàng xăng dầu lãi lỗ thế nào?”. Ông Bảo khẳng định: “Chúng tôi không tách ra từng mặt hàng giá lỗ lãi bao nhiêu mà tính tổng thể”.

“Tại sao lại không thể hạch toán riêng? Vậy các anh tính toán thế nào để nói lỗ?” - ông Huệ phê phán việc Petrolimex không thể nói lời lỗ từng mặt hàng là không thể chấp nhận được.

“Không thể hạch toán từng mặt hàng thì tôi không biết quản trị các anh thế nào...?" - ông Huệ bức xúc và khẳng định - "Chúng tôi sẽ yêu cầu báo cáo từng mặt hàng một chứ không có chuyện không biết lời lỗ từng mặt hàng”.

Không nên để doanh nghiệp tự quyết giá

"Thời gian qua, có tình trạng lúc lãi các doanh nghiệp thi nhau nhập xăng dầu về bán, nhưng lúc lỗ nhiều doanh nghiệp hoàn toàn không nhập tí nào. Vi phạm quy định về dự trữ lưu thông như Xăng dầu quân đội, Xăng dầu Mekong nhưng không thể xử lý được vì chúng ta điều hành như thế làm sao dám trị người ta. Doanh nghiệp đang gánh lỗ rất lớn, nếu không giải quyết được vấn đề này thì đừng hòng giải quyết được các biện pháp khác" -Ông Nguyễn Cẩm Tú

Khi được đề nghị phát biểu, ông Vương Đình Dung - Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu quân đội - cho rằng, Nhà nước đã xác định nhiều mục tiêu khi điều hành xăng dầu “vừa muốn doanh nghiệp theo cơ chế thị trường vừa muốn bình ổn giá” nên điều hành luẩn quẩn, không bao giờ thực hiện được theo cơ chế thị trường.

Ông Dung đề nghị Nhà nước cần đưa ra giá trần, nếu lên đến 25.000 đồng/lít xăng Nhà nước mới điều hành, còn dưới 25.000 đồng phải trao quyền cho doanh nghiệp tự điều chỉnh.

Ông Lê Xuân Trình, phó tổng giám đốc PVOil, khẳng định, cùng bức xúc với Petrolimex vì đang bị “lỗ trường kỳ” và kiến nghị Bộ Tài chính cần xem xét xử lý lỗ cho doanh nghiệp vì “nếu doanh nghiệp tạo nên lỗ thì đương nhiên phải tự chịu, nhưng lỗ này là do điều hành”.

PGS Ngô Trí Long, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, có quan điểm ngược lại các doanh nghiệp khi khẳng định nếu một lĩnh vực nào còn độc quyền thì các nước như Anh, Mỹ, Đức đều quản lý giá chứ không có chuyện cho doanh nghiệp tự định giá.

Đặc biệt, ông Long cho rằng, quản lý giá xăng dầu cần các chuyên gia giỏi. Ngoài ra, các nước thường có chế tài rất mạnh ngăn cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước thỏa hiệp với doanh nghiệp, vì chỉ thỏa hiệp tăng vài đồng lợi ích đã rất lớn.

TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội, nhận định, chưa bao giờ quản lý giá xăng dầu gây nhiều bức xúc như thời gian gần đây: “Xăng dầu thế giới minh bạch, nhưng đến Việt Nam là tù mù, tù mù cả trong giải trình”.

Hội thảo về điều hành giá xăng dầu hứa hẹn sẽ đưa thị trường xăng dần trở nên minh bạch hơn
Hội thảo về điều hành giá xăng dầu hứa hẹn sẽ đưa thị trường xăng dần trở nên minh
bạch hơn. Ảnh: Tuổi Trẻ
 

“Đừng dọa Nhà nước”

Ngay trước khi Bộ trưởng Vương Đình Huệ kết luận hội thảo, ông Nguyễn Lộc An, vụ phó Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương, đứng dậy phê phán kịch liệt quyết định giảm giá xăng dầu của Bộ Tài chính gần đây. “Ngày 26-8, tính giá cơ sở doanh nghiệp đang lỗ. Thế mà tự nhiên Bộ Tài chính yêu cầu giảm giá. Tôi nghe tin cứ nghĩ Bộ Tài chính bị làm sao”.

Ông An cho biết, đã xem lại pháp lệnh giá và thấy không có căn cứ nào để giảm. Việc giảm giá này, ông An cho hay, đã xảy ra nhiều hiệu ứng. Xăng dầu hiện đã khan hiếm, cứ đà này sẽ vỡ cả hệ thống phân phối.

Ông An tiết lộ, ngày 8-7, Bộ Công thương đã đề nghị giảm giá xăng dầu nhưng Bộ Tài chính cho rơi vào quên lãng. Bây giờ doanh nghiệp lỗ lại giảm, ông An mỉa mai: “Tôi không giỏi nhưng cũng đi thi toán quốc tế, tôi không hiểu Bộ Tài chính tính kiểu gì?”.

Kết luận hội thảo, ông Vương Đình Huệ tiếp tục tinh thần đanh thép khi cho biết cầu thị lắng nghe nhưng yêu cầu ông Nguyễn Lộc An “dù học nhiều nhưng cũng cần có kiến thức thực tế”.

Ông Huệ khẳng định, sẽ chịu trách nhiệm cá nhân về việc quyết định cho giảm giá xăng 500 đồng/lít ngày 26-8 và tiết lộ thông tin: tính đến ngày đó, không như thông tin doanh nghiệp khó khăn, Petrolimex ngoài khoản lãi định mức 300 đồng/lít, theo số liệu hải quan, còn dôi ra một khoản 780 đồng/lít.

“Tôi đã gọi anh Bùi Ngọc Bảo lên, anh Bảo nói giảm được. Tôi bàn với lãnh đạo Bộ Tài chính và quyết định giảm” - ông Huệ nói và yêu cầu các cán bộ cần bớt quan liêu.

Đến phút chót, không khí vẫn căng thẳng khi ông Nguyễn Lộc An đứng dậy phủ nhận thông tin doanh nghiệp lãi như ông Huệ nói. Ông Bùi Ngọc Bảo phát biểu lại: “Tôi thấy xu hướng giá thế giới giảm nên nói có thể giảm chứ không biết khoản lãi nào như thế”.

Ông Huệ đanh thép: “Nếu cần công bố gian lận tôi sẽ công bố các gian lận” và tiếp tục thông tin ông Nguyễn Cẩm Tú đã đề nghị ông Huệ làm việc cả thứ bảy, chủ nhật vừa qua để quyết định tăng giá xăng dầu vì cho rằng nếu không tăng, hệ thống phân phối sẽ vỡ.

Ông Huệ yêu cầu doanh nghiệp nào không đảm bảo dự trữ lưu thông, có ý định rút khỏi thị trường vì lỗ hãy lên tiếng để Bộ Tài chính biết. Ngay cả Petrolimex nếu không thể tham gia cũng có thể lập tổng công ty khác. “Việc giảm giá là hoàn toàn đúng quy định và là cơ sở giúp CPI thấp đi, giúp giảm lãi suất” - ông Huệ khẳng định.

Về hướng điều hành giá sắp tới, ông Huệ cho rằng, thị phần của Petrolimex, Saigon Petro và PVOil đã đủ 90% nên không thể để doanh nghiệp tự định giá mà phải có kiểm soát. Ông Huệ yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải nhanh chóng báo cáo về lãi lỗ từng mặt hàng cụ thể, từ đó sẽ cho đi kiểm tra, phúc tra và công bố.

Một chuyên gia tham gia hội thảo cho rằng có thể một thời kỳ mới trong điều hành giá xăng dầu đang đến.

Quỹ bình ổn xăng dầu: Không nên để trong doanh nghiệp

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo quy định, là quỹ tự động vận hành, không phải hoạt động như cách điều hành hiện nay. Vì vậy phải có giới hạn quy mô quỹ, như Petrolimex đã đề xuất chỉ trích quỹ tối đa 0,5% doanh thu của doanh nghiệp.

Về vấn đề này, khi ông Vương Đình Huệ đặt vấn đề với Petrolimex, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú tiếp tục ngắt lời và cho rằng quỹ bình ổn đang đi ngược chiều và Bộ trưởng Vương Đình Huệ “đã không hiểu”. Nhiều tiếng tranh cãi bật lên từ phía cán bộ Bộ Công thương và doanh nghiệp khiến ông Huệ phải nhắc lại bộ trưởng Bộ Tài chính đang chủ trì, yêu cầu các đại biểu trật tự.

Trước mắt, ông Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội, đề nghị không thể để lại tiền cho doanh nghiệp tự quản. “Việc điều hành theo kiểu ra lệnh trích lập rất dễ tham nhũng, ăn gian vì doanh nghiệp có thể khai thấp, bán không ghi sổ. Cần thu quỹ bình ổn thông qua thuế ngay từ khi nhập khẩu, chứ để như hiện nay vừa nói dối vừa ăn gian được” - ông Phong nói.

Theo Cầm Văn Kình
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải “ôm” và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.