> Hai bộ vênh nhau về tôm thẻ chân trắng
Người nuôi tôm thẻ chân trắng không biết phải nghe ai, khi Bộ nào cũng cho là mình đúng. Ảnh: V.Khanh. |
Bộ TN&MT: Lo ngại gây bệnh
Như Tiền Phong đã thông tin (bài Hai bộ vênh nhau về tôm thẻ chân trắng, ngày 11-8), Bộ TN&MT đã đưa tôm thẻ chân chân trắng (tên khoa học Litopenaeus vannamei) và hàu Thái Bình Dương (tên khoa học là Crassostrea gigas) vào danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại (Thông tư 22, có hiệu lực từ ngày 15-8). Bộ NN&PTNT thì có ý kiến ngược lại, và đề nghị đưa hai đối tượng này ra khỏi danh mục trên, đồng thời cho biết sẵn sàng đối thoại để bảo vệ quan điểm.
Ngày 15-8, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến ký văn bản gửi Bộ NN&PTNT về vấn đề nêu trên. Bộ TN&MT cho rằng, khi xây dựng và ban hành Thông tư 22, đã thực hiện đúng quy trình, dựa trên quan điểm phòng ngừa là chủ yếu, có dựa trên kết quả nghiên cứu, khuyến cáo của các tổ chức trong nước và quốc tế, thông qua Hội đồng tư vấn khoa học.
Theo Bộ TN&MT, ở một số nước trên thế giới, tôm thẻ chân trắng được ghi nhận là đã thoát ra khỏi khu vực nuôi trồng có kiểm soát, sau đó tồn tại ngoài tự nhiên. Tổ chức Nông Lương quốc tế (FAO) cũng cảnh báo, loài tôm này thiết lập được quần thể trong tự nhiên sẽ cạnh tranh với các loài bản địa và gây ra những tác động lâu dài đối với đa dạng sinh học, nên cần phải hết sức thận trọng.
Bộ TN&MT cũng khẳng định, tôm thẻ chân trắng còn là vật chủ chính mang virus gây hội chứng Taura (còn gọi là bệnh đỏ đuôi), hiện đang gây hại ở những nước nuôi loài tôm này trên diện rộng như Trung Quốc, Thái Lan, Ecuador.
Mặt khác, một số nước như Indonesia, Srilanca, Úc khoanh nuôi hạn chế; Philippines, Malaysia đã thông báo cấm nuôi; còn Thái Lan từng phát triển nuôi sản lượng cao nhưng đến nay cũng đã cấm nhập loài tôm thẻ chân trắng.
Cũng theo Bộ TN&MT, ngoài việc gây bệnh “đỏ đuôi”, tôm thẻ chân trắng cũng mang nhiều loại virus khác như WSSV, BP, IHNV, REO, LOVV và TSV là những bệnh đã lan truyền sang các loài tôm bản địa như tôm sú. Do vậy, thế giới đã khuyến cáo cần có những biện pháp cẩn trọng trong nuôi trồng loài tôm thẻ chân trắng và đưa loài này vào danh mục tiềm năng ưu tiên quản lý đối với loại ngoại lai
xâm hại.
Bộ NN&PTNT: Sẵn sàng chứng minh
Theo Bộ TN&MT, để đưa 2 đối tượng trên ra khỏi danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại, phải có đủ căn cứ. Bộ này đề nghị Bộ NN&PTNT cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm, đánh giá về các khả năng xâm hại của loài ngoại lai này đối với các loài bản địa, trong đó có đánh giá về khả năng của tôm thẻ chân trắng trong việc truyền bệnh virus gây hội chứng Taura.
Trao đổi với Tiền Phong, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc này phải chờ ý kiến của của lãnh đạo Bộ phân công xử lý. “Tuy nhiên, những yêu cầu của Bộ TN&MT nói trên, chúng tôi sẵn sàng cung cấp để chứng minh” – ông Tuấn nói.
Về việc cảnh báo khả năng tôm thẻ chân trắng mang virus gây bệnh Taura cho các loài khác, ông Tuấn cho biết: “Việc này đã cảnh báo từ lâu rồi, vì đã từng xảy ra ở nhiều nước. Cũng chính vì lo ngại Taura, nên Bộ Thủy sản (cũ), khi nhập loài này vào nuôi đã cho phát triển thận trọng, dè dặt. Thực tế, hơn chục năm nay có xảy ra bệnh Taura ở tôm đâu, mà chủ yếu là các dịch bệnh khác”.
Cần tách bạch vùng nuôi Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Đình Đáp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, cho biết: Nói hai đối tượng trên gây tác hại, ảnh hưởng đến môi trường, thì tôi nghĩ cần phải có thời gian, điều kiện để luận giải về mặt khoa học cụ thể. Nói ảnh hưởng trên thế giới, nhưng ở Việt Nam thì chưa chắc. Việc lây nhiễm bệnh Taura giữa tôm chân thẻ và tôm sú chúng tôi đã thử nghiệm ở các vùng nuôi, nhưng chưa phát hiện sự lây nhiễm giữa hai loại nói trên. Tuy nhiên, chúng tôi cũng kiến nghị với bộ nên nuôi hai loại trên tách bạch nhau, không nên xen kẽ nhau, vì khi nảy sinh ra bệnh, thì không biết loài nào lây cho loài nào. |