Cách nào quản được thị trường vàng?

Mở sàn giao dịch vàng do Nhà nước quản lý, vừa thu được thuế, vừa điều tiết được cung - cầu (ảnh chụp cảnh dân chen nhau mua - bán vàng ngày 9-8). Ảnh: Minh Đức
Mở sàn giao dịch vàng do Nhà nước quản lý, vừa thu được thuế, vừa điều tiết được cung - cầu (ảnh chụp cảnh dân chen nhau mua - bán vàng ngày 9-8). Ảnh: Minh Đức
TP - Hiện giá vàng do các doanh nghiệp kinh doanh vàng tự quyết định (xem Tiền Phong ngày 11-8). Đây có phải là nguyên nhân khiến thị trường vàng “điên loạn” như vừa qua? Cách nào ổn định thị trường vàng, Nhà nước có nên can thiệp và quản giá vàng, để tránh việc đầu cơ, chi phối giá vàng của các đại gia?

> 'Ông lớn' nào chi phối giá vàng?

Mở sàn giao dịch vàng do Nhà nước quản lý, vừa thu được thuế, vừa điều tiết được cung - cầu (ảnh chụp cảnh dân chen nhau mua - bán vàng ngày 9-8). Ảnh: Minh Đức
Mở sàn giao dịch vàng do Nhà nước quản lý, vừa thu được thuế, vừa điều tiết được cung - cầu (ảnh chụp cảnh dân chen nhau mua - bán vàng ngày 9-8). Ảnh: Minh Đức.
 

Cho ngân hàng huy động vàng trong dân

Ông Trần Hoàng Ngân - Phó hiệu trưởng trường Đại học kinh tế TPHCM, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia, cho rằng: “Lúc này Ngân hàng nhà nước (NHNN) phải đưa ra được cách giải quyết với thông điệp làm sao cho giá vàng bình ổn. NHNN phải quản lý được thị trường vàng.

Cách cho nhập khẩu 5 tấn vàng như vừa qua chưa hẳn đã là ổn vì cho nhập vàng sẽ đẩy nhu cầu ngoại tệ lên cao, nhưng không cho nhập thì ngoại tệ cũng sẽ bị gom để nhập vàng lậu, từ đó gây sốc cho giá USD. Tôi nói thẳng, trong 5 tấn vàng cho nhập về, liệu doanh nghiệp có dám nhập cả không, tôi được biết là họ nhập rất ít”.

Theo ông Ngân, cách giải quyết triệt để lúc này là cần đưa vàng dự trữ ra bán, can thiệp. Mọi người lo ngại vàng dự trữ không có nhiều nhưng theo tôi không hẳn là vậy. Bên cạnh, giải pháp đồng bộ về lâu dài vẫn phải cho phép các ngân hàng thương mại huy động vàng trong dân.

Sau đó, bơm vốn qua các ngân hàng thương mại bằng việc họ gửi lại một lượng vàng thế chấp cho NHNN, theo kiểu dự trữ bắt buộc. Khi doanh nghiệp mua hay người dân lấy vàng để bán, NHNN lại trả số vàng này qua kênh các ngân hàng thương mại bằng cách hút tiền đồng về. Như vậy, mới không có chuyện sốt tâm lý và lũng đoạn giá.

Còn theo một chủ doanh nghiệp từng kinh doanh vàng miếng và từng mở sàn vàng thì: “mọi người cứ nói bị làm giá nhưng bằng quan sát và thông tin có được, tôi khẳng định thực chất của câu chuyện về vàng chính là từ quản lý vĩ mô. Tất cả đều do điều hành, trong một thị trường cạnh tranh, ông nào có tiền, có hàng thì ông đó được quyền phát giá. Bản chất của câu chuyện này là từ đầu năm đến nay, vàng đã xuất đi nước ngoài quá nhiều (gần 40 tấn- PV).

Hiện làm gì có DN nào còn trữ nhiều vàng. Trong khi đó VND lưu chuyển trên thị trường hiện không nhiều. Giới kinh doanh chúng tôi vẫn bảo nhau đố ông nào đủ sức để thao túng thị trường vàng nhất là vào thời điểm biến động này. Vì có đến vài trăm tỷ cũng không làm nổi, mà phải hàng ngàn tỷ”.

Quản bằng sàn giao dịch

Chuyên gia phân tích độc lập Phan Dũng Khánh (TPHCM) cho rằng, biện pháp tốt nhất để quản lý thị trường vàng là thành lập sàn giao dịch vàng do Nhà nước quản lý. Khi đó, ai muốn kinh doanh vàng thì đem vàng đến sở giao dịch lưu ký. Như vậy, thứ nhất, Nhà nước quản lý được lượng tiền (vàng); thứ hai, tránh việc mua bán chợ đen (vừa khiến Nhà nước thất thu thuế, vừa ảnh hưởng đến tỷ giá USD và đồng Việt Nam).

Vì rằng, khi giá vàng trong nước và thế giới có sự chênh lệch thì ngay lập tức nảy sinh buôn lậu. Khi giá trong nước cao hơn giá thế giới, lập tức dân buôn vàng gom USD ra nước ngoài mua vàng về bán ăn chênh lệch. Riêng chuyện buôn lậu, chưa cần biết có gom USD hay không, nhưng khi cần đến USD là đã làm cho cầu đồng USD tăng và tỷ giá sẽ lên theo.

Ông Khánh cho rằng, phần lớn các nước đều quản lý thị trường vàng thông qua sàn giao dịch và thực tế ở những nước đó tình hình nhập lậu giảm, tỷ giá đồng nội tệ rất ổn định.

Không thể áp biên độ giá

Về việc một số doanh nghiệp đề xuất giải pháp NHNN đưa ra biên độ mua bán vàng giống như VND/USD, ông Ngân nói: “Tại sao lại cho biên độ với vàng, đề xuất đó không thể chấp nhận được. Vì giá vàng do giá thế giới quyết định, còn giá trong nước thì do cung- cầu và hiệu ứng tâm lý. Vấn đề là phải làm bình ổn giá và thị trường chứ còn đưa ra một biên độ để rồi có mức trần như USD/VND là không thể”.

Một chủ kinh doanh vàng, cho biết: “Biên độ thì không ai quan tâm đâu, thị trường luôn có tiếng nói riêng của nó, quan trọng là cung- cầu phải thỏa mãn nhau”.

Vàng trong nước hiện đắt hơn thế giới hơn 500 ngàn đồng /lượng

Hôm qua (11-8) là một ngày giới kinh doanh mệt mỏi với việc điều chỉnh giá vàng. Riêng Cty Sacombank-SBJ có tới 18 lần thay giá. Ngay đầu giờ sáng, giá vàng tăng vọt lên 46 triệu đồng/lượng, cao hơn 1,6 triệu đồng/lượng so với giá hôm trước, ngay khi giá quốc tế vọt lên đỉnh 1.799 USD/oz.

Tuy nhiên, chỉ hơn 1 giờ sau, giá vàng “bốc hơi” 1 triệu đồng/lượng, còn 45 triệu đồng/lượng. Ngay sau đó, lại quay đầu tăng giằng co trong vùng 45,2-45,6 triệu đồng/lượng. Đóng cửa, giá vàng miếng chốt giá 45,5 triệu đồng/lượng.

Khối lượng vàng giao dịch tại Bảo Tín Minh Châu sáng nay chỉ bằng nửa ngày 10-8. Còn SJC Sài Gòn, doanh nghiệp mua vào 1.200 lượng vàng và bán ra 1.500 lượng, khối lượng giao dịch cũng chỉ bằng một nửa của ngày trước đó.

Lúc cuối chiều (giờ VN), giá vàng giao ngay tại châu Âu là 1.787,3 USD/oz, giảm 9,1 USD/oz so với giá đóng cửa ở New York. Mức giá này quy đổi tương đương 44,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng bán lẻ trong nước 500.000-600.000 đồng/lượng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG