Vàng nội cao giá

Vàng nội cao giá
Giá vàng trong nước chuyển chiều tăng mạnh và cao hơn giá vàng thế giới kéo theo giá USD rục rịch tăng.

Vàng nội cao giá

> Giá vàng sát ngưỡng 42 triệu đồng/lượng

Giá vàng trong nước chuyển chiều tăng mạnh và cao hơn giá vàng thế giới kéo theo giá USD rục rịch tăng.

Giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới từ 400.000 - 500.000đ/lượng. Ảnh: Đ.N.Thạch
Giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới từ 400.000 - 500.000đ/lượng. Ảnh: Đ.N.Thạch.

Cầu tăng bất thường

Trong 2 phiên giao dịch cuối tuần qua, giá vàng SJC tăng cao hơn giá thế giới từ 100.000 - 500.000 đồng/lượng, đứng ở mức cao 41,85 - 41,89 triệu đồng/lượng vào ngày 7.8. Ông Nguyễn Công Tường - Phó phòng kinh doanh Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC -cho biết dù là cuối tuần nhưng lực mua vàng trên cả nước vẫn tăng, đặc biệt là ở Hà Nội. Đối tượng mua vàng chủ yếu là cá nhân. Đối với các công ty, lượng vàng mua được trên thị trường gần đây cũng không được nhiều. Tình hình đó khiến giá vàng trong nước tăng nhanh hơn giá thế giới.

Phó tổng giám đốc một công ty vàng cho hay, khi giá vàng tăng lập kỷ lục ở mức 39 triệu đồng/lượng, nhiều nhà đầu tư trong nước cũng đã thực hiện đánh xuống (tức vay vàng bán, sau đó chờ giá giảm để mua trả lại). Lúc đó lực bán trên thị trường khá nhiều. Không ngờ các đỉnh giá mới lại liên tục thiết lập trong vài ngày sau đó. Những nhà đầu tư bán ra từ mức giá 39 triệu đồng/lượng hiện nay đã lỗ khoảng 7,5% nên khả năng nhà đầu tư mua vàng để đóng trạng thái, cắt lỗ là có. Tuy nhiên các nhà đầu tư vàng chuyên nghiệp khi mua bán trong nước sẽ dùng đến công cụ “bảo hiểm” chuyển lệnh mua bán ra nước ngoài thông qua tài khoản. Do đó việc mua lại vàng vật chất trong nước cũng có thể là cách nhà đầu tư đóng trạng thái trong và ngoài nước khi đã có lời.

Ngày 6.8 là thời điểm quy định xuất khẩu vàng có hàm lượng từ 80% vàng trở lên sẽ chịu thuế xuất khẩu 10%. Một cựu tổng giám đốc công ty vàng nhận xét, việc ban hành thuế xuất khẩu cao nhằm ngăn chặn đà xuất khẩu vàng được thực hiện quá chậm. Lượng vàng lưu thông giữa các doanh nghiệp khoảng vài chục tấn đã được xuất gần hết (từ đầu năm đến nay xuất 36 tấn vàng) nên những doanh nghiệp hiện nay còn vàng cũng lo ngại không dám bán ra vì sợ sau đó không mua lại được.

Do đó, thị trường chỉ cần xuất hiện một lực mua nhỏ cũng đủ tác động làm giá tăng. Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng các đơn vị gom vàng để xuất khẩu trước đó nhưng chưa xuất được, nay tạo sự thiếu hụt giả đẩy giá cao lên rồi bán. Còn ông Nguyễn Công Tường thì cho rằng sau thông tin Mỹ bị đánh rớt bậc tín nhiệm vào cuối tuần, các đơn vị kinh doanh vàng trong nước lo ngại giá vàng thế giới sẽ xuất hiện một đợt tăng giá vào tuần tới nên không dám bán vàng ra.

Can thiệp ra sao?

Việc giá vàng trong nước cuối tuần tăng cao hơn so với giá thế giới từ 400.000 - 500.000 đồng/lượng đã khiến giá USD trên thị trường tự do tăng lên rất nhanh. Sau một thời gian thấp hơn và ngang bằng với giá USD trong ngân hàng, giá USD tự do cuối tuần qua tăng khoảng 40 đồng/USD, lên 20.670 - 20.680 USD/ounce, cao hơn giá ngân hàng khoảng 60 đồng/USD. Bà Nguyễn Thị Cúc - Phó TGĐ Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - cho biết để giá vàng trong nước bám sát giá thế giới, thị trường USD ổn định thì chỉ có giải pháp cho nhập khẩu vàng để liên thông.

Tuy nhiên do chúng ta đang áp dụng nhiều biện pháp để giảm nhập siêu nên ít có khả năng được cho phép nhập khẩu vàng. Dù vậy, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu vàng đã đạt 1,8 tỉ USD, do đó cũng có thể cân đối để cho phép các đơn vị xuất khẩu vàng được nhập một khối lượng vàng nhất định để giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới.

Ông Trần Trọng Quốc Khanh - Giám đốc Trung tâm vàng Ngân hàng Á Châu - cho rằng nếu không cho phép nhập khẩu, nhà nước cần bán vàng dự trữ cho dân.

Giá vàng thế giới đóng cửa cuối tuần qua ở mức 1.663 USD/ounce, đây là tuần thứ 5 tăng giá liên tiếp. Các nhà đầu tư quốc tế, ngân hàng trung ương các nước đã mua vàng với khối lượng lớn. Quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR nâng lượng vàng nắm giữ lên 1.286,3 tấn. Theo thông tin từ Quỹ Tiền tệ thế giới IMF, Thái Lan vừa mua gần 19 tấn vàng, nâng lượng vàng nắm giữ lên 137 tấn; Nga mua thêm 5,85 tấn vàng, lượng vàng nắm giữ lên 863,7 tấn. Từ đầu năm 2011 đến nay các nền kinh tế đã mua 180 tấn vàng, gấp đôi lượng vàng mua vào của năm 2010.

Theo Thanh Xuân
Thanh Niên

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG