> Nâng dần giá điện để đủ điện
> Đầu tư tràn lan, ngành thép mất cân đối trầm trọng
Minh họa: Khều. |
Muôn cách lỗ - lãi giả
Lâm Đồng có 17 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chè, với tổng vốn đầu tư 324 tỷ đồng. Tính đến đầu năm 2010, các DN này lỗ luỹ kế tới 317 tỷ đồng. Nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá, Cục thuế Lâm Đồng thu thập thông tin từ nhiều nguồn, từ đó phát hiện ra hành vi gian lận.
Cụ thể, giá nguyên liệu để sản xuất ra 1 kg chè trên thị trường là 175.000 đồng, nhưng doanh nghiệp FDI bán chè cho công ty mẹ ở nước ngoài chỉ với giá 64.580 đồng/kg.
“Qua kiểm tra, Cục thuế không đồng ý giá khai đó đã mời doanh nghiệp lên đối thoại. Cơ quan thuế cũng phát hiện ra nhiều khoản tài chính có dấu hiệu bất thường như người mua (phía nước ngoài) trả trước tiền hàng, cho doanh nghiệp vay tiền không tính lãi và cũng không quy định thời hạn trả nợ như hoạt động vay nợ bình thường khác... Vừa rồi, 10/17 DN phải công nhận giá mình điều chỉnh. Đây là ví dụ điển hình về chuyển giá”, ông Nguyễn Luân, Phó Chánh thanh tra Tổng cục Thuế, cho Tiền Phong hay.
Một chiêu khác, do Cục thuế TPHCM phát hiện. Sau khi kiểm tra một số báo cáo thuế, có hiện tượng DN liên kết chuyển giá. Theo đó, họ xây dựng nhóm công ty độc lập, đạo diễn qua từng năm như dùng các công ty liên kết mua giá cao sau đó bán giá rẻ cho công ty chính (công ty mà họ cần đánh bóng để lên sàn) nhằm làm cho công ty chính có lời.
“Theo báo cáo tài chính 3 năm có lời là được lên sàn. Khi lên sàn, người dân thấy có lời thì nhảy vào mua với giá cao, nhưng thực chất kết quả kinh doanh không phải vậy. Sau khi hốt tiền xong, doanh nghiệp mới lộ bài lụn bại, người mua cổ phiếu phải ôm mớ giấy lộn. Đây chính là hình thức chuyển giá, ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết.
Tương tự, tại Đồng Nai, kiểm tra của Cục thuế cho thấy, không ít doanh nghiệp FDI sử dụng nhiều biện pháp né thuế, trong đó phổ biến là chuyển giá, phân tán lợi nhuận qua hợp đồng khống, chuyển sản phẩm với số lượng lớn ra nước ngoài dưới hình thức chào hàng, lợi dụng sơ hở trong chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam...
Năm 2010, Cục thuế Đồng Nai sau khi thanh tra chống chuyển giá đã yêu cầu Cty Changshin Vietnam giảm lỗ trên 120 tỷ đồng, Cty liên doanh Suzuki Vietnam giảm lỗ trên 70 tỷ đồng.
Doanh nghiệp FDI khai lỗ nhiều năm sẽ là điểm ngắm của thanh tra thuế (ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh. . |
Chống chuyển giá: Cách nào?
Phó chánh thanh tra Tổng cục Thuế Nguyễn Luân thừa nhận: “Khó nhất trong quá trình đấu tranh chống chuyển giá là căn cứ ở đâu, cơ quan nào xác định giá”. Ông Luân đơn cử: Cách đây vài năm, nghi ngờ DN chuyển giá khi nhập sang Việt Nam một dây chuyền sản xuất, Bộ KH&ĐT đã mời 1 công ty định giá có uy tín của Thuỵ Sỹ.
Tuy nhiên, khi công ty này đưa ra mức định giá không như DN kê khai nhiều lần, DN này lập tức mời 1 công ty định giá khác. Không chịu, hai bên đưa nhau ra toà. Câu chuyện đến giờ vẫn chưa giải quyết xong. “Hiện tượng thì rất rõ nhưng cơ bản không có thông tin đối chứng dù đã đưa vào diện nghi ngờ cao”, ông Luận nhấn mạnh.
Ít nhất 870 doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá hoặc khai lỗ nhiều năm, nhưng vẫn mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh đang lọt vào tầm ngắm của thanh tra ngành thuế. Theo thanh tra ngành này, không chỉ doanh nghiệp FDI chuyển giá mà gần đây, nhiều DN trong nước cũng khai lỗ giả để né thuế. |
Làm thế nào để chống chuyển giá tận gốc? Đại diện các Cục Thuế khẳng định: Kiểm tra trực tiếp tại trụ sở DN là cơ sở chắc chắn nhất. “Tuy nhiên, khó lớn nhất đối với cơ quan thuế là cơ sở dữ liệu của ngành về doanh nghiệp FDI không đầy đủ để có thể phân tích, đánh giá, nhận định DN có chuyển giá hay không”, một lãnh đạo Cục nhận xét.
Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thuế Cao Anh Tuấn lưu ý: “Chuyển giá là một hình thức chuyển quyền lợi thu thuế từ Việt Nam của DN sang công ty mẹ đóng, đây là vấn đề có lợi ích quốc gia nên việc chống sẽ phải rất bài bản”.
Theo ông Tuấn, ngành thuế đang nung nấu sẽ đưa vào Luật Quản lý thuế một số điều khoản bắt buộc. Ví như, DN lỗ nếu số lỗ còn bằng 50% vốn thì phải đưa vào diện quản lý rủi ro. Hoặc lỗ hết vốn thì có thể quay trở lại cơ quan cấp giấy phép và nơi đó có thể rút phép.
Bên cạnh, đề xuất DN không chỉ FDI mà cả DN trong nước nếu vốn mỏng, vay gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu thì quy định phần quá hạn mức nào đó, lãi vay sẽ không được tính vào chi phí. Tuy nhiên, để làm được cần một thời gian và mức đầu tư không hề đơn giản.