Khẩn cầu giải cứu thị trường bất động sản

Khẩn cầu giải cứu thị trường bất động sản
TPO - Ngày 6-7 tại TPHCM, hàng trăm doanh nghiệp (DN), chuyên gia đã ngồi lại và khẩn thiết kiến nghị Nhà nước sớm có chính sách giải cứu sự bế tắc của thị trường về bất động sản (BĐS).

Gỡ mũ “Phi sản xuất” khỏi đầu

“Đề nghị đều chỉnh, không xếp ngành BĐS vào nhóm dịch vụ phi sản xuất mà cần xếp vào ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện như Luật Doanh nghiệp đã xác định”- Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Lê Hòang Châu nói. Ông Châu lý giải: Ngành BĐS làm nên hạ tầng các KCN, khu du lịch, thương mại, bệnh viện, văn phòng làm việc, các khu đô thị, nhà ở từ cao cấp đến nhà trung bình và giá thấp phục vụ mục tiêu an sinh xã hội. Để có 1m2 sàn xây dựng, ngành này sử dụng 17-20 công lao động và nhiều nguyên vật liệu, nhiên liệu, tạo việc làm cho nhiều người, ngành khác.

“Xây dựng nhà thu nhập thấp tại sao lại bị áp đặt vào diện phi sản xuất để thắt chặt tín dụng được?”- TGĐ Cty CP địa ốc Sài Gòn-Gia Đinh, ông Nguyễn Phụng Thiều đặt câu hỏi. Ông đề nghị cần tháo gỡ cái mũ phi sản xuất để cho phân khúc này được hưởng ưu đãi như nhiều ngành khác. DN phục vụ đối tượng này được hưởng ưu đãi giảm thuế, chập nộp thuế thu nhập DN… Ví đầu cơ và lạm phát như con chuột và nhu cầu cấp bách phục vụ an sinh xã hội như lọ hoa, ông Thiều cho rằng các nhà làm chính sách “đừng vì một con chuột mà làm vỡ lọ hoa”.

Để góp phần khơi thông sự bế tắc của thị trường BĐS, đồng thời đảm bảo sự công bằng, ông Châu đề nghị cần có sự phân biệt để có chính sách ưu đãi tín dụng thích hợp cho các DN BĐS và dự án BĐS. Các dự án làm nhà ở cho thuê giá thấp hoặc bán cho người thu nhập trung bình và thấp, các DN làm ăn hiệu quả, nộp ngân sách đầy đủ hoặc đã hòan thành 70-80% dự án thì cần được ưu tiên về tín dụng so với những DN làm ăn bê bối, kém hiệu quả hoặc những dự án khác. Ông châu cũng đề nghị nhà nước có lộ trình giảm dần lãi suất xuống mức 15-16% và duy trì ở mức 11-12%/ năm như trước đây.

Ông Trần Kim Chung và Đinh Trọng Thắng (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng giải pháp cấp bách đối với thị trường BĐS hiện nay là cần tập trung ưu tiên nguồn tín dụng đối với những dự án có tác động đến đối tượng đông đảo như các dự án nhà thu nhập thấp, nhà giá thấp và nhà có diện tích nhỏ và các dự án nhà cho thuê. Đây là những giải pháp vừa có tính ngắn hạn, vừa có tính trung hạn. Trong bối cảnh nguồn tín dụng ngân hàng bị hạn chế và có hạn, việc tập trung nguồn lực cho một số đối tượng cụ thể vẫn có tác dụng khơi thông thị trường BĐS nói chung, thị trường căn hộ nói riêng.

Căn hộ nhỏ: Lối thoát lớn

Các DN cho rằng, việc xây dựng căn hộ nhỏ sẽ là một lối thoát lớn cho các DN kinh doanh BĐS nói riêng và thị trường BĐS nói chung. Ông Nguyễn Văn Đực-Phó GĐ Cty TNHH địa ốc Đất Lành đề xuất nhà nước nên cho phép các DN làm căn hộ nhỏ. Cụ thể các căn hộ trên dưới 100 m2 được phép chia đôi thành căn hộ 30-50 m2 có giá bán từ 400-700 triệu đồng/căn. “Có ý kiến lo ngại như thế sẽ tạo thành ổ chuột trên cao, nhưng tôi cho rằng không phải cứ nhà có diện tích nhỏ là ổ chuột. Căn hộ có diện tích phù hợp với số người cư trú và túi tiền người dân, giúp họ có nơi an cư thì đó sẽ là những tổ ấm chứ không thể gọi là ổ chuột”- ông Đực lý giải. Ông cũng cho rằng khi có căn hộ nhỏ sẽ làm giãn những ổ chuột ở các ngõ ngách thành phố hiện nay. Vả lại, dù là căn hộ nhỏ nhưng bình quân mét vuông trên đầu người vẫn không thay đổi. Và, việc chia ra thì vẫn tốt hơn là căn hộ to nhưng bỏ trống vì không có người đủ sức mua, trong khi người thì vẫn cứ nhồi nhét ở các phòng trọ hoặc nhà phố.

Với lập luận đó, ông Đực cho rằng nhà nước cũng nên cho phép DN đầu tư xây dựng căn hộ lọai A có diện tích 50-70 m2 dành cho 1-2 người và không ấn định tỷ lệ các lọai căn hộ A,B,C (theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 323/2004), thậm chí chấp nhận căn hộ 20-40 m2.

“Việc quyết định đầu tư lọai hình căn hộ nào là theo nhu cầu của thị trường, khả năng của DN và người dân, không thể cứng nhắc ấn định diện tích và tỷ lệ các căn hộ để rồi tồn đọng quá nhiều căn hộ lớn như hiện nay”- ông Đực nói, đồng thời cho biết tại TPHCM hiện đang tồn đọng 60.000 căn hộ, trong khi có hàng triệu người đang “đói” căn hộ. Người dân không mua nổi, DN không bán được khiến thị trường rơi vào tình trạng khủng hỏang thừa những căn hộ cao giá, diện tích lớn, trong khi thiếu trầm trọng những căn hộ giá thấp, diện tích nhỏ phù hợp với điện kiện của đông đảo người dân có thu nhập thấp.

Theo Viết
MỚI - NÓNG