'Khát' gạo xuất khẩu

'Khát' gạo xuất khẩu
VN đang trở thành tâm điểm của các nhà nhập khẩu gạo quốc tế sau khi thị trường Thái Lan xảy ra nhiều biến động.

'Khát' gạo xuất khẩu

> 7 tháng, VN xuất khẩu được hơn 4,5 triệu tấn gạo

VN đang trở thành tâm điểm của các nhà nhập khẩu gạo quốc tế sau khi thị trường Thái Lan xảy ra nhiều biến động.

Xuất khẩu gạo đang tăng
Xuất khẩu gạo đang tăng "nóng". Ảnh: D.Đ.M.

Gạo lên giá

Không để sốt giá gạo trong nước

Trước nhu cầu xuất khẩu gạo tăng cao, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu VFA phải nỗ lực tăng xuất khẩu nhưng đồng thời phải đảm bảo không gây biến động giá lương thực trong nước. Tại cuộc họp, ông Trương Thanh Phong khẳng định với báo chí: “VN hoàn toàn không thiếu gạo để tiêu dùng nội địa. Chúng tôi đã cho dự trữ đầy đủ tại các kho ở TP.HCM và các tỉnh lân cận để sẵn sàng cung ứng cho người dân, sẽ tham gia bình ổn giá bất cứ lúc nào”.

Sau khi Chính phủ mới của Thái Lan được thành lập với lời hứa sẽ nâng giá thu mua gạo lên gấp đôi, thị trường gạo thế giới lập tức biến động và VN nhanh chóng được các nhà nhập khẩu gạo chú ý như một địa chỉ cung cấp thay thế. Cụ thể, ngay trong tháng 7, tình hình xuất khẩu gạo của VN đã đạt kỷ lục về số lượng và trị giá: hợp đồng đăng ký đã vượt trên 1 triệu tấn chỉ trong tháng 7. Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực VN (VFA), 7 tháng đầu năm nay cả nước đã xuất khẩu được 4,61 triệu tấn gạo các loại, trị giá FOB đạt 2,18 tỉ USD, tăng 16,7% về số lượng và tăng 26% về trị giá so với cùng kỳ năm 2010. Giá xuất khẩu gạo bình quân cũng đã đạt 473,3 USD/tấn, tăng 35,11 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2010.

Theo phân tích của VFA, bên cạnh tác động từ chính sách và tâm lý đầu cơ chờ giá gạo tăng tại Thái Lan, các nguồn cung cấp gạo khác trên thế giới cũng không mấy thuận lợi. Diện tích sản xuất lúa gạo của Mỹ năm nay đã thu hẹp đến 30% và ước tính sản lượng gạo của nước này giảm từ 1,5-2 triệu tấn. Giá gạo hạt dài của Mỹ cũng đã tăng lên đến 650 USD/tấn, vượt qua cả giá gạo cùng loại của Thái Lan hiện nay là 560 USD/tấn. Trong khi đó, nước có nguồn dự trữ lương thực lớn nhất thế giới là Ấn Độ cũng không thể xuất khẩu 1 triệu tấn gạo theo hạn mức đã được cấp phép vì vướng mắc các quy định thủ tục. Về phía thị trường nhập khẩu, các nước châu Á như Indonesia, Philippines, Malaysia đều có nhu cầu nhập khẩu tiếp tục với số lượng lớn. Cân đối cung cầu mặt hàng gạo nhìn chung đang có sự chênh lệch và vì vậy đã đẩy giá gạo xuất khẩu tăng cao.

Căng thẳng nguyên liệu

Việc khách hàng quốc tế đổ dồn về phía VN là một thời cơ thuận lợi nhưng bài toán gây “nhức đầu” cho các doanh nghiệp VN là nên bán giá nào, bán khi nào và số lượng bao nhiêu cho hợp lý. Do nhu cầu xuất khẩu tăng và tác động tăng giá trên thị trường gạo, nhiều thương nhân đã tăng cường tích trữ chờ giá lên. Vì vậy lúa gạo vụ hè thu tiêu thụ rất nhanh và giá cũng tăng rất cao. Hiện giá lúa đã tăng lên 6.650 đồng/kg lúa khô thường và 6.800 đồng/kg lúa khô hạt dài. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 8.600 - 8.700 đồng/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 8.450 - 8.550 đồng/kg nhưng vẫn không cung cấp đủ nhu cầu.

Tại cuộc họp toàn thể hội viên VFA ngày 5.8, đại diện Tổng công ty lương thực miền Bắc than thở: “Hiện nay tình hình thu mua nguyên liệu rất khó khăn, chúng tôi còn hợp đồng xuất khẩu gạo sang Cuba hơn 200.000 tấn, chưa kể các hợp đồng khác, nhưng với việc cạnh tranh thu mua như hiện nay thì áp lực thực hiện các đơn hàng này rất lớn”. Ông Phạm Văn Bảy - Phó chủ tịch VFA cũng cho biết: “Tình hình thu mua nguyên liệu lúa gạo rất căng thẳng vì nhu cầu xuất khẩu cao, nhiều doanh nghiệp lại tranh thủ mua để đầu cơ tích trữ nên gạo đang khan hiếm”.

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA nhận định: “Bên cạnh những cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp có thể gặp rủi ro, khó khăn do không chuẩn bị kịp hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký. Ngoài ra, do khả năng sản xuất có hạn, nếu xuất khẩu vượt mức cân đối và giá lên quá cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng trong nước”.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA khuyến cáo: “Nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới hiện nay là thật sự cao, do đó nhiều doanh nghiệp đa ngành nghề cũng đã nhảy vào để thu mua tích trữ chờ giá lên. Tình hình này càng làm cho nguồn cung khan hiếm. Do đó chúng tôi khuyến khích các địa phương nếu có điều kiện thì tích cực xuống giống vụ đông xuân sớm và mở rộng thêm diện tích. Bên cạnh đó nên đẩy mạnh sản xuất lúa thơm jasmine vì đang được giá. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, thị trường trong thời gian tới sẽ còn có thêm nhiều hợp đồng lớn và nhu cầu rất lớn đến đầu năm sau, vì vậy VFA khuyến cáo các thành viên nên bán ra thận trọng và bán theo giá thị trường, khi nào có sẵn chân hàng thì mới bán vì giá cả sẽ còn biến động”.

Theo Quang Thuần
Thanh Niên

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG