Phố Wall tuột dốc không phanh
> Thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt đi xuống
> Ảm đạm các công ty chứng khoán
Tình trạng yếu kém của nền kinh tế đã che mờ tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ, bất kể thỏa thuận nâng trần nợ công đã được lưỡng viện thông qua. Phố Wall tuột dốc mạnh, đáng chú ý chỉ số S&P 500 để mất toàn bộ nỗ lực tăng điểm từ đầu năm.
Tình trạng bán tháo lan rộng khắp thị trường. Ảnh: Internet. |
Chốt phiên giao dịch 2-8, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 265,87 điểm, tương ứng 2,19%, xuống còn 11.866,62 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 32,89 điểm, tương ứng 2,56%, xuống còn 1.254,05 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 75,37 điểm, tương ứng 2,75%, xuống 2.669,24 điểm.
Như vậy, chỉ số S&P 500 đã giảm 7 phiên liên tiếp, xuống dưới đường trung bình trong vòng 200 ngày. Đây là chuỗi ngày giảm điểm lâu nhất của chỉ số này kể từ tháng 10-2008.
Tình trạng bán tháo diễn ra trên hầu khắp các sàn, khiến khối lượng giao dịch bùng nổ. Khoảng 9,5 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, vượt xa mức trung bình hàng ngày 7,5 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Trên sàn New York, cứ 4 mã giảm thì mới có 1 mã tăng điểm.
Phiên hôm qua, giới đầu tư chỉ ăn mừng chút ít sau khi Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua thỏa thuận nâng trần nợ, bởi điều đó không nhất định ngăn được khả năng nước Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm cao nhất. "Giới đầu tư chuyển từ nỗi lo trần nợ sang các vấn đề thực tế của kinh tế Mỹ", chiến lược gia Fred Dickson nhận định.
Chỉ ít phút sau khi Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật, tổ chức định mức tín nhiệm Fitch Ratings tuyên bố thỏa thuận nâng trần nợ đồng nghĩa với nguy cơ vỡ nợ "rất thấp" và tương xứng với mức xếp hạng AAA. Song, tổ chức này cảnh báo Washington phải cắt giảm nợ nần hoặc đối mặt với nguy cơ bị hạ bậc.
Thị trường cũng bị tác động bởi một báo cáo của Chính phủ cho thấy chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ trong tháng 6 giảm ngoài dự đoán. Đây là lần đầu tiên trong vòng 2 năm qua, chỉ số này giảm điểm do thu nhập thấp. Điều này càng khiến nhà đầu tư nghi ngại về tình hình tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu.
Phiên liền trước, kết quả cuộc điều tra về hoạt động các nhà máy ở Mỹ cũng cho thấy sản xuất của Mỹ trong tháng 7 đã chậm lại. Kết quả điều tra này tương tự như những báo cáo trước đó từ châu Á và châu Âu.
Vấn đề nợ công châu Âu cũng đã quay trở lại, tác động mạnh tới tâm lý nhà đầu tư, sau khi ngân hàng BNP Paribas SA của Pháp bị mất 768,3 triệu USD liên quan tới việc giải cứu nền kinh tế Hy Lạp đang ngập ngụa trong nợ nần.
Khu vực chứng khoán châu Âu cũng đỏ lửa trong phiên giao dịch 2-8. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,97% xuống còn 5.718,39 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp hạ 1,82% xuống còn 3.522,79 điểm. Trong khi chỉ số DAX của Đức tuột dốc 2,26% xuống còn 6.796,75 điểm.
Đóng cửa trước đó, các sàn châu Á - Thái Bình Dương cũng không thoát cảnh mất điểm mạnh. Đáng chú ý, chỉ số Kospi của thị trường Hàn Quốc trượt tới 2,35%, xuống còn 2.121,27 điểm, dẫn đầu khu vực châu Á về mức giảm điểm. Các thị trường Nhật, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore đều có mức giảm hơn 1%.
Theo Dương Lâm
VnEconomy