'Sóng ngầm' trên thị trường huy động ngoại tệ

'Sóng ngầm' trên thị trường huy động ngoại tệ
Trên biểu lãi suất công khai, tất cả các ngân hàng thương mại đều công bố lãi suất huy động USD tối đa là 2%, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác.  Ảnh: minh họa - Internet

'Sóng ngầm' trên thị trường huy động ngoại tệ

Dù mức trần lãi suất huy động USD đã được khống chế không vượt quá 2%/năm, song trong bối cảnh lạm phát gia tăng, căng thẳng về nguồn vốn, nhiều ngân hàng vẫn lách luật, vượt trần. Các chiêu thức cạnh tranh đang được tăng cường khiến thị trường huy động vốn ngoại tệ tạo "sóng ngầm."

Như vậy, khi những bàn cãi quanh cuộc đua huy động VND vừa tạm lắng, giờ đây lại nổi lên câu chuyện về huy động vốn ngoại tệ.

"Đi đêm" lãi suất USD

Trên biểu lãi suất công khai, tất cả các ngân hàng thương mại đều công bố lãi suất huy động USD tối đa là 2%, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Lãi suất huy động USD ngắn hạn hiện đang được duy trì ở mức 3-3,5%. Thậm chí, những khách hàng có lượng tiền gửi lớn còn có thể thương lượng để được hưởng trên 4%.

Chị Nguyễn Bích Vân, phường Nhân Chính, Quận Thanh Xuân có người em trai ở Hàn Quốc gửi về 15.000 USD nhờ chị gửi hộ. Chị đã được một nhân viên ngân hàng trên đường Láng Hạ nhiệt tình đón tiếp và cho biết sẽ áp dụng lãi suất riêng.

Cụ thể, khách hàng gửi USD có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên sẽ được hưởng mức lãi suất 3%/năm. Khi được hỏi tại sao lại vượt trần như vậy, nhân viên ngân hàng cho biết, hiện nay các ngân hàng đều cạnh tranh quyết liệt trong huy động USD nên thường phải thỏa thuận riêng với khách hàng về mức lãi suất thực.

Khi chị khách hàng tên Vân kia không đồng ý với mức lãi suất 3% vì thấp hơn mức lãi suất thỏa thuận của một ngân hàng khác vừa tham khảo, chị nhân viên đã hỏi ý kiến lãnh đạo và quyết định nâng lên 3,5%/năm.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, nhiều khách hàng tuyên bố thẳng thừng là sẽ rút tiền nếu ngân hàng không chịu thương lượng. Vì vậy, không ngân hàng nào dám áp dụng lãi suất trần 2%. Để hợp thức hóa lãi suất vượt trần, các ngân hàng thương mại phải áp dụng các hình thức khuyến mãi, lập hợp đồng thực hiện dịch vụ mua bán vàng hoặc dịch vụ khác với khách.

Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận trong tuần qua, lãi suất giao dịch bằng USD kỳ hạn từ 1 tuần đến 3 tháng tăng với các mức từ 0,01 điểm % đến 0,75 điểm %; trong đó, kỳ hạn 3 tháng tăng nhiều nhất, từ 1,71% lên 2,46%.

Vay USD rẻ bằng 1/3 so với VND

Thời gian qua, nếu như một số ít các ngân hàng thương mại phải vượt rào lãi suất huy động VND do thiếu hụt về thanh khoản, khiến nhiều ngân hàng thương mại khác phải lao theo, thì đối với hiện tượng "đi đêm" lãi suất huy động USD hiện nay cho thấy các ngân hàng thương mại đang bí nguồn huy động để đáp ứng nhu cầu vay USD ngày càng cao của doanh nghiệp.

Hiện tại, dù đã giảm chút ít nhưng lãi suất cho vay tiền đồng vẫn ở mức 20%- 21,5%/năm, trong khi lãi suất cho vay USD chỉ ở mức 6%- 8%/năm. Thêm vào đó, nhiều dự báo cho rằng tỷ giá VND và USD từ nay đến cuối năm sẽ ổn định, càng củng cố quyết định vay ngoại tệ của doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Vinh, Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Vân Anh, chuyên kinh doanh các mặt hàng ống nước cho biết, hiện nay, vay USD rõ ràng rẻ hơn nhiều so với vay VND.

Nếu vay 3 tỷ đồng bằng tiền đồng, theo ông Vinh, mỗi tháng doanh nghiệp phải trả lãi ngân hàng số tiền xấp xỉ 60 triệu đồng. Trong khi vay USD rồi đổi sang tiền đồng, tiền lãi mỗi tháng là 900 USD, tương đương với 19 triệu đồng. Tính toán trên là một trong các nguyên nhân chính khiến cho cầu tín dụng USD tăng nhanh và tăng mạnh trong thời gian qua.

Theo Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội, trên thực tế, cầu tín dụng USD lớn hơn nhiều lần so với con số báo cáo, nhưng ít nhiều bị hạn chế bởi điều kiện vay khá chặt chẽ theo quy định mới đây của Ngân hàng Nhà nước. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cũng tìm cách lách quy định và trong một số trường hợp ngân hàng cũng "cho qua," bởi ngân hàng cũng không dư dả nguồn tiền đồng và trông đợi phần nhiều vào tăng trưởng tín dụng ngoại tệ.

Việc dư nợ vay ngoại tệ tiếp tục tăng cao khiến nhiều chuyên gia e ngại việc này không sớm thì muộn cũng sẽ tạo áp lực lên tỷ giá. Vì doanh nghiệp vay ngoại tệ sẽ bán cho ngân hàng lấy tiền đồng mua nguyên liệu trong nước để sản xuất kinh doanh, làm nguồn cung ngoại tệ tăng, khiến giá USD gần đây ổn định. Tuy nhiên, khi đến hạn trả nợ, các doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ sẽ phải gom mua trên thị trường để trả nợ, làm nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, e ngại trong ngắn và trung hạn, có nguy cơ doanh nghiệp đổ xô đi mua USD khi đến kỳ trả nợ, và như vậy sẽ gây nên hiện tượng căng thẳng nhất thời trên thị trường ngoại hối.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan (Học viện Tài chính) cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước nên duy trì lãi suất huy động ngoại tệ đối với các tổ chức và cá nhân như hiện nay, tiến tới chuyển dần quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ trong nước của tổ chức tín dụng sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.

Cũng theo bà Lan, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp về quản lý sử dụng ngoại tệ, hạn chế cho vay bằng ngoại tệ, cho vay bằng VND để mua ngoại tệ thanh toán nhập khẩu đối với các mặt hàng thuộc Danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu do Bộ Công thương ban hành.

Theo Vietnam+

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Chi Dân, An Tây xin lỗi muộn màng; Bắt 'Trưởng phòng chiến tranh' của tổ chức khủng bố
TPHCM 24/7: Chi Dân, An Tây xin lỗi muộn màng; Bắt 'Trưởng phòng chiến tranh' của tổ chức khủng bố
TPO - Chi Dân, An Tây và 'cô tiên' Trúc Phương bị bắt; TPHCM rà soát, xử lý cán bộ dùng chứng chỉ 'Cambridge International'; Bắt 'Trưởng phòng chiến tranh' của tổ chức khủng bố 'Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời'; TPHCM sắp thử nghiệm máy bay không người lái 100 km/h,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.