Ngân hàng đành chịu phạt

Nhiều ngân hàng không thực hiện được việc giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống 22% vào 30-6 Ảnh: Hồng Vĩnh
Nhiều ngân hàng không thực hiện được việc giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống 22% vào 30-6 Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Ngày mai, 30-6, thời hạn chót để các ngân hàng thương mại giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống 22%. Tuy nhiên, đến hôm qua, nhiều ngân hàng không thể thực hiện được yêu cầu này, chấp nhận bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phạt.

> Vay bất động sản trước giờ G: Còn nhưng... hẹp

Nhiều ngân hàng không thực hiện được việc giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống 22% vào 30-6 Ảnh: Hồng Vĩnh
Nhiều ngân hàng không thực hiện được việc giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống 22% vào 30-6. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Khó hút tiền về

Cách đây hơn tuần, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, cho biết còn 23 ngân hàng có dư nợ tín dụng phi sản xuất từ mức 23% đến 50%. Mấy ngày nay, NHNN không đưa ra thêm bất cứ thông tin nào, vì đang chờ số liệu cuối cùng.

Tuy nhiên, khảo sát từ hai địa bàn lớn nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến thời điểm 28-6 cho thấy, vẫn còn khá nhiều ngân hàng, chủ yếu ở phía Nam, không thu được tiền về, nên khó thực hiện được yêu cầu của NHNN. Tính đến ngày 10- 6, dư nợ bất động sản ở mức 222.000 tỷ đồng, con số này đã giảm 13.000 tỷ đồng so với cuối năm 2010 nhưng vẫn chiếm khoảng 8,54% dư nợ của toàn bộ nền kinh tế.

Theo ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, trong số 17 ngân hàng có trụ sở tại TPHCM thì có 6 ngân hàng khả năng không thực hiện được việc giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống còn 22% vào ngày 30-6, song ông Hạnh từ chối việc nêu tên các ngân hàng này.

Theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần thương mại tại TP HCM, do sợ mất thanh khoản, sợ mất khách hàng nên trước đây các ngân hàng tìm cách nâng tỷ lệ cho vay bất động sản lên đến 34%, đến nay giảm xuống 31% và hiện đang cố gắng giảm thật nhanh trong thời gian tới.

Các khoản cho vay bất động sản chiếm 80% tổng dư nợ cho vay phi sản xuất và các hợp đồng tín dụng cho vay đầu tư bất động sản đều là trung, dài hạn 3-5 năm, thậm chí 10 năm và tập trung vào các dự án nhà ở cao cấp nên ngân hàng không thể một sớm một chiều thu hồi vốn. Trong khi đó, thị trường nhà đất đang trong tình trạng đóng băng, các chủ dự án và nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ gần như không bán được hàng nên không có tiền trả nợ.

Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo NHNN chi nhánh Hà Nội cho hay, tính đến ngày 27-6, trong số các NHTM trên địa bàn Thủ đô chỉ có 2 ngân hàng không thể giảm dư nợ phi sản xuất về 22% vào hết tháng 6-2011.

Cương quyết phạt

Theo ông Lý Xuân Hải-Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu, giảm cho vay phi sản xuất không phải là giảm số dư tuyệt đối mà là giảm cơ cấu cho vay lĩnh vực này. Để thay đổi (giảm) tỷ trọng cho vay phi sản xuất, đồng thời với thu hồi nợ cũ, các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn và cho vay mới đối với các hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, các giải pháp đều khó khả thi trong điều kiện hiện nay.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, cho biết sẽ không có chuyện gia hạn, đúng thời điểm 1-7, nếu ngân hàng nào không thực hiện được sẽ bị phạt nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Trước ý kiến cho rằng việc giảm con số dư nợ này quá đột ngột, ông Giàu nói: "Đã tính toán theo lộ trình đủ để các ngân hàng giảm dư nợ vì trước đó NHNN đã có bốn văn bản mang tính quy phạm pháp luật chỉ đạo việc này".

Một chuyên gia ngân hàng cho rằng: "Bệnh cho vay tràn lan bất động sản đã quá nặng ở nhiều ngân hàng, nay dùng liệu pháp điều trị ngắn sẽ khó đạt mục tiêu. Bởi thế, để tránh cú sốc, NHNN chỉ nên nâng mức xử phạt dần dần, thay vì lập tức bắt tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc (hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 7%; với VND là 5%- PV)".

Đảo nợ không dễ

Trao đổi với Tiền Phong, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm lưu ý thị trường BĐS đang khó khăn, việc ngân hàng đốc thúc khách trả nợ sẽ không dễ dàng. Ông Kiêm cảnh báo để đáp ứng mệnh lệnh của NHNN về tín dụng phi sản xuất, nhiều ngân hàng có thể dùng chiêu đảo nợ.

"Trong các khoản vay bất động sản, chứng khoán, có thể nhà đầu tư và ngân hàng sẽ dàn xếp với nhau. Ngân hàng sẽ không thu nợ, không bắt nợ, mà chuyển nợ sang một hình thức khác ví như có một khoản trả thế vào sau đó vay lại" - Ông Kiêm ví dụ.

“Việc kéo tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống còn 16% vào cuối năm nay rất khó khăn. Vì hợp đồng đã ký hết. Nếu thay đổi lại hợp đồng thì vi phạm hợp đồng dân sự. Trong trường hợp này NHNN nên nhìn nhận thực tế để các ngân hàng thương mại không phải tìm giải pháp lách luật" - Bà Dương Thu Hương -Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, theo phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần, thì việc đảo nợ không dễ. "Lấy ví dụ ngân hàng Z có dư nợ bất động sản là 10.000 tỷ trên 30.000 tỷ đồng tổng dư nợ (tương ứng 33%). Để giảm được về con số 22% tức là còn gần 7.000 tỷ dư nợ phi sản xuất, chỉ có 3 cách:

Một là yêu cầu khách hàng (doanh nghiệp khoẻ) trả về tài khoản hơn 3.000 tỷ đồng theo hạn mức vào thời điểm 30-6 để đúng lúc đó dư nợ giảm đến mức thấp nhất.

Hai là giữ nguyên dư nợ 10.000 tỷ đồng và tăng tổng dư nợ chung lên 50.000 tỷ (cách này cũng không thể vì đã bị khống chế chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm);

Ba là ngân hàng bàn với khách hàng kiếm nguồn tài chính để trả nợ rồi sau đó cho vay lại ngay. "Nhưng như thế khi cho vay lại thì vẫn là dư nợ bất động sản và khó ngân hàng nào dám làm. Biện pháp chủ yếu các ngân hàng đang làm hiện nay là đàm phán với khách hàng để tiết giảm giải ngân (trên hợp đồng đã ký) đồng thời giảm hạn mức vay của DN. Nói chung, phải thừa nhận đây là một việc làm hết sức khó khăn cho cả doanh nghiệp và ngân hàng"- Vị này nói.

Tổng giám đốc Ngân hàng OCB, ông Trịnh Văn Tuấn bổ sung thêm, để đối phó, có thể một số ngân hàng tiếp tục cho các doanh nghiệp bất động sản vay nhưng với danh nghĩa vay để sản xuất kinh doanh. Số vốn vay mới này được dùng trả nợ cũ để hợp thức hóa việc thu hồi nợ bất động sản, nhằm giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.