'Mềm dẻo' sẽ không lo thiếu vốn

'Mềm dẻo' sẽ không lo thiếu vốn
Theo nhiều chuyên gia, trong tình hình hiện nay không nên quy định cứng nhắc mức tăng trưởng tín dụng 20% cho tất cả các ngân hàng (NH). Bởi hiện ngoài một số NH nhỏ đã sử dụng gần hết chỉ tiêu tăng trưởng, nhiều NH khác còn dư địa cho vay rất lớn để giải ngân vào khu vực sản xuất kinh doanh.

Ông Phạm Huy Hùng, chủ tịch hội đồng quản trị NH Công thương (Vietinbank), cho biết sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng và NH Nhà nước cho phép tăng dư nợ đến 30% trong năm 2011 và toàn bộ nguồn vốn này sẽ được giải ngân vào khu vực sản xuất kinh doanh cùng các dự án trọng điểm.

Lãi suất sẽ giảm dần

Ông Hùng cho biết trong sáu tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng của Vietinbank mới đạt 9%, nguồn vốn được rót vào các lĩnh vực như bưu chính viễn thông, điện, than, khoáng sản, cho vay xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn... với lãi suất (LS) cho vay rất thấp, dao động từ 19-20%/năm, đặc biệt các khoản cho vay nông nghiệp LS chỉ 18%/năm. Trong thời gian qua huy động vốn từ thị trường dân cư của NH vẫn tăng rất tốt, do vậy NH có cơ sở để phát triển cho vay với những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phục vụ nền kinh tế.

Ông Hùng đề xuất trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ nên mang tính thị trường, NH Nhà nước nên quản lý tăng trưởng tín dụng theo hướng tín dụng toàn nền kinh tế không tăng quá 20%, còn tùy điều kiện từng NH sẽ được xem xét tăng dư nợ theo mức tăng huy động vốn, không nên quy định chặt một mức 20% cho tất cả các NH.

Theo tổng giám đốc một NH lớn, trong điều kiện hiện nay việc linh hoạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng có tác dụng rất lớn trong phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, an sinh xã hội, đặc biệt trong bối cảnh từ tháng 5 mức tăng chỉ số giá tiêu dùng đã chậm lại, Chính phủ cũng đã điều chỉnh mục tiêu lạm phát lên mức 15% cho cả năm 2011. Do vậy, NH Nhà nước nên tạo đầu ra cho các NH có được nguồn vốn dồi dào với giá rẻ, qua đó giảm dần mặt bằng LS cho vay.

Thực tế nhiều NH khác dù được cho phép tăng dư nợ 20% nhưng do không huy động được vốn nên tín dụng giẫm chân tại chỗ.

Ông Trịnh Văn Tuấn, tổng giám đốc NH Phương Đông, cho biết trong năm tháng qua tín dụng NH mới tăng 5%, do vậy thời gian tới NH sẽ điều tiết vốn vào khu vực sản xuất kinh doanh. Mức LS cho vay hiện nay đã giảm dần, dao động từ 20-21%/năm.

Theo một số NH, nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, nông nghiệp nông thôn sẽ được tăng cường từ nguồn thu nợ phi sản xuất. Hiện nay nhiều NH có dư nợ phi sản xuất vượt mức cho phép của NH Nhà nước nhưng tăng dư nợ chung vẫn thấp.

Sẽ giữ nguyên trần lãi suất huy động

Đại diện một số NH cho biết trong buổi họp với các NH trên địa bàn TP.HCM cuối tuần qua, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết trong thời gian tới sẽ giữ nguyên trần LS huy động.

Theo TS Lê Thẩm Dương - trưởng khoa quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, việc NH Nhà nước giữ nguyên trần LS huy động là hợp lý trong bối cảnh hiện nay khi chỉ số giá tiêu dùng đang có xu hướng giảm dần, đồng thời LS cho vay liên NH cũng xoay quanh mức 15%/năm. Đây là điều kiện chín muồi để buộc các NH phải giảm dần LS huy động.

Ngược lại, nếu bỏ trần LS huy động sẽ rất khó kiểm soát vì khi đó các NH sẽ lách luật để đẩy LS cho vay lên cao, kéo theo LS huy động tăng lên.

Theo một chuyên gia kinh tế, đây là biện pháp dung hòa được hai mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng. Trong những tháng đầu năm LS cho vay cao hiện nay có tác dụng kiểm soát mức tăng dư nợ tín dụng, kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tỉ giá. Nhưng lúc này LS nên hạ dần, nếu hạ LS cho vay quá nhanh vô hình trung sẽ khuyến khích người dân, doanh nghiệp vay vốn nhiều hơn, đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng.

Theo các NH, để hạ nhiệt LS trên thị trường cần thêm hỗ trợ từ NH Nhà nước, trong đó có việc điều chỉnh nhịp nhàng mức tăng tổng phương tiện thanh toán, trải đều mức tăng trong năm chứ không nên siết quá chặt như thời gian qua.

Không nên để tỉ giá giảm thêm

Theo các NH, thời gian qua tỉ giá đã diễn biến tích cực, tuy nhiên song hành là tín dụng ngoại tệ tăng khá nóng. Đó là điều đáng lo cho tương lai, đồng thời ảnh hưởng đến nhập siêu. Bên cạnh đó lệch pha giữa huy động và cho vay ngoại tệ sẽ dẫn đến khó khăn cho các NH trong thời gian tới. Do vậy, NH Nhà nước không nên để tỉ giá giảm quá sâu. Hiệp hội NH đã gửi văn bản cho NH Nhà nước để kiến nghị về vấn đề này.

Tỉ giá giao dịch bình quân liên NH ngày 11-6 đã giảm 5 đồng, còn 20.618 đồng/USD - mức thấp nhất kể từ lần điều chỉnh tỉ giá gần nhất là ngày 11-2. So với mức cao nhất ngày 19-4 là 20.733 đồng/USD, tỉ giá giao dịch bình quân liên NH đã giảm 115 đồng/USD.

Theo Ánh Hồng
Tuổi trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG