Theo báo cáo, năm 2011 nền kinh tế Việt Nam đang chứng kiến những bất ổn vĩ mô tiềm tàng, như lạm phát tăng cao, thâm hụt ngân sách lớn, nợ công tiếp tục tích lũy, thâm hụt thương mại chưa được cải thiện … Điều đó cho thấy VN đang đứng trước một “ngã ba đường”. Việt Nam nên chọn đi ngả nào?
Theo TS Nguyễn Đức Thành - Chủ biên Báo cáo thường niên về Tình hình kinh tế Việt Nam năm 2011, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một sự lựa chọn: Tiếp tục mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên tài nguyên, lao động rẻ hay dựa trên cơ sở đổi mới và sáng tạo. Nếu dựa trên cơ sở khai thác tài nguyên, lao động rẻ thì khó có thể thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình thấp và nền kinh tế không thể đạt được hiệu quả cao trong tương lai. Thứ hai, trong điều hành trong chính sách kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục dựa trên biện pháp hành chính hay dựa trên quy luật thị trường.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng việc lạm dụng các biện pháp hành chính để kiểm soát giá và các yếu tố khác trong thời kỳ kinh tế suy thoái và khó khăn sẽ để lại hậu quả lâu dài trong những năm tới. Biểu hiện dễ thấy nhất là sự điều hành giật cục giá những mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu… gây ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống xã hội cũng như kỳ vọng về tương lai kinh tế.
TS Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho hay, chính sách tiền tệ năm 2010 điều hành giật cục, lúc thắt chặt, lúc thả lỏng khiến doanh nghiệp không theo kịp. Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng là sự méo mó, không minh bạch trong hệ thống ngân hàng. Đây là lỗi điều hành chứ không phải thị trường. Chưa bao giờ đạo đức ngân hàng lại xuống thấp đến như vậy.
“Một doanh nghiệp nói với tôi rằng với lãi suất cho vay trên 20% như hiện nay thì họ chỉ còn biết đuổi công nhân ra đường” - TS Nghĩa nói.