Dừng huy động và cho vay vàng: 'Tác động không lớn'

Dừng huy động và cho vay vàng: 'Tác động không lớn'
Ngày 29-4, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 11/2011/TT-NHNN yêu cầu: kể từ ngày 1-5-2011, tổ chức tín dụng chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng.

Ngừng huy động, cho vay bằng vàng từ ngày 1-5

"Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình và can thiệp kịp thời để bình ổn thị trường", Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến nói, khi được đề nghị bình luận về mức độ ảnh hưởng của thông tư này.

Thưa ông, theo Thông tư 22, đến ngày 30-6-2011, tổ chức tín dụng phải tất toán số vàng đã chuyển đổi thành tiền. Vậy kết quả thực hiện đến đâu?

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 22/2010/TT-NHNN quy định về huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng.

Theo đó, tổ chức tín dụng được huy động vốn bằng vàng dưới hình thức phát hành giấy tờ có giá, cho vay vốn bằng vàng để sản xuất (chế tác) và kinh doanh vàng trang sức (không được cho vay để sản xuất và kinh doanh vàng miếng); tổ chức tín dụng không được chuyển đổi vốn bằng vàng thành VND, đối với số vốn bằng vàng đã chuyển đổi thành tiền trước đây phải giảm dần và tất toán chậm nhất là ngày 30-6-2011; không được huy động và cho vay bằng VND bảo đảm giá trị theo giá vàng.

Kết quả đến 31-3-2011, cho vay vốn bằng vàng giảm, vốn huy động bằng vàng vẫn tăng, số dư chuyển đổi vốn huy động bằng vàng thành tiền giảm 14,7%.

Việc thu hẹp cho vay vốn bằng vàng đã góp phần giúp thị trường vàng trong nước từng bước được ổn định như trong tháng 4/2011, khi giá vàng thế giới biến động mạnh, có thời điểm lên đến 1.533 USD/ouce, nhưng giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới khoảng 200.000-500.000 đồng/lượng, không xuất hiện tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng như trước.

Có một số trường hợp không đủ vàng trong kho để tất toán theo Thông tư 22, phải phát hành chứng chỉ ngắn hạn để chi trả thì giải quyết thế nào?

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 84/TB-VPCP ngày 13-4-2011, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư quy định về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng.

Thông tư quy định kể từ ngày 1-5-2011, tổ chức tín dụng chấm dứt cho vay vàng và các nghiệp vụ tài sản có khác bằng vàng; tổ chức tín dụng không được huy động vốn bằng vàng, trừ trường hợp phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng để chi trả vàng theo yêu cầu của khách hàng khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ để chi trả; việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng của tổ chức tín dụng chấm dứt vào ngày 1-5-2012.

Ông đánh giá mức độ ảnh hưởng của Thông tư 11 đối với thị trường tiền tệ và ngoại hối như thế nào?

Kể từ cuối năm 2010 và đầu 2011, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ đều nhất quán và rõ ràng: cần phải thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ thị trường vàng, thu hẹp và đi đến chấm dứt việc huy động và cho vay bằng vàng.

Thực hiện chủ trương này, Ngân hàng Nhà nước đã phổ biến thông tin rộng rãi cho công chúng và đặc biệt là thông báo cho các tổ chức tín dụng để họ chủ động điều chỉnh và thu hẹp các hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng nhằm hạn chế những rủi ro trong kinh doanh.

Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 11 tiếp theo Thông tư 22 trước đó là bước đi tiếp theo để thực hiện chủ trương trên. Mới đây, chúng tôi đã tổ chức họp với 22 tổ chức tín dụng thực hiện huy động và cho vay vốn bằng vàng, họ đều ủng hộ, nhất trí về chủ trương của Đảng và Chính phủ cùng với Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này.

Tuy nhiên, khi thực hiện triệt để chủ trương này sẽ xuất hiện một số khó khăn như doanh nghiệp chế tác vàng chuyển sang vay tiền đồng, các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nguồn vốn huy động bằng VND để bù đắp cho việc giảm vốn huy động bằng vàng, mở rộng thực hiện dịch vụ bảo quản hiện vật quý, cho thuê két sắt để đáp ứng nhu cầu của người dân, cung cầu vàng trong nước có thể biến động do việc chuyển từ gửi vàng sang bán vàng... chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình và can thiệp kịp thời để bình ổn thị trường.

Thông tư này mới chỉ giới hạn giao dịch vàng giữa dân cư và tổ chức tín dụng nhưng số vàng trong dân vẫn còn rất lớn, vậy Thông tư 11 có ngăn được ”vàng hóa” trong dân?

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh thành phố, việc huy động vốn bằng vàng tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Tp.HCM chiếm 75,85% tổng huy động vốn bằng vàng của cả nước và Hà Nội chiếm 11,67%.

Trong số 31 tỉnh, thành phố có tỷ trọng huy động vốn bằng vàng bình quân khoảng 0,5% tổng huy động vốn bằng vàng của cả nước; 30 tỉnh, thành phố không phát sinh nghiệp vụ này. Thực tế này cho thấy tình trạng đầu cơ vàng phần lớn ở Hà Nội và Tp.HCM, còn ở các địa phương khác không nhiều.

Thậm chí, nhiều tỉnh không có nhiều nhu cầu kinh doanh vàng. Do đó, tác động của việc ngừng huy động và cho vay vốn bằng vàng đối với đại đa số người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn là không lớn.

Tất nhiên, đi cùng với các biện pháp này, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng các cơ chế chính sách đồng bộ khác để quản lý thị trường vàng theo hướng tiếp tục bảo đảm quyền hợp pháp của người dân trong việc dự trữ tài sản bằng vàng và có các quy định cụ thể để đảm bảo việc mua bán vàng của người dân đúng pháp luật, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, vừa đem lại sự ổn định và phát triển chung của nền kinh tế.

Theo Nguyễn Hoài
Thời báo Kinh tế Việt Nam

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Tass)
Tổng thống Nga Putin xin lỗi vì vụ rơi máy bay Azerbaijan
TPO - Hôm nay (28/12), Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi lời xin lỗi tới người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev vì vụ việc liên quan đến máy bay AZAL xảy ra trong không phận của Nga và gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn, hãng thông tấn Tass dẫn thông tin từ văn phòng báo chí Điện Kremlin cho biết.
Bộ Công an triệt phá ba đường dây buôn lậu hàng nghìn tấn vàng
Bộ Công an triệt phá ba đường dây buôn lậu hàng nghìn tấn vàng
TPO - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã triển khai công tác nghiệp vụ đấu tranh làm rõ 3 đường dây buôn lậu hàng nghìn tấn vàng, trị giá hàng nghìn tỷ đồng từ Campuchia và Trung Quốc về Việt Nam qua khu vực biên giới các tỉnh Long An, An Giang và Lào Cai, đưa về tiêu thụ tại TP Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trên cả nước.