Lương hụt hơi theo giá
> Giải pháp thời tăng giá
> Vin vào giá xăng, giá thực phẩm tăng chóng mặt
Giá xăng tăng; từ 1-5 tới, tăng lương cơ bản; hệ thống phân phối chưa đủ mạnh để điều tiết thị trường..., những yếu tố này đang được các tiểu thương và nhiều doanh nghiệp tận dụng tối đa để tăng giá hàng hóa.
Dù chợ sỉ dội hàng, rớt giá nhưng giá bó rau, con cá tại chợ lẻ vẫn bị "hét" theo giá xăng dầu. Ảnh: Hoàng Việt. |
Tát giá theo xăng
Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, tại chợ đầu mối hàng về nhiều, sức mua yếu nên hàng dội chợ, giá giảm mạnh. Có hôm đến cuối phiên chợ hàng vẫn còn rất nhiều nên phải đại hạ giá. Nghịch lý là giá các mặt hàng này tại chợ lẻ vẫn rất cao, gấp 3 - 4 lần giá chợ sỉ với lý do "xăng mới tăng giá". Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng trên thực tế chỉ tác động rất nhẹ đến giá thành hàng hóa. Cụ thể, với mức tăng giá xăng vừa qua, chi phí vận chuyển tăng thêm 200.000 đồng/tấn hàng, chia nhỏ ra thì tác động không đáng kể.
Nhưng thực tế thì giá từ trái chanh, ớt, hành, rau ở chợ lẻ hiện nay đều trong tình trạng "tát giá theo xăng". Đơn cử bó rau cải trước đây mua 4.000 - 5.000đ nay lên 7.000đ; 1.500 đ/2 trái chanh thì nay tiểu thương bán 1.000 - 1.500 đ/trái, mấy tép hành cũng tốn 1.000đ... Đặc biệt, các tiểu thương buôn gánh bán bưng không đóng thuế, không tốn các khoản phí, tiền thuê sạp lại hét giá vô tội vạ khiến người tiêu dùng bức xúc.
Chợ hiện vẫn chiếm đến 80% thị trường bán lẻ trong khi hàng hóa chợ lẻ lại rất “nhạy cảm” với tin đồn, với yếu tố tâm lý... nên hiện tượng tăng giá vô tội vạ vẫn luôn xảy ra và rất khó kiểm soát.
Ông Đặng Văn Đức - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết, trong quý 1/2011 đã lập biên bản 360 vụ vi phạm về giá, xử phạt hành chính thu gần 2 tỉ đồng. Hiện công tác kiểm tra đang được tăng cường để kịp thời xử lý vi phạm, ngăn ngừa hiện tượng tăng giá té nước theo mưa.
"Thổi" giá ở khâu trung gian
Theo thống kê của Bộ Công thương, trong quý 1, QLTT cả nước đã xử phạt được 2.164 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá. Con số này khá cao, nhưng chỉ như muối bỏ bể khi trên thực tế, giá bán lẻ đang bị làm loạn bởi nhiều khâu trung gian, bán lẻ hiện nay.
Chị Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó giám đốc lò mổ Minh Hiền (Hà Nội) cho biết, giá heo từ lò mổ cung ra cho tất cả các chợ bán lẻ hiện là 71.000 đ/kg, cộng cả phí vận chuyển (đã tăng từ khi xăng tăng) khoảng 75.000 đ/kg móc hàm (giá trang trại cung cấp cho lò mổ khoảng 56.000 đ/kg hơi). Giá thịt heo từ giữa tháng 3 đến giờ không tăng lên bao nhiêu. Tuy nhiên, tại nhiều chợ như Thành Công, Láng Hạ (Hà Nội), giá thịt lợn thăn hiện được bán tới 115.000 - 120.000 đ/kg, các loại thịt khác cũng có giá từ 90.000 - 95.000 đ/kg, tăng trung bình 10.000 - 15.000 đ/kg so với nửa tháng trước đây.
Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH, giá cả đang leo thang không có cơ sở, bắt nguồn từ chuỗi phân phối lợi nhuận trong quá trình hình thành cung cầu sản phẩm bị lệch lạc. Quyền quyết định giá cả không phải do người làm ra sản phẩm quyết định, mà rơi vào bộ phận phân phối ra thị trường. Vì vậy, phải kiểm soát ngay ở giá thành sản xuất sản phẩm, công bố rộng rãi cho người dân biết. Ví dụ, giá 1 kg heo hơi hiện là bao nhiêu, từ đó tính được cấu thành giá sản phẩm, biết được khâu chế biến giết mổ đem ra thị trường chiếm bao nhiêu, người bán tại chợ nâng giá lên bao nhiêu sẽ biết ngay lợi nhuận đang rơi vào đâu.
Ông Kiên cho rằng, điều tiết cuối cùng là chính sách thuế, yêu cầu người bán phải xuất hóa đơn, tính thuế trực tiếp với người bán. Nhưng để làm được điều này cần phải thay đổi cả tư duy xác định hóa đơn thuế và tính thuế.
Tăng giá theo... lương
Từ 1-5 tới, mức lương tối thiểu khối cơ quan nhà nước sẽ tăng lên 830.000 đ/tháng. Quyết định tăng lương đã có kế hoạch và theo lộ trình nhưng nhiều lo ngại cho rằng, lần điều chỉnh này cũng sẽ bị tận dụng để “kích” giá tăng lên do hiệu ứng tâm lý tăng giá dây chuyền, tát nước theo mưa hiện nay.
Nhận xét về việc này, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, quyết định tăng lương (đã dự kiến đến việc tăng giá) là để tăng thu nhập cho công chức đủ sống. Việc tăng lương không tạo ra động lực lập mặt bằng giá mới, vì trên thực tế, không tạo ra lượng cung tiền mới. Vấn đề ở chỗ các khâu tổ chức thương mại hiện nay không tốt, khiến tiểu thương có thể lợi dụng yếu tố tăng lương để tăng giá.
Bất cập của việc khó kiểm soát giá cả thị trường hiện nay, theo ông Kiên một mặt là do không có các DN vươn lên làm chủ thị trường bán lẻ ngoài mô hình thành công khá đơn lẻ của Saigon Co.op mart và mới đây là Hapro mart. Mặt khác, người tiêu dùng vẫn giữ thói quen thích chợ cóc thay vì mua sắm tập trung tại các hệ thống siêu thị. “Không nhà nước nào tổ chức đủ bộ máy để kiểm soát hết các chợ mà phải thông qua các nhà phân phối lớn để điều tiết. Nhưng hiện nay chúng ta không có các DN đủ lớn để điều tiết thị trường".
Khẳng định tăng lương không ảnh hưởng tới việc tăng giá vì không tác động đầu vào như xăng dầu, điện nhưng theo ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), để tránh phản ứng tăng giá dây chuyền, cùng với việc siết chặt quản lý thì bình ổn lòng tin của người tiêu dùng rất quan trọng. Thời gian tới, việc kiểm tra, kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu sẽ được đẩy mạnh cùng công tác bình ổn giá cả thị trường từ chợ đầu mối về chợ bán lẻ.
Về lâu dài, để kiểm soát giá hiệu quả, theo ông An, cần hướng về các trung tâm phân phối hiện đại có tiêu chuẩn và quản lý được, xóa dần các chợ cóc. Các chợ đầu mối cũng cần phát triển theo hướng hiện đại, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo thành kênh phân phối hiệu quả hơn, và để làm được điều này, cần sự hỗ trợ rất nhiều từ ngân sách các địa phương.
Theo M.Hà - H.VIệt - T.Quý
Thanh Niên