Giá thực phẩm tăng cao khiến nhiều bà nội trợ phải cân nhắc, tính toán trong từng bữa ăn. Ảnh: Trần Việt (TTXVN). |
Người bán thịt lợn tại chợ Thành Công cũng báo giá thịt nạc thăn là 120.000 đồng/kg, thịt mông, vai là 110.000 đồng/kg, sườn thăn 110.000 đồng/kg. Ngay cả ba chỉ, trước đó chỉ khoảng 90.000 đồng/kg, cũng đã tăng lên 100.000 đồng/kg.
Nhiều gia đình thu nhập thấp ở Hà Nội đang phải thắt chặt chi tiêu trước sự biến động giá này.
“Đục nước béo cò”
Không chỉ có chợ Thành Công mà nhiều chợ khác tại Hà Nội, giá thực phẩm cũng tăng chóng mặt.
Tại chợ Đồng Tâm, khu chợ vốn được coi là “giá cả phải chăng” so với nhiều chợ khác trên địa bàn thành phố cũng được đà "ăn theo" theo giá xăng. Giá thịt gà tại chợ lớn hay chợ tạm hiện nay đều tăng lên đáng kể, dao động 70.000 đến 75.000 đồng/kg với gà công nghiệp, gà ta 100.000 đến 110.000 đồng/kg, gà ta mổ phổ biến 140.000 đồng/kg.
Tăng mạnh nhất có lẽ là thịt bò, tôm. Sau Tết, giá thịt bò thăn loại ngon ở mức 160.000 đồng/kg nhưng thời điểm này ở hầu hết các chợ Gia Lâm, Thành Công, Cầu Giấy, giá bán đều phổ biến ở mức 190.000-200.000 đồng/kg. Giá tôm sú trước là 280.000 đồng, giờ lên 350.000 đồng/kg; cá trắm cỏ hiện là 100.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg so với trước…
Ngay cả những hàng bán hàng rong, vốn được nhiều bà nội trợ yêu thích vì giá rẻ, cũng bắt đầu nâng giá. Chị Cảnh, một người thường xuyên đi chợ tạm tại phường Bồ Đề, Long Biên than thở: “Vừa hôm trước tôi mua mớ rau cải canh 3.000 đồng, hôm nay đã tăng lên 4.000 đồng một mớ, đậu phụ cũng phải 2.500 đồng một miếng. Tôi hỏi người bán hàng thì họ lại ca điệp khúc muôn thuở 'xăng tăng cái gì chả tăng.' Trong một tháng giá cả nhảy nhót đến mấy lần, đi chợ mà phát bực, cứ như gặp phải cướp ngày ấy.”
Nhiều bà nội trợ còn cho biết, trong cùng một chợ nhưng nếu mình vào bên trong chợ mua thì bao giờ giá cũng cao hơn so với các chợ tạm từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Theo giải thích của các bà là do các tiểu thương trong chợ phải mất phí thuê mặt bằng và một số chi phí khác nên bao giờ giá cũng cao hơn. Chính vì vậy, các chợ tạm thường đông khách và hết hàng sớm hơn.
Nguyên nhân giá thực phẩm, rau củ tăng được nhiều người bán hàng cho rằng, hiện giá xăng đã tăng lên đến 21.300 đồng. Như vậy, mỗi lần vận chuyển thực phẩm về các chợ cả đi và về lên đến 60-70 km nên tiền xăng cũng tăng thêm vài chục ngàn.
Chị Nguyễn Thị Vĩ, bán thịt lợn tại chợ Thái Hà cho hay, sau khi xăng tăng giá, người giao hàng cho chị cũng tăng giá vận chuyển từ 20.000 đồng lên 25.000 đồng mỗi lượt cho quãng đường khoảng 5km.
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Văn Đoàn, chủ trang trại nuôi lợn ở Hà Nam cho rằng, giá xăng tăng đương nhiên có tác động đến vận chuyển lợn từ trang trại về lò mổ, rồi từ lò mổ đến chợ, nhưng không làm tăng giá bán ra cao như hiện nay.
Theo tính toán của anh Đoàn, mỗi con lợn khoảng 70-80kg được tiểu thương mua về, "pha" ra các loại thăn, mông, ba chỉ... nếu bán 'đổ đống' 90.000 đồng/kg, thì người bán vẫn có lãi, vì giá nội tạng và các loại thịt 'xấu' như thủ, chân giò, tai... được bán ra cũng cao gần bằng so với các loại thịt ngon nên việc bù lỗ gần như không có. Còn bán với giá như hiện nay thì tiểu thương lãi khá nhiều.
Anh Đoàn cho rằng, tiểu thương tại nhiều chợ đang "vin" vào xăng để đẩy giá thịt lên cao.
Các gia đình thắt chặt hầu bao
Với việc giá của nhiều loại mặt hàng tăng quá cao, nhiều gia đình đã phải thắt chặt hầu bao, gồng mình chống chọi với hàng chục thứ phải chi tiêu hàng ngày. Cắt giảm chi tiêu, loại bỏ bớt các khoản không cần thiết, mua bán tiết kiệm, hoặc chuyển sang các mặt hàng có giá rẻ hơn… đó chính là những giải pháp để giúp cho các gia đình vượt qua thời kỳ giá cả tăng cao như hiện nay.
Thu nhập của vợ chồng chị Trần Thị Thủy ở Hoàng Mai được 11 triệu đồng/tháng, nhưng anh chị đang trong thời gian nuôi con nhỏ nên hàng tháng vẫn phải dành một khoản mua sữa, rồi tiền thuê nhà, thuê người giúp việc, tiền học mẫu giáo cho cu lớn… nên tháng nào cũng gần như hết nhẵn. Chính vì vậy, những bữa ăn trong gia đình cũng được chị tính toán một cách chi li.
Trước đây chị thường mua cá trắm về kho với thịt ba chỉ nhưng hiện nay loại cá này giá rất cao, chị chuyển sang mua cá diếc, rẻ hơn rất nhiều, còn thức ăn tươi thì cũng được rút ngắn từ 4 lạng thịt xuống còn 3. Chị cười cho biết, mình phải tính như vậy, vừa đảm bảo đủ chất cho gia đình, vừa tiết kiệm được chi phí.
Đối với chị Trần Thị Hải ở Minh Khai giờ đã bỏ được thói quen chiều đi làm về tiện là đi chợ luôn vì mua thức ăn buổi chiều thường không tươi mà giá lại cao hơn nhiều so với buổi sáng.
Còn anh Nguyễn Văn Nam công tác tại một viện nghiên cứu cho biết, nhiều lúc anh thấy bất lực vì không thể kiếm được nhiều tiền hơn, chỉ quanh 5-6 triệu đồng/tháng. “Tôi thực sự cảm thấy lo lắng và hoang mang vì giá cả cứ tăng vù vù như thế này, trong khi lương công chức tăng chẳng được bao nhiêu. Lo giá xăng một thì lo những chi phí khác mười. Mỗi lần xăng tăng giá kéo theo tất cả mặt hàng khác cũng tăng giá theo,” anh Nam ngao ngán.
Trong khi đó, chị Đỗ Hải Yến làm tại Công ty tư nhân Nam Hải giật mình khi đọc báo thấy bắt đầu từ 1/4, giá một bình gas 12kg sẽ tăng thêm 19.000 đồng/bình. Như vậy, mỗi bình sẽ dao động trong khoảng 350.000 - 355.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
“Không hiểu tôi sẽ phải thắt chặt chi tiêu kiểu gì nữa bây giờ, chắc lại phải quay về cách đây 10 năm trước. Trước đây đời sống đã khó giờ lại khó khăn gấp bội phần,” chị Yến than thở.
Kết hợp với việc giảm tải bão giá bằng cách hạn chế những chi phí không cần thiết, nhiều người đã bỏ thói quen ra ngoài ăn sáng, tự nấu ăn ở nhà, rồi những bữa ăn hàng, ăn quán cũng được nhiều gia đình triệt tiêu hẳn. Thay đó là tự tổ chức những bữa cơm gia đình, vừa ấm cúng, mà cũng thú vị chẳng kém.
Ngoài việc tự mình tiết kiệm, suy nghĩ cách chống chọi với bão giá, các bà vợ thường nhắc nhở chồng con về kinh tế và việc tiết kiệm hơn trong chi tiêu.
Nhiều bà nội trợ đùa vui, nhờ bão giá mà các ông chồng ít nhậu nhẹt với bạn bè, cuộc sống vợ chồng cũng đầm ấm hơn hẳn.
Theo Minh Thúy
Vietnam+