Chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước
Tín dụng nhỏ, hiệu quả lớn
TP - Số tiền không lớn, 5 – 10 triệu đồng cho một người vay, đã giúp nhiều người chạy xe lôi, xe ba gác chuyển đổi nghề thành công, ổn định được cuộc sống gia đình.
Ông Nguyễn Văn Thi ở khu vực 6, phường Bình Thủy (Bình Thủy, Cần Thơ), sau hơn 20 năm chạy xe lôi nuôi cả nhà, được vay 10 triệu đồng chuyển đổi nghề. Ông mở tiệm rửa và sửa xe, bán phụ tùng xe máy nhỏ bên cạnh quán cà phê của vợ, mỗi ngày thu nhập khoảng 100.000 đồng. “Có thức khuya dậy sớm nhưng không còn phải chạy suốt ngày ngoài đường, tôi thấy phù hợp với tuổi 55 của tôi, cuộc sống ổn định hơn hồi chạy xe lôi”, ông nói.
Vừa chuyển hàng lên xe, ông Nguyễn Văn Ri ở khu vực 4, phường An Lạc (Ninh Kiều, Cần Thơ), vừa vui vẻ kể: “Sau khi rời xe lôi, được hỗ trợ 1,5 triệu đồng, rồi tiếp tục được xét vay 10 triệu đồng ở Ngân hàng Chính sách Xã hội, cùng số tiền tích góp tôi mua chiếc xe tải nhỏ để chở hàng. Nay cuộc sống gia đình tôi có phần khấm khá hơn nhờ chở hàng hóa được nhiều, thu nhập cao hơn. Trả xong tiền vay đợt này, tôi tính vay thêm để đổi xe tải lớn hơn một chút”.
Một người có cuộc sống ổn định khi chuyển nghề bỏ mối nước đá. Ảnh: Sáu Nghệ |
Chị Lê Thị Anh Thư ngụ phường An Lạc (Ninh Kiều, Cần Thơ), chia sẻ: “Nhà khó khăn lắm vì cuộc sống của gia đình phụ thuộc vào tiền chạy xe lôi của anh Thuận chồng tôi. Nhưng khi xe lôi bị cấm, anh Thuận được hỗ trợ, còn được xét cho vay 10 triệu đồng. Vậy là anh Thuận sắm chiếc xe máy chạy xe ôm, tôi thì nhận giữ trẻ để phụ giúp anh. Giờ thu nhập 2 vợ chồng ổn định, chăm lo được cho các con ăn học”. Cùng cảnh ngộ, anh Đinh Kim Đoàn ngụ phường An Lạc, vay vốn mua xe để chạy xe ôm, có tiền lo con gái học đại học.
Việc cấm xe lôi, xe ba gác bắt đầu triển khai năm 2007, đến năm 2008 tiến hành hỗ trợ và năm 2010 xét cho vay từ ngân hàng chính sách xã hội để những người chạy xe lối, ga gác chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Thuận, Tổ trưởng Tổ vay vốn ngân hàng thuộc Hội LHPN phường An Lạc, cho biết: “Từ năm 2009 đến nay, toàn phường có 60 xã viên chạy xe lôi, xe ba gác được xét vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội. Thủ tục vay đơn giản, chỉ cần các xã viên xe lôi, xe ba gác có đăng ký, đăng kiểm hợp pháp được nhà nước hỗ trợ thì xét vay. Nhờ số tiền vay mà các xã viên ai cũng tích cực làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Hàng tháng tôi tổ chức họp để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các xã viên, xem họ có gặp khó khăn gì và việc sử dụng đồng vốn vay có đúng mục đích không. Nhờ vậy, các xã viên đóng lãi và tiền gốc rất đúng kỳ hạn”.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội TP Cần Thơ đã phát vay hơn 2,7 tỷ đồng cho 277 người chạy xe lôi, ba gác chuyển nghề. Các quận phát vay cao là Ninh Kiều cho 233 người vay 2,3 tỷ đồng; Bình Thủy 34 người vay 340 triệu đồng. Ngoài các chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các xã viên xe lôi, xe ba gác theo quyết định của Chính phủ, TP Cần Thơ còn có chính sách cho vay từ nguồn vốn của ngân sách địa phương. Mức cho vay từ 5 đến 10 triệu đồng, thời hạn cho vay tối đa là 36 tháng, lãi suất 0,65%/tháng. Những người mua xe ô tô còn được đào tạo nghề lái xe hạng B2 miễn phí.
Hầu hết những người vay vốn đã mở các cơ sở dịch vụ nhỏ như sửa xe, rửa xe, mua bán nhỏ, ương cá giống, chạy xe ôm, mỗi người mỗi hoàn cảnh nên việc chuyển đổi nghề rất linh hoạt và được sự giúp đỡ chính quyền địa phương nên thành công. Hàng trăm người chạy xe lôi, ba gác khi chuyển đổi nghề thành công, góp phần mở mang các hoạt động dịch vụ, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Các ngành chức năng ở TP Cần Thơ đang tiếp tục xem xét nguyện vọng của từng người để xét cho vay ưu đãi khi đáo hạn, giúp họ mở rộng, phát triển ngành nghề lâu dài, ổn định cuộc sống một cách căn cơ hơn.