Theo thông tin từ Sài Gòn Petro, giá gas bán lẻ của hãng này được điều chỉnh tăng 416 đồng/kg, tương đương 5.000 đồng bình 12 kg, lên mức 348.000 đồng/bình 12kg. Giá gas loại bình 12kg của Công ty cổ phần năng lượng Đại Việt áp dụng từ ngày 1-4 ở mức 344.000 đồng trong khi giá gas của Công ty MT Gas cũng được điều chỉnh với mức tương tự.
Riêng loại bình 45 kg tăng thêm 18.500 đồng, lên mức 1,15 triệu đồng/bình 45 kg. Các hãng gas khác như Vina gas, SP gas, Gia Đình gas cũng thông báo mức giá bán lẻ điều chỉnh ở mức 348.000 đồng – 349.000 đồng/bình 12 kg.
Theo giải thích của các hãng gas, giá gas thế giới tăng 42,5 USD so với đầu tháng 3, đạt 882,5 USD một tấn. Việc nhà máy Dung Quất tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng khiến nguồn cung hàng bị thiếu trong khi chi phí vận chuyển tăng cao.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho biết, từ 1-4, nhiều doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đã tăng giá bán, mức tăng 150.000 - 200.000 đồng/tấn. Cty Xi măng Hải Phòng đã tăng giá bán thêm 150.000 đồng một tấn. Giá xi măng giao tại nhà máy của Hà Tiên 1 giữ ở mức 1,56 triệu đồng/tấn trong khi giá xi măng rời chưa đóng bao tăng thêm 120.000 đồng/tấn, lên 1,48 triệu đồng/tấn.
Giá xi măng Nghi Sơn 1,57 triệu đồng/tấn, Fico khoảng 1,5 triệu đồng/tấn. Với chi phí năng lượng chiếm tới 45 - 50% giá thành, việc giá điện, xăng dầu tăng thời gian qua làm cho giá thành xi măng tăng thêm 10 - 15%.
* Từ ngày 1-4, nhiều Cty sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong cả nước tăng giá bán lên 2-3%. Ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc Cty Thái Dương cho biết, Cty tăng giá các loại TĂCN từ 100 đến 200 đồng/kg, Cùng ngày, Cty Cổ phần Thanh Bình cũng tăng giá TĂCN từ 160 đến 200 đồng/kg, tương đương 2%, tùy loại.
Cty Chăn nuôi CP Việt Nam (mỗi năm bán ra thị trường khoảng 100.000 tấn TĂCN) cũng đang lên kế hoạch tăng giá cho đợt mới. Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Cty, cho biết, do giá nguyên liệu đầu vào tăng, nên từ đầu năm tới nay, Cty đã tăng giá 5-6 lần, mỗi lần tăng 2-3%. Lần điều chỉnh tới, dự kiến vào giữa tháng 4.
Theo Hiệp hội TĂCN Việt Nam, hiện mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 55-60% nguyên liệu TĂCN. Ngoài chịu tác động của giá nguyên liệu, nhất là giá ngô tăng cao, các nhà sản xuất TĂCN còn đối mặt giá xăng, điện, nhân công, lãi suất tăng cao, nên mức tăng 2-3%/lần là chuyện bình thường, họ nói.