“Đầu tư cho những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sự phát triển của con người liên tục giảm những năm qua”, TS Tô Trung Thành (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) nói.
Theo TS Thành, tỷ trọng vốn đầu tư Nhà nước cho các ngành khoa học, giáo dục và đào tạo, y tế và cứu trợ xã hội, văn hóa, thể thao, phục vụ cá nhân và cộng đồng giảm từ 17% năm 2000 xuống còn 15,2% năm 2009. Trong khi đó, đầu tư cho các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế luôn chiếm trên 73% vốn đầu tư Nhà nước.
Nhiều đại biểu cho rằng, đầu tư công lớn, lấn át tư nhân, hiệu quả thấp dẫn tới tăng lạm phát. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế T.Ư, nói, 5 năm qua, lạm phát tăng gần 60% trong khi GDP tăng chỉ 35,1% và “việc phân bổ lợi ích có xu hướng tập trung cho nhóm người giàu và đầu cơ” nên “thu nhập thực tế và mức sống của người dân, nhất là tầng lớp nghèo bị giảm sút rất mạnh”.
TS Thiên cho rằng, từ 2006 đến 2010, các giải pháp thực thi “chủ yếu mang tính ngắn hạn, tình thế, nặng về hành chính, chưa tập trung xử lý các vấn đề cơ bản (cơ cấu, hiệu quả và sức cạnh tranh)”. Kết cục, giúp nền kinh tế qua cơn nguy kịch nhưng không bền vững, lại “hao tốn nguồn lực quốc gia rất lớn”.
Một số đại biểu cho rằng, Nhà nước nên tập trung cho ổn định vĩ mô, chống lạm phát; giảm đầu tư công, nhất là đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước”.