Bị ép làm… giám đốc
Để được bán mấy bó rau, vài kg thịt, mớ tôm, cá,... rất nhiều tiểu thương phải “nâng cấp” làm giám đốc doanh nghiệp. Tại “trụ sở công ty”, vị giám đốc ngồi bán hàng cho khách phải kỳ kèo từng đồng.
DNTN mọc lên như nấm trên con đường TTH02, quận 12, TP HCM. Ảnh: Đình Sơn. |
Điều khiến các giám đốc bất đắc dĩ đau đầu nhất là khi trở thành doanh nghiệp, ngoài các khoản thuế, còn bị buộc phải tuyển dụng kế toán để báo cáo thu, chi,... dù mỗi ngày thu nhập có khi chỉ vài chục nghìn đồng.
Con đường doanh nghi
Luật sư Nguyễn Văn Trường, Trưởng văn phòng luật sư Trường, cho biết: Theo quyết định 79 sửa đổi quyết định 64 của UBND TP HCM, người dân khi buôn bán nhóm những mặt hàng có nguy cơ cao, như: rau củ quả, thịt gia súc gia cầm, cá… chỉ cần đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và được cấp phép là có thể “vô tư” buôn bán. Trường hợp những hộ gia đình đang kinh doanh nông sản, thực phẩm trên bị “ngược đãi”, thì UBND quận 12 đã làm không đúng quy định trong việc buộc các hộ dân không được kinh doanh các mặt hàng nông sản thực phẩm. Một điều quan trọng là con đường trên không nằm trong danh sách các tuyến đường mà UBND thành phố cấm buôn bán các mặt hàng trên. Do đó, UBND quận 12 không cấp giấy phép kinh doanh là sai quy định. |
Tại đường TTH 02, quận 12, TP HCM, điều lạ đập vào mắt người đi đường là hầu như nhà nào cũng treo bảng “Doanh nghiệp tư nhân” (DNTN), mặc dù mặt hàng buôn bán chỉ là rau, cá hay thịt heo
Đường TTH02 được người dân ở đây gọi bằng tên “con đường doanh nghiệp”, bởi phần lớn người dân ở sống bằng kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ đều đã được cấp chứng nhận thành lập DNTN. Rảo một vòng quanh con đường này, chúng tôi đếm sơ sơ khoảng 20 DNTT, trong đó có nhiều doanh nghiệp, mặt hàng kinh doanh chỉ lèo tèo vài bó rau muống, mấy cọng hành…
Anh Nguyễn Thanh Sang, Giám đốc DNTN Hùng Cẩm, bán lẻ rau quả tươi, thịt, các sản phẩm từ thịt gia súc gia cầm, với vốn đầu tư 50 triệu đồng, cho biết gần như tất cả những người buôn bán nhỏ lẻ ở khu vực này đều là giám đốc doanh nghiệp. Mang danh là giám đốc nhưng “sếp” vẫn phải sắn tay áo vào chặt thịt, nhặt rau, làm cá,… vì vừa là giám đốc, cũng vừa là nhân viên.
Từ ngày bị “nâng cấp” lên doanh nghiệp, những hộ dân ở đây bắt đầu “bận rộn” với đủ các khoản thuế: thuế môn bài, doanh nghiệp, lệ phí quản lý hành chính... Ngoài ra, cộng thêm tiền thuê mặt bằng, tiền chi tiêu… tăng cao, khiến công việc kinh doanh của các doanh nghiệp hết sức khó khăn hơn.
Cũng trường hợp này là khu chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), hiện những tiểu thương bán những mặt hàng như: rau củ quả, thịt gia súc gia cầm tươi sống… cũng đều đã đăng ký thành lập doanh nghiệp. Chị Thanh Tâm, giám đốc một doanh nghiệp bán đồ hải sản ở đây cho biết, mang danh là DNTN, nhưng mỗi ngày chị chỉ bán vài rổ ốc, nghêu, hến (khoảng 30kg).
Mang tiếng doanh nghiệp, nhưng "giám đốc" chỉ kinh doanh bán lẻ thịt gà, thịt heo và ít rau quả. Ảnh: Đình Sơn.. |
Cười ra nước mắt
Sở dĩ có chuyện oái ăm trên, theo chị Loan, chủ một doanh nghiệp tại quận 12, hơn một năm nay quận có chủ trương dẹp buôn bán tự phát, lấn chiếm lòng lề đường. Tuy nhiên, những người có nhà ở mặt tiền đường TTH02 đưa hàng vào nhà bán cũng bị đô thị… hốt.
Khi người dân phản ứng thì chính quyền cho biết, muốn buôn bán thì phải xin giấy phép kinh doanh. Song khi họ xin giấy phép kinh doanh hộ cá thể, thì phường, quận không cấp. Điều này buộc họ phải chạy lên tận Sở KH-ĐT xin cấp phép thành lập doanh nghiệp.
Điều đáng nói là dù đã nâng cấp lên DNTT, hằng ngày, hằng tháng làm nghĩa vụ thuế đầy đủ, nhưng các “giám đốc” ở đây vẫn phải kinh doanh lén lút. Bởi theo UBND quận 12, quận đã quy hoạch con đường này không buôn bán những mặt hàng “nhạy cảm” như: rau, củ, quả, gia súc, gia cầm, thủy sản…
Hằng ngày, chính quyền địa phương cho lực lượng kiểm tra liên tục những hộ kinh doanh mặt hàng này, và buộc người dân phải dọn đi nơi khác. Còn chị Nguyễn Thị Tuyết Vân, chủ doanh nghiệp bán trái cây kể, mang danh giám đốc mà vợ chồng chị phải vừa bán vừa… chạy, nên thu nhập giảm đến 70%.
Báo Đất Việt