Ngân hàng chỉ đổi tiền lẻ cho khách VIP?
Dịch vụ đổi tiền lẻ năm nay còn nở rộ trên các trang quảng cáo, rao vặt với mức phí tối đa lên tới 45%. Tuy nhiên, nhiều người vẫn phải “cắn răng” chấp nhận vì việc đổi tiền lẻ tại các ngân hàng là điều không thể nếu không phải khách VIP hoặc không có người quen.
Giá giao dịch tiền lẻ ngoài chợ đen rất cao. Ảnh: Internet |
“Chợ đen" chặt chém tơi bời
Những con phố Đinh Tiên Hoàng, Đinh Lễ, Nguyễn Xí… và xung quanh nhiều đền chùa ở Hà Nội vẫn luôn nổi tiếng với dịch vụ đổi tiền lẻ dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay dịch vụ này còn phát triển khá mạnh trên mạng, các trang rao vặt, quảng cáo.
Đáng chú ý, có một mẩu tin vừa đăng ngày 5.1.2011, trong đó chủ nhân của mẩu tin để lại địa chỉ email là trungnghia.vib@gmail.com và trungnghiaVIB@yahoo.com cùng số điện thoại 0904.400.2xx. Khi nhìn địa chỉ email này, không ít người thắc mắc liệu có phải đây là nhân viên của 1 ngân hàng? Tuy nhiên khi chúng tôi liên hệ với số điện thoại này để hỏi thì người này không tiết lộ thông tin về nghề nghiệp của bản thân.
Mẩu tin quảng cáo với mức phí đổi tiền lẻ tối đa lên tới 45%. |
Mức phí đổi được đưa ra cao ngất ngưởng, cụ thể loại 200 đồng mới mức phí lên tới 45%, tờ 500 đồng mới là 25%, 1.000 đồng mới là 12%, 2.000 đồng mới là 12%. Các loại tiền mệnh giá từ 5.000 đến 100.000 chịu mức phí từ 1 đến 9%. Còn các loại tiền cũ chịu mức phí thấp hơn phí đối với tiền mới khoảng 2 đến 10%.
Không chỉ đổi tiền lẻ mà cả USD cũng được rao bán khá rầm rộ với mức giá lên tới 25.000 đồng/tờ mệnh giá 1 USD, 49.000 hoặc 50.000 đồng/tờ mệnh giá 2USD. Trên một trang rao vặt, chủ nhân của mẩu tin quảng cáo nghe khá hấp dẫn: “Hiện tại www.doitien... có nguồn hàng tiền 2 USD hơn 10.000 tờ năm 2003 còn mới chưa qua sử dụng và hơn 1.000 tờ tiền năm 1976, 1963, 1953, 1928, 1917. Ai có nhu cầu… xin vui lòng liên hệ:…”
Ở khu vực phố Đinh Tiên Hoàng, Đinh Lễ… tỷ giá đổi tiền lẻ cũng được dân buôn tại đây “niêm yết” mức giá khá cao. Đối với loại tiền mệnh giá từ 5.000 đến 20.000đ thì tỷ giá là 10 ăn 8 (mức phí tương đương khoảng 20%), còn các loại có mệnh giá nhỏ hơn thì tỷ giá là 10 ăn 7 (mức phí tương đương khoảng 30%).
Thắc mắc vì tỷ giá hơi đắt quá, một người phụ nữ hành nghề buôn tiền ngay đầu phố Đinh Lễ giới thiệu: “Tiền của chị là tiền lấy trong ngân hàng ra nên mới toanh, seri theo thứ tự chứ không phải tiền cũ nát như ở cổng chùa vẫn đổi đâu. Em mà không đổi nhanh thì mấy hôm nữa lại phải chịu giá cao hơn nữa đấy, năm nào chả thế.” Chị này cũng khẳng định, muốn đổi bao nhiêu tiền đều được.
Vừa nói, chị này vừa móc từ chiếc túi đeo cạnh sườn ra tập tiền 1.000 đồng mới toanh, còn nguyên niêm phong của ngân hàng và thơm mùi tiền mới. Tuy nhiên, khi người đổi từ chối đổi vì mức giá quá cao thì lập tức các con buôn trở mặt, quay ra chửi bới bằng ngôn ngữ khiếm nhã.
Trên mạng, các dịch vụ đổi tiền lẻ được quảng cáo khá rầm rộ. |
Đổi tiền lẻ ở ngân hàng – chỉ có khách VIP
Mặc dù mức giá trên thị trường chợ đen khá “chát” nhưng nhiều người vẫn phải chấp nhận bởi việc đổi tiền ở các ngân hàng là rất khó khăn.
Việc đổi tiền lẻ ở các ngân hàng lại rất khó khăn khiến nhiều người phải chấp nhận mức giá “cắt cổ” trên thị trường “chợ đen”. |
Chị Phan Thu Hương, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội mặc dù có sử dụng dịch vụ của Ngân hàng Vietcombank nhưng cũng không dễ gì thuyết phục nhân viên ở phòng giao dịch của ngân hàng này đổi cho 2 triệu tiền lẻ. Vừa nghe nói đến việc đổi tiền, nhân viên ở đây đã từ chối khéo: “Chị ơi, hiện giờ bọn em cũng còn chưa đổi được đồng nào vì chỉ có các sếp của bọn em mới có chỉ tiêu đổi tiền lẻ thôi, nên mong chị thông cảm ra ngoài đổi giúp em nhé”.
Đề cập vấn đề đổi tiền lẻ, nhân viên chi nhánh 1 ngân hàn trên phố Cầu Giấy cũng trả lời thẳng thắn: “Khách thường không đổi được tiền lẻ đâu chị ạ, chỉ có khách VIP hoặc phải có người quen mới thể đổi được”.
Ở nhiều ngân hàng khác, khách hàng cũng không dễ dàng gì có thể đổi được tiền lẻ trước dịp tết Nguyên đán. Bởi theo các ngân hàng thì số lượng tiền có hạn nên chỉ đủ để phục vụ lượng khách VIP và các nhân viên.
Một số chi nhánh các ngân hàng lại dùng việc đổi tiền lẻ để thu hút khách gửi tiền tiết kiệm. Đề cập tới vấn đề đổi tiền, nhân viên một chi nhánh của Ngân hàng SeABank trả lời: “Bọn em giờ không có tiền lẻ đổi cho khách vãng lai đâu nhưng hiện có chính sách đổi tiền lẻ cho những khách hàng gửi tiền tiết kiệm, gửi nhiều thì đổi càng được nhiều chị ạ”.
Một nhân viên giao dịch của ngân hàng Techcombank thú thực: “Hầu như khách nào đến giao dịch cũng đề cập vấn đề đổi tiền lẻ nhưng nếu khách nào cũng đổi thì bọn em không đủ đáp ứng. Do đó, chỉ ưu tiên đặc biệt cho những khách VIP và phân bổ cho nhân viên là đã hết quỹ tiền lẻ rồi”.
Theo Ngọc Tuyên
Lao Động Online