Ông Nguyễn Hữu Dũng và ông Mark Powell (bên phải) tại buổi ký bản ghi nhớ . |
Đề nghị dùng tiêu chuẩn của WWF
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Bản ghi nhớ được ký giữa VASEP, Hội Nghề cá Việt Nam và WWF quốc tế, WWF Việt Nam, với sự chứng kiến của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT).
Bản ghi nhớ nói rõ, WWF phải có trách nhiệm thông báo với công chúng biết cá tra Việt Nam được đưa ra khỏi danh mục đỏ và trong Hướng dẫn tiêu dùng mới của WWF, cá tra được đặt vào danh mục mới là “Hướng tới đạt chứng chỉ”.
Danh mục mới nói rõ WWF tiếp tục khuyến khích người tiêu dùng nên mua cá tra của Việt Nam. WWF phải yêu cầu tất cả các văn phòng của WWF trên thế giới có liên quan đến thủy sản, tiến hành hoạt động thông báo cho những người mua thủy sản biết về sự thay đổi từ danh mục đỏ sang danh mục mới.
Thứ nữa, bất cứ nhà sản xuất nào của Việt Nam đạt chứng nhận của ACS sẽ chuyển cá tra sang danh mục xanh. WWF cho hay, họ sẽ làm ngay việc thông báo trên, còn việc làm tài liệu, tờ rơi mới sẽ làm trong thời gian sớm nhất có thể.
Theo ông Dũng, trong bản ghi nhớ, hai bên đồng ý hợp tác lâu dài, trước hết là giai đoạn 5 năm tới để đưa cá tra lên mức phát triển bền vững toàn cầu. Tuy nhiên, trước hết là giai đoạn khởi động trong vòng sáu 6 tháng, bắt đầu từ năm 2011.
Giai đoạn này, WWF giúp các nhà sản xuất Việt Nam hiểu được nội dung, phương pháp đánh giá, cấp chứng nhận của WWF về tiêu chuẩn ASC qua các hội thảo, tập huấn cho người nuôi, chế biến…
Tiếp đó, đến hết năm 2012, phấn đấu đạt 25% cá tra xuất khẩu được chứng nhận được các tiêu chuẩn hướng dẫn của các tổ chức quốc tế, trong đó có 10% của ASC. Hết năm 2014, con số tương ứng là 75% và 30%; và đến năm 2015 là 100% và 50%.
Về chứng chỉ ASC, theo ông Dũng, việc đánh giá, cấp chứng chỉ là do một bên thứ ba, chuyên nghiệp, độc lập tiến hành. Hiện ASC chưa hoàn thiện được quy trình chứng nhận, nên chưa nói đến giá. WWF cũng hứa tìm mọi nguồn tài trợ, để ít nhất là năm đầu tiên chúng ta không phải mất phí chứng chỉ.
Ông Dũng nói: “WWF muốn ta cùng với họ mở rộng thị trường và để được như thế cần đạt được loại chứng chỉ này, và mình làm theo cái đó. Nếu WWF tạo ra được thị trường, nhóm khách hàng có yêu cầu về tiêu chuẩn đó, trả giá cao hơn, để mình làm, thì tại sao mình không làm”.
Nhập gia tùy tục
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tử Cương, Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, cần phải phân biệt rõ giữa luật và lệ. Các tiêu chuẩn (như Global GAP, SFQ 100 CM, ASC…), chẳng qua là quy định của hệ thống bán lẻ, của các nhà nhập khẩu, tổ chức phi chính phủ, xã hội nghề nghiệp nào đó và cái này gọi là lệ.
Luật đương nhiên phải chấp hành, chứ còn những cái gọi là lệ, thậm chí là lời khuyên thì theo kiểu “nhập gia tùy tục”, không có giá trị với cơ quan công quyền. Chẳng hạn, hệ thống bán lẻ châu Âu muốn mình làm theo tiêu chuẩn Global GAP, thì mình làm rồi xuất sang cho họ.
Thực tế, theo ông Cương: “Như tiêu chuẩn Global GAP, đây chỉ là giao kèo giữa nhà nhập khẩu và xuất khẩu, người tiêu dùng không hề biết. Chứ hàng mình xuất sang bên Âu, Mỹ họ mở tung đem ra chợ bán bình thường. Không có cái nhãn nào gọi là Global GAP trong bao bì bán lẻ, để người tiêu dùng nhận biết cả. Vấn đề là nếu doanh nghiệp xuất khẩu chỉ có một nhà nhập khẩu ưa nhãn đó thì doanh nghiệp buộc phải làm theo thôi”.
Tuy nhiên, ông Cương cũng chỉ ra rằng, các tiêu chuẩn thực hiện thường qua các tổ chức bán lẻ. Như tiêu chuẩn ASC được WWF xây dựng, nhằm kiểm soát môi trường nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm, và tất nhiên, sau khi ban hành cái này, muốn sống được, WWF phải tìm một hệ thống bán lẻ nào đó lồng vào.