> Giầy, dép làm ô nhiễm không khí trong nhà
> Buộc Cty Mauri VN khắc phục tình trạng gây ô nhiễm
Ông Vũ Quốc Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho biết như vậy.
Lò nung gốm ở Phù Lãng, Bắc Ninh. Ảnh: Hồng Lĩnh. |
Ông đánh giá thế nào về tình hình ô nhiễm môi trường tại nhiều làng nghề?
Ảnh hưởng và tác hại của ô nhiễm môi trường làng nghề thật sự là rất đáng lo ngại. Các dạng ô nhiễm trong làng nghề hiện nay chủ yếu là ô nhiễm môi trường không khí, do sử dụng các loại nhiên liệu, hóa chất và vật tư trong sản xuất. Thứ hai là ô nhiễm môi trường nước (nước mặt và nước ngầm) do nước thải phát sinh từ quá trình sản xuất. Thứ ba là ô nhiễm môi trường đất, do các chất thải rắn sinh ra.
Trong các làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh và triệu chứng bệnh cao nhất là về: tai mũi họng, mắt, da liễu, đường tiêu hóa, nhiễm độc kim loại, ung thư. Tỷ lệ người mắc bệnh trong làng nghề đang có xu hướng tăng lên. Tuổi thọ trung bình của người dân trong các làng nghề ô nhiễm ngày càng giảm, thấp hơn khoảng 10 năm so với tuổi thọ trung bình của cả nước.
Theo ông, cần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề như thế nào?
Cần đặt vấn đề này trong kế hoạch tổng thể bảo vệ môi trường gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu đặt trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi toàn diện, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội, trong các công tác như quy hoạch, kế hoạch và chính sách chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế - xã hội, phát triển nông thôn, gắn kết yêu cầu bảo vệ môi trường trong công tác quy hoạch khu dân cư, phát triển kết cấu hạ tầng ở nông thôn. Không thể giải quyết ô nhiễm làng nghề một cách riêng rẽ, tách khỏi việc xử lý các vấn đề nói trên.
Việc khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề cũng cần được tiến hành đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp. Sự phối hợp quan trọng nhất là việc tổ chức thực hiện, tập trung lực lượng, giải quyết dứt điểm từng vụ việc.
Ngoài ra, khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề cần xã hội hóa, có sự tham gia của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Ông Vũ Quốc Tuấn . |
Ông có kiến nghị gì về mặt chính sách?
Trách nhiệm trước hết là của các cơ sở sản xuất trong làng nghề có ô nhiễm, trong đó có phần tuy nhận thức được sự nguy hại của ô nhiễm môi trường, nhưng không đủ sức xử lý vì chi phí quá cao. Chỉ có một số rất ít làng nghề có kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất rắn hoặc đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ sạch.
Cơ quan nhà nước nên chuyển giao một số dự án, dịch vụ công về môi trường cho các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội thực hiện.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch các cụm tiểu thủ công nghiệp để di dời các cơ sở gây ô nhiễm nặng ra khỏi khu vực dân cư là một biện pháp tích cực. Quy hoạch này gồm cả mặt bằng sản xuất, kết cấu hạ tầng như đường giao thông, hệ thống điện, nước, thông tin, thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn...
Một điều nữa là trên địa bàn dân cư ở nước ta, đâu đâu cũng có đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Nhưng trong việc bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm tại làng nghề, tác dụng của các đoàn thể, tổ chức còn quá mờ nhạt.
Chúng ta cần có chính sách khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, bảo vệ môi trường làng nghề.
Cảm ơn ông.
Việt Nam hiện có 2.790 làng nghề với khoảng 11 triệu lao động trong 1,5 triệu hộ, kinh doanh khoảng 60 ngành nghề tiểu thủ công. Làng nghề không chỉ tạo ra nhiều việc làm, sản xuất ra nhiều hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, mà còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. |
Cao Nhật