Bộ chưa quyết, học sinh rối bời

Bộ chưa quyết, học sinh rối bời
Trong khi kết quả thi tốt nghiệp THPT đã được công bố, kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) lại đang đến gần, Bộ GD-ĐT vẫn chưa công bố phương án xử lý việc 11 tỉnh, thành ĐBSCL đưa ra thỏa thuận chấm thi riêng.

Vụ “Bắt tay nới lỏng chấm thi tốt nghiệp THPT”:

Bộ chưa quyết, học sinh rối bời

> Bộ GD-ĐT chưa nhận đủ báo cáo vụ 'bắt tay' chấm thi tốt nghiệp
> Bộ nên chuyển cho trường tổ chức thi tốt nghiệp

Trong khi kết quả thi tốt nghiệp THPT đã được công bố, kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) lại đang đến gần, Bộ GD-ĐT vẫn chưa công bố phương án xử lý việc 11 tỉnh, thành ĐBSCL đưa ra thỏa thuận chấm thi riêng.

Học sinh Cần Thơ xem kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Ảnh: Thanh Xuân
Học sinh Cần Thơ xem kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Ảnh: Thanh Xuân.

Ông H.V.M., một giáo viên tại Cần Thơ, cho biết, thực tế hiện nay nhiều học sinh đang chuyển từ trạng thái vui mừng sau khi đậu tốt nghiệp sang băn khoăn không biết số phận của mình như thế nào, Bộ sẽ quyết định ra sao và chính bản thân các giáo viên cũng băn khoăn giùm học sinh của mình.

Xáo trộn không nhỏ

T., một học sinh đang luyện thi cấp tốc tại Cần Thơ, lo lắng: “Em đang luyện thi cấp tốc mà rất lo, không biết môn văn có chấm thi lại hay không, lỡ mai mốt chấm lại em bị điểm liệt hay giảm bớt điểm xuống thành rớt thì công sức bỏ ra để thi ĐH coi như đổ sông đổ biển hết”.

T. cho biết, trong thời điểm còn mấy ngày nữa là đến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2011 nên thông tin về những bất ổn trong kết quả thi tốt nghiệp làm xáo trộn không nhỏ đến tâm lý của các bạn học chung lớp. Các bạn liên tục gọi điện, nhắn tin cho nhau để hỏi thăm, cập nhật tình hình có gì mới không.

Anh Ngô Tấn Thành có em học tại Trường THPT Tân Hồng, Đồng Tháp, thí sinh kỳ thi vừa qua, đặt câu hỏi: “Nếu Bộ kết luận và chứng minh việc các tỉnh ĐBSCL thỏa thuận chấm theo hướng dẫn chung là sai, có tiêu cực dẫn đến sai lệch kết quả thi thì trước hết nên xử lý kỷ luật những người đã đề xuất việc này. Trong đó, Bộ cũng có trách nhiệm không nhỏ trong việc ký văn bản đồng ý cho các tỉnh họp thống nhất hướng chấm bài thi các môn tự luận.

Trong chuyện này, hàng chục ngàn học sinh ở 11 tỉnh, thành đang là những nạn nhân tội nghiệp. Nay nếu chấm lại càng khốn khổ hơn! Kết quả thi đã công bố rồi, giấy chứng nhận tốt nghiệp, học bạ nhà trường cũng sẽ phát cho các em trong nay mai.

Chỉ còn 10 ngày nữa em tôi và các bạn sẽ khăn gói đi thi ĐH. Nay nếu chấm lại, chuyện gì sẽ xảy ra? Sẽ công bố kết quả lại. Có bao nhiêu học sinh đậu thành rớt? Đó là chưa kể nếu tiến độ chấm không kịp, ngày thi ĐH đã đến mà học sinh chưa có kết quả thi tốt nghiệp, ai sẽ chịu trách nhiệm về việc học sinh lỡ cơ hội đi thi ĐH? Tại sao lỗi người lớn gây ra, giờ bắt học sinh hứng chịu?”.

“Nếu buộc phải chấm lại sẽ tạo nhiều áp lực và rất tội nghiệp cho con em chúng tôi, vì bản thân các em không có lỗi” - một phụ huynh ở Cần Thơ nêu quan điểm. Giám đốc một trung tâm luyện thi ĐH ở Cần Thơ nói, mọi thứ đều đã ngã ngũ, nên giữ nguyên kết quả, một kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ nghiêm túc và có chất lượng sẽ phản ánh đúng thực lực của học sinh hiện nay.

Khó huy động lực lượng

Không chỉ có phụ huynh bức xúc, nhiều giáo viên cũng bày tỏ lo ngại về những tình huống sẽ xảy ra khi bộ yêu cầu chấm lại bài thi. Một giáo viên văn tham gia chấm thi tốt nghiệp tại tỉnh Hậu Giang nói: “Tôi chưa thể hình dung việc chấm lại sẽ như thế nào, bộ sẽ cử hàng ngàn giám khảo từ nơi khác đến (để đảm bảo khách quan, công bằng) hay vẫn cứ chấm chéo theo phân công trước đây? Hội đồng chấm thi đã giải tán sau khi chấm xong, nay huy động lực lượng giám khảo theo kiểu nào?

Nói thẳng, tôi không muốn tham gia chấm kỳ này vì chúng tôi đã làm hết lương tâm, trách nhiệm của mình lần chấm trước. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng không mặn mà với một công việc chưa có tiền lệ này. Chưa kể, giờ nếu buộc phải chấm lại, liệu điểm số của giám khảo có khách quan không khi điểm chấm của giám khảo lần trước hiển hiện trên bài thi?”.

Trong khi đó, nhiều lãnh đạo sở và cán bộ phòng khảo thí các địa phương trong 11 tỉnh, thành này đang bày tỏ sự bối rối nếu phải tổ chức lại một hội đồng chấm thi mới vì nhiều lẽ. Việc huy động giám khảo trước đây được thực hiện trước ngày thi cả tháng trên cơ sở từng trường THPT gửi danh sách giáo viên về sở. Nay các trường đã vào hè, việc thông báo, điều động giáo viên đi chấm thi không dễ dàng chút nào. Đó là chưa nói đến việc chưa biết tìm đâu ra kinh phí cho đợt chấm lại.

Một vị trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục nói: “Tất cả những ai từng tham gia quy trình chấm thi đều thấu hiểu nếu huy động đủ số lượng giám khảo tương ứng số lượng bài thi, khâu chấm thi sẽ mất khoảng bảy ngày. Đó là chưa kể nếu chấm lại, phải làm phách lại. Rồi nhập điểm, chuyển dữ liệu cho tỉnh bạn, đến tỉnh bạn nhận dữ liệu học sinh tỉnh mình về nhập lại. Tiến độ chấm lại nhanh hay chậm, ảnh hưởng đến việc học sinh tỉnh mình đi thi ĐH hay không phụ thuộc vào tỉnh bạn. Tôi nghĩ nếu bộ yêu cầu, chúng tôi hẳn nhiên phải làm nhưng không có gì đảm bảo tiến độ kịp cho các em đi thi ĐH”.

Chưa thể công bố tỉ lệ tốt nghiệp THPT

Mặc dù các tỉnh, thành đã có báo cáo về Bộ GD-ĐT nhưng đến cuối ngày 22-6, Bộ GD-ĐT chưa thể công bố tỉ lệ tốt nghiệp. Ngày 22-6, Bộ GD-ĐT tiếp tục làm việc với các thành viên ban ra đề thi các môn tự luận để so sánh biên bản thống nhất chấm thi của 11 tỉnh, thành ĐBSCL và hướng dẫn chấm, đáp án của Bộ GD-ĐT.

Theo nguồn tin của Tuổi trẻ, nếu xác định có sai phạm, Bộ GD-ĐT sẽ xử lý nghiêm khắc đối với những người liên quan. Tuy nhiên, sẽ lựa chọn giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG