Phải trả lại quyền tự chủ cho trường đại học

Phải trả lại quyền tự chủ cho trường đại học
TP - Tại Hội nghị trực tuyến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách ngày 9-1, nhiều đại biểu cho rằng, cần trả quyền tự chủ cho các trường ĐH và chỉ khi ĐH được tự chủ thì mới có thể tăng chất lượng giáo dục đại học.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM Trần Du Lịch cho rằng các trường ĐH phải được tự chủ nhưng lâu nay, quyền tự chủ đó bị Bộ GD&ĐT thâu tóm về, rồi nhả ra một cách từ từ. Vì không tự chủ, các trường không thể chủ động tuyển sinh, dẫn tới nhiều bất cập, giống như kiểu xe đò rước khách: Nguyện vọng 1 là lên xe loại một và cứ như thế cuối cùng những người còn lại vét lên xe cọc cạch, ông Lịch nói.

Theo ĐB Lịch, cũng do cơ chế mà các trường ĐH ra đời ồ ạt, kém chất lượng. Để chấm dứt tình trạng yếu kém, nhất định phải trao quyền tự chủ cho các trường ĐH và trường ĐH là một pháp nhân, ông nói. Nhưng dự luật Giáo dục ĐH lại chưa làm rõ, chẳng hạn như để tự chủ, ĐH phải có bộ máy riêng, có tài sản riêng và có quyền tự mình tham gia các quan hệ pháp luật.

Theo GS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của QH, nên nhìn nhận vấn đề tự chủ dưới góc độ là cơ chế quản trị các trường ĐH, chứ không phải quyền cụ thể. Bởi nếu là cơ chế quản trị thì trường ĐH nào cũng phải thực hiện, cũng phải vận hành theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đó. Còn nếu nhìn nhận đó là quyền, thì xảy ra tình trạng có thể “cho” hoặc “không cho”.

Với mô hình này, hiệu trưởng là thành viên của Hội đồng quản trị (hay hội đồng trường) và Luật phải quy định rất rõ. Hiệu trưởng là người thực thi còn Hội đồng trường hoạch định chính sách phát triển. “Luật phải xác định rõ điều kiện, tiêu chuẩn thành lập trường, chỉ khi đáp ứng đầy đủ điều kiện mới cho thành lập”, bà Đan nói.

“Không có quyền tự chủ thì không phát triển được đại học”, GS Đặng Hữu, nguyên Trưởng ban Khoa giáo T.Ư nhấn mạnh.

Theo ông, yếu tố quyết định là phải giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, bởi tự chủ là thuộc tính của các trường ĐH. Đã là thuộc tính thì một khi thành lập trường ĐH thì phải thực hiện được quyền tự chủ chứ không thể chờ đợi theo lộ trình.

“Tại sao lại phải thực hiện tự chủ theo lộ trình? Đó sẽ là quay lại cơ chế xin – cho. Phải thực hiện tự chủ, nếu trường nào không thực hiện được thì giải thể, chứ không nên giao nửa vời”,
GS Hữu nói.

Mô hình trường phi lợi nhuận

Căn bệnh trầm kha của các trường ĐH, nhất là ĐH ngoài công lập hiện nay, theo GS Hoàng Xuân Sính, là thiếu tiền. Bài toán xã hội hóa giáo dục là đúng nhưng có những vấn đề cần tháo gỡ và phải đảm bảo công bằng.“Vậy vì sao cùng là ĐH, nhưng có trường phải đóng thuế, có trường không?”, GS Sính nêu vấn đề.

Theo GS Sính, để tồn tại, những trường này phải vật lộn hết hơi với cơ chế. Ví dụ, doanh thu, lợi nhuận trường xin giữ lại để đầu tư, đền bù đất nhưng cơ quan thuế không nghe, cứ đè ra để thu ngay.

“Mùa giáp hạt (khi chưa thu được học phí), chúng tôi phải huy động anh em cho vay với lãi suất tiết kiệm ngân hàng, nhưng khi trả lãi cho anh em thì lại bị đánh thuế! “Chỉ nên đánh thuế khi chia cổ tức, còn lợi nhuận mà dành để đầu tư cơ sở vật chất thì phải ưu đãi”, GS Sính kiến nghị.

Theo ĐBQH Trần Du Lịch, giáo dục là sự nghiệp của nhà nước, nhưng lâu nay chúng ta quan niệm có phần còn lệch lạc. Trên thế giới, các trường danh tiếng đều là trường phi lợi nhuận. “Phi lợi nhuận - phải hiểu là người bỏ tiền ra đầu tư, thành lập trường không thu lợi nhuận cho mình (bất kể do nhà nước hay cá nhân lập ra). Mà lợi nhuận thu được dành để đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục, phát triển trường. Chính sách chung của Nhà nước là phải khuyến khích loại trường này, dù do Nhà nước hay cá nhân lập ra, ông Lịch đề xuất.

Từ góc độ này, ông cho rằng, với những trường hoạt động vì lợi nhuận theo mô hình công ty thì nhà nước nhất quyết không ưu đãi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
TPO - Lầu ông Hoàng là một di tích tham quan nổi tiếng tọa lạc trên ngọn đồi tuyệt đẹp ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù đã được tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đến nay Lầu ông Hoàng có nhiều hạng mục bị xuống cấp, chưa được nâng cấp và trùng tu đúng mức.